11:30 ngày 27/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Phản ứng của thế giới trước ngày Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức

16:18 17/01/2017

(THPL) – Đánh giá NATO “lỗi thời”, coi chính sách cho người nhập cư của bà Merkel là “sai lầm nghiêm trọng”, và chọc giận Bắc Kinh khi cho rằng "mọi điều đang được thương lượng, gồm cả chính sách Một Trung Quốc", ông Trump đã gây nên một cuộc "khủng hoảng ngoại giao" khá lớn.

Chỉ vài ngày trước lễ tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tiếp tục khiến cả thế giới chú ý với những phát ngôn của mình. Hàng loạt tuyên bố của ông đưa ra, đôi khi ẩn chứa những mâu thuẫn, đang làm leo thang căng thẳng với Trung Quốc, đồng thời khiến đồng minh cũng như các tổ chức có ý nghĩa quan trọng với vị thế lãnh đạo của Mỹ ở phương Tây phẫn nộ. Không ai biết ông thực sự muốn gì, theo tờ New York Times.

Châu Âu giận giữ và hoang mang

Đầu tiên, để bắt đầu công việc quản lý chính sách đối ngoại của Mỹ, ông Trump chỉ trích liên minh quân sự quan trọng nhất đối với Mỹ - đó là NATO, và chỉ trích đồng minh quan trọng nhất của ông - Thủ tướng Đức Angela Merkel - nhà lãnh đạo có uy tín nhất châu Âu trên nhiều lĩnh vực.

Ông miêu tả Liên minh châu Âu (EU) "về cơ bản là một phương tiện cho Đức" và dự đoán rằng EU rồi sẽ phải chứng kiến các quốc gia khác nối gót Anh rời khỏi khối. Ông cũng bình luận về Thủ tướng Đức Angela Merkel, chỉ ra rằng bà Merkel đã "phạm sai lầm nghiêm trọng" vì cho phép dòng người nhập cư đổ vào châu Âu.

Đáp lại những tuyên bố của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho hay, điều quan trọng đối với bà là những gì nhà tài phiệt New York làm sau khi nhậm chức. Ảnh: NYTimes.
Những phát ngôn về Anh và Đức của nhà tài phiệt New York đang khiến châu Âu giận dữ xen lẫn cảnh giác.

Politico đưa ra bình luận, việc ông Trump phê phán chính sách và đề cập tới những tổn hại mà bà Merkel phải chịu trong vấn đề nhập cư không phải là một thái độ "nên có" với một lãnh đạo quốc gia khác, một đồng minh quan trọng, đặc biệt khi ông Trump lại là lãnh đạo Mỹ - một "đất nước của những người nhập cư".

Chỉ vài tuần trước đây, rất nhiều các quan chức lãnh đạo ở châu Âu dường như vẫn còn cho rằng những tuyên bố đáng lo ngại về chính sách đối ngoại của Trump chỉ là lời nói trong tranh cử. Giờ thì họ không còn chắc chắn về điều đó nữa.

Họ bắt đầu nhận ra rằng, ông Trump thực sự vẫn luôn đặt câu hỏi về giá trị của NATO. Những chỉ trích của Trump đối với EU, sự miễn cưỡng không thể giải thích nổi của ông Trump khi phải phát ngôn không thuận lợi cho Nga, đó là những bằng chứng quá "thật" đối với EU cho việc đánh giá tầm nhìn mới của Washington.

Việc tấn công đồng minh và bè bạn này chính xác là những điều khiến các chuyên gia chính sách đối ngoại của đảng Cộng hòa lo ngại từ khi ông Trump còn tranh cử. Vì điều này mà nhiều người trong số họ đã cho rằng ông Trump không phù hợp để trở thành một tổng tư lệnh.

Cách bình luận hiện tại của ông Trump gợi nhớ tới cách mà những quan chức hàng đầu của chính quyền Bush từng nói về NATO và EU những năm 2003. Đó là thời điểm Washington phớt lờ hành động mang đầy tính đoàn kết của NATO sau vụ khủng bố 11/9 – khi NATO tuyên bố rằng việc tổ chức khủng bố Al-Qaeda tấn công Mỹ cũng chính là tấn công NATO.

Đó cũng là thời điểm mà các quan chức Quốc phòng Mỹ, trong đó có Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Paul Wolfowitz, thích Mỹ hành động đơn độc hơn, vì sợ rằng cơ cấu chỉ huy của NATO sẽ làm cho mọi việc chậm trễ đi.

Và đó chính là thời điểm mà Mỹ từng tuyên bố sẽ trả đũa đồng minh nào phản đối việc Mỹ mau chóng khởi động chiến tranh ở Iraq - khi Cố vấn An ninh Quốc gia lúc đó, bà Condoleezza Rice, đã tuyên bố sẽ "trừng phạt Pháp, bỏ qua Đức và tha thứ cho Nga".

Sau đó, tất nhiên là xung đột và hỗn loạn leo thang tại Iraq, số quân lính của Mỹ thương vong lên tới hàng chục nghìn, hàng trăm tỷ đô-la như bốc hơi. Kết cục là khi cuộc chiến tại Iraq kéo dài triền miên, thì sau đó NATO lại là đội quân tiếp viện chính cho Mỹ.

Ông Trump có vẻ đã lãng quên tất cả những điều trên, để rồi 14 năm sau, ông cũng muốn "tha thứ cho Nga" trước sự ngạc nhiên của tất cả các đồng minh của Mỹ. Trang Politico cho rằng Trump không hiểu được các nguyên tắc trong quan hệ quốc tế.

Không chỉ trang Politico, mà các trang khác như Times of London (Anh), báo Bild (Đức) đều cho rằng, nếu có điểm tốt nào trong phong cách "ngoại giao xúc phạm" của ông Trump, thì đó là việc một làn sóng phản đối và "không ưa" Trump sẽ càn quét khắp châu Âu.

Trung Quốc giận dữ

Trong khi đó, hôm 13/1 vừa qua, tổng thống đắc cử Mỹ tiếp tục chọc giận Bắc Kinh khi phát biểu trên Wall Street Journal rằng: “Mọi điều đang được thương lượng, gồm cả chính sách Một Trung Quốc”.

Tờ China Daily ngay sau đó cảnh báo ông Trump “đang chơi đùa với lửa”, nhấn mạnh nếu Đài Loan bị đưa lên bàn đàm phán như lời nhà tài phiệt New York gợi ý, "Bắc Kinh không còn cách nào khác là phải tháo găng tay".

Những bình luận trước ngày nhậm chức của tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang khiến cả thế giới hoang mang, lo lắng. Ảnh minh họa: New York Times.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh hôm qua tuyên bố hành động dùng Đài Loan để làm đòn bẩy đàm phán với Trung Quốc không khác gì "tự lấy đá đập vào chân" và sẽ phải đối mặt với sự phản đối từ chính quyền, người dân Trung Quốc cùng cộng đồng quốc tế.

Mặc dù vậy, một số chuyên gia cũng lưu ý rằng không nên quá để tâm tới những lời nói của tổng thống đắc cử Mỹ, ít nhất ở thời điểm hiện tại.

"Tôi nghĩ ông Trump đang cố gắng giữ cho mình những lựa chọn mở và tìm cách để không bị dồn vào chân tường thông qua việc chống lại các quan điểm chính sách hiện hữu", Robin Niblett, giám đốc viên nghiên cứu Chatham House, trụ sở ở London, đánh giá.

Lan Anh (T/H)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu