19:12 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Phó Thủ tướng yêu cầu đảm bảo mục tiêu CPI ở mức 4,5%

16:07 11/10/2023

(THPL) - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị đảm bảo mục tiêu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm nay ở mức 4,5% mà Quốc hội đề ra.

Sáng ngày 11/10 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, đã chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo về kết quả công tác điều hành 9 tháng qua và những tháng còn lại của năm 2023.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 9 tháng qua, tình hình giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, lạm phát đang được kiểm soát và theo xu hướng giảm dần. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 4,49%.

Từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã có các văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp về quản lý, điều hành để bình ổn giá, hạn chế những biến động của mặt bằng giá gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Thời gian qua, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường. Nguồn cung được bảo đảm. Giá cả hàng hóa cơ bản ổn định, diễn biến theo đúng với kịch bản điều hành giá của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu đảm bảo mục tiêu CPI ở mức 4,5%. Ảnh minh hoạ

Về phía các bộ ngành, để kịp thời, chủ động trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách của năm 2023, ngay từ cuối năm 2022, Bộ Tài chính đã khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023 với tổng giá trị hỗ trợ dự kiến khoảng 196 nghìn tỷ đồng; trong đó, số tiền được gia hạn khoảng 121 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm khoảng 75 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 đối với hầu hết các mặt hàng đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%. Dự kiến thực hiện giải pháp này, số tiền thuế được giảm khoảng 24 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ ban hành Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 đối với doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (dự kiến số tiền thuế, tiền thuê đất được xem xét gia hạn là hơn 110 nghìn tỷ đồng); Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, 7, 8, 9/2023 đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (dự kiến thực hiện giải pháp này sẽ gia hạn khoảng 10,4 nghìn tỷ - 11,2 nghìn tỷ đồng); giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (dự kiến sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 8.000 - 9.000 tỷ đồng)…

Về điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng và các chính sách khác. Trong 9 tháng năm 2023, trái với xu hướng tiếp tục thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt của Ngân hàng trung ương các nước và lãi suất thể giới giữ ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần liên tục điều chỉnh giảm lãi suất chính sách để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng bằng VND giảm xuống 4,75%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế hiện ở mức 4%/năm.

Trong những tháng cuối năm, Bộ Tài chính nhận định là vẫn còn nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá. Vì thế, trên cơ sở mục tiêu kiểm soát lạm phát cả nằm ở mức 4,5%, Bộ Tài chính cập nhật 2 kịch bản lạm phát.

Theo đó, kịch bản 1 là với giả thiết quý 4/2023 so với cùng kỳ năm 2022: giá xăng dầu tăng 10%, giá gas tăng 7%, giá lương thực, thực phẩm tăng 4%, giá điện sinh hoạt tăng 3%, giá vật liệu xây dựng tăng 5%, giá nhà ở thuê tăng 9%, giá dịch vụ y tế tăng 2,5%, giá dịch vụ giáo dục tăng 8% thì CPI bình quân năm 2023 dự báo tăng khoảng 3,2% so với năm 2022.

Kịch bản 2 là giả thiết quý 4/2023 so cùng kỳ năm 2022, giá xăng dầu tăng 20%, giá gas tăng 15%, giá lương thực, thực phẩm tăng 4,5%, giá điện sinh hoạt tăng 8%, giá vật liệu xây dựng tăng 5%, giá nhà ở thuê tăng 10%, giá dịch vụ y tế tăng 4,5%, giá dịch vụ giáo dục tăng 9% thì dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,6% so với năm 2022.

Tại phiên họp, các ý kiến thống nhất cho rằng, trong 9 tháng qua, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu được đảm bảo, giá cả cơ bản ổn định, diễn biến đúng với kịch bản điều hành giá đã đề ra.

Để đảm bảo cung cầu hàng hóa, nguồn hàng đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu trong các dịp lễ, Tết cuối năm, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần bám sát các kịch bản đã đề ra; chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây lạm phát trong nước, thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng nhà nước quản lý.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị đảm bảo mục tiêu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm nay ở mức 4,5% mà Quốc hội đề ra.

Tuấn Minh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu