11:47 ngày 19/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Nuôi cá lồng bè ở đảo Nam Du giúp nông dân thu nhập cao

07:27 09/02/2018

(THPL) - Nghề nuôi cá lồng bè ở đảo Nam Du (Kiên Giang) đã chứng minh được hiệu quả cao, mang lại cho người dân thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Theo báo VOV, với đặc điểm vùng biển bình yên và nguồn nước không bị ô nhiễm, các đảo thuộc vùng biển Tây Nam đang phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng bè.

Tại quần đảo Nam Du, Thổ Chu (Kiên Giang) hay hòn Chuối (Cà Mau) mô hình nuôi cá bớp, cá mú bằng hình thức này đã chứng minh được hiệu quả cao. Mang lại cho người dân thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, mô hình này đang được nhân rộng, tuy nhiên vẫn còn đó những trăn trở.

nuôi cá lồng bè, đảo Nam Du, Kiên Giang
Mô hình nuôi cá bớp, cá mú lồng bè mang lại cho người dân đảo Nam Du nguồn khu nhập cao. Ảnh: Báo VOV

Anh Dương Văn Thạo từ miền Trung vào nuôi cá lồng bè ở xã An Sơn thuộc quần đảo Nam Du đã 8 năm nay. Theo anh Thạo, vùng biển Nam Du ít khi chịu sóng to, gió lớn nên rất thuận lợi cho nghề nuôi cá lồng bè phát triển. Cá bớp và cá mú được người dân nơi đây chọn nuôi phổ biến do có thể tận dụng nguồn giống tại chỗ.

Tùy theo điều kiện kinh tế người nuôi có thể làm bè lớn hay nhỏ. Mỗi bè cá thường được chia thành 40 – 50 lồng. Diện tích lồng khoảng 13 - 15 m2 là vừa để thả 150 con cá bớp hoặc 1.000 con cá mú. Gia đình anh Thạo đang thực hiện nuôi 3 bè cá, cứ sau mỗi vụ khoảng 10 tháng anh thu được khoảng 9 tấn cá thương phẩm. Trừ hết mọi chi phí, gia đình kiếm lời 300 – 500 triệu đồng là chuyện bình thường.

Anh Dương Văn Thạo cho biết: Chính quyền khuyến khích người dân nuôi cá lồng bè. Nói chung nuôi cá bớp không khó, có thể nuôi quanh năm. Giá trị hiện nay khá cao, cá bớp thì 170.000 đồng/kg còn cá mú thì 300.000 đồng/kg.

Mô hình nuôi cá bớp, cá mú lồng bè phát triển tại quần đảo Nam Du khoảng mười năm nay. Trên đảo hiện có khoảng 85 hộ dân đang nuôi. Gia đình ông Dương Văn Nhân là một trong những hộ dân đi đầu làm mô hình này.

Ông Nhân cho biết, để đảm bảo vụ mùa thành công, người nuôi cần chú ý chọn địa điểm nuôi cá sao cho đảm bảo an toàn trước mưa bão mà cá vẫn có nguồn nước tốt nhất để phát triển. Trong việc chăm sóc cá, tốt nhất nên cho ăn một ngày hai lần vào sáng và chiều. Đặc biệt, vùng biển Nam Du thời gian gần đây xuất hiện một số loại bọ ký sinh làm cá nuôi bị bị bệnh, người dân cần chú ý phòng ngừa bằng cách tắm nước ngọt cho cá.

Ông Phạm Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã An Sơn cho biết: Bên cạnh nghề đánh bắt thủy sản truyền thống và các dịch vụ để phát triển du lịch thì nuôi cá lồng bè chính là mô hình kinh tế đang sinh lợi cho người dân địa phương. Thực tế các hộ nuôi có nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nuôi cá bớp và cá mú.

Tuy nhiên, người nuôi cá lồng bè nơi đây vẫn phải chịu thua thiệt do đầu ra còn khó khăn. Đặc biệt, khi có dịch bệnh phía địa phương cũng chưa có cán bộ kỹ thuật hỗ trợ người dân khắc phục nên chưa khuyến khích bà con nhân rộng nhiều, ông Việt cho hay.

Theo báo Khoa học Phổ thông, Kiên Giang là tỉnh có diện tích ngư trường khá lớn trên 63.000 km2 với gần 200 km bờ biển là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên, nghề nuôi cá lồng bè thương phẩm hiện nay ở Kiên Giang vẫn còn quy mô nhỏ, lẻ. Bè nuôi có kết cấu thô sơ, chủ yếu tự chế bằng gỗ, luôn phải di dời tránh gió bão theo mùa, bên cạnh dịch bệnh khó kiểm soát, đầu ra sản phẩm thiếu ổn định. Vì vậy phát triển mô hình nuôi cá biển công nghiệp sẽ tạo điều kiện để Kiên Giang khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế biển.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu