08:21 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Ông giáo già đam mê hoa kiểng lạ

| 09:36 11/01/2018

(THPL) - Ông Trần Văn Tiếp, 68 tuổi, ngụ ấp Khánh Hòa, xã Tân Khánh Đông, TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp đã trồng được loại dưa hấu tí hon có nguồn gốc từ Nam Mỹ.

Ông Trần Văn Tiếp bắt đầu câu chuyện bằng lời dặn: “Có sao nói vậy, đừng có nói thêm, nói bớt kỳ lắm, chủ yếu là mình muốn ra mắt sản phẩm mới để chuyển giao công nghệ cho bà con mình thôi. Tôi có được ngày hôm nay cũng đã chịu nhiều thất bại tưởng chừng như không vượt qua được. Nhiều nguồn thông tin nói tôi thành công nhanh chóng là chưa chính xác”.

Thấy chúng tôi có vẻ thắc mắc, ông Tiếp kể: Trước đây tôi làm giáo viên; năm 2012 trong một lần tình cờ, ông thấy thông tin xuất hiện loại cây dưa hấu tí hon Nam Mỹ (Pipeno) xuất xứ tại Nga có hiệu quả rất cao, trái đẹp với đặc tính kỳ lạ: Khi nhỏ chúng màu xanh có dạng như trái ớt; khoảng 20 ngày sau chúng chuyển sang màu trắng và có dạng như trái cà chua; sau đó chúng chuyển sáng màu vàng kèm theo các sọc tím rất đẹp mắt và có hình trái dưa hấu tí hon. Thấy trái độc, lạ, ông Tiếp đã đặt mua hạt giống từ nước Nga với giá 40.000 đồng/mỗi hạt. Tuy nhiên lần khởi nghiệp đầu tiên hoàn toàn thất bại bởi loại dưa nầy chỉ thích hợp với nhiệt độ khá lạnh.

1330
Ông Trần Văn Tiếp.

Không từ bỏ niềm đam mê nầy, ông Tiếp đã nghiên cứu nguồn cung cấp hạt giống từ Nam Mỹ với hy vọng sẽ thành công hơn với nhiều đặc điểm tương đồng với khí hậu và thổ nhưỡng Việt Nam. Nhưng một lần nữa ông lại nếm mùi thất bại. Lần thứ 3 ông lại cất công đến TP Đà Lạt để tìm loại cây giống nầy với niềm hy vọng mỏng manh.

Đất sương mù Đà Lạt không phụ lòng người, ông Tiếp đã phát hiện một nông dân đang trồng loại dưa hấu tí hon này phát triển xanh tốt. Rất nhanh chóng để lão nông Sa Đéc tiếp cận cách trồng trọt, chăm sóc của người đi trước kết hợp với kiến thức sẳn có của mình để áp dụng vào vườn nhà của mình và đã thành công ở năm 2017 sau hơn 5 năm thử nghiệm thất bại, tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc.

Ông Tiếp phấn khởi cho biết: Loại dưa này sau khi gieo hạt khoảng 5 đến 6 tháng là thu hoạch. Thời gian thu hoạch kéo dài đến 18 tháng. Cây có kết cấu 3 tầng nhánh; mỗi nhánh có 1 đến 3 trái; mỗi trái có trọng lượng từ 200 đến 250 gam, vỏ sáng ánh, trái no tròn rất bắt mắt. Trái có nhiều vị cùng lúc như: Chanh dây, dưa lưới, dưa hấu rất thơm ngon.

1331
Vườn dưa Nam Mỹ của ông Tiếp.

Ông Trần Văn Tiếp kể tiếp: “Tôi mừng muốn khóc khi loại dưa tí hon đã trồng thành công trên đất Sa Đéc, vậy là sau các loại hoa kiểng chịu lạnh ở Đà Lạt đã được trồng “ngon lành” ở Sa Đéc thì đến lượt dưa hấu Nam Mỹ xuất hiện và phát triển rất tốt trên đất làng hoa”.

Chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2018 này, ông đã chuẩn bị trên 500 giỏ dưa Nam Mỹ phục vụ thương trường với giá bán từ 250.000 đến 300.000 đồng/chậu. Ngoài việc bán dưa theo dạng kiểng để chưng tết, ông Tiếp còn cung cấp cây giống với giá 50.000 đồng/cây. Hiện nay nguồn cây giống và hàng chưng tết đã "cháy hàng".

Ông Tiếp chia sẻ nguyện vọng rất sẵn sàng chuyển giao khoa học để nông dân các nơi có thể áp dụng trồng trên đất rẫy của mình bởi loại cây dưa hấu tí hon sẽ phát triển rất tốt hơn rất nhiều so với việc trồng trong chậu và tất nhiên hiệu quả kinh tế rất cao. Tuy nhiên ông Tiếp cũng cảnh báo người trồng muốn đạt hiệu quả cao nhất, an toàn nhất cần thực nghiêm 2 yếu tố then chốt: Phải cho chúng ngủ trong mùng lưới mỗi ngày từ 15 đến 16 tiếng rồi giở mùng ra; cạnh đó tuyệt đối không sử dụng các loại phân hóa học; thay vào đó phải sử dụng nguồn phân vi sinh.

1329
Trái dưa Nam Mỹ của ông Tiếp.

Hiện nay, ông giáo Trần Văn Tiếp đang chuẩn bị thành lập điểm du lịch tại nhà để trình làng những cây dưa hấu Nam Mỹ rất đặc biệt cùng nhiều loại hoa kiểng độc đáo nhất, góp phần thu hút du khách đến với làng hoa Sa Đéc.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu