12:54 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Nông sản Việt phát triển bền vững tại thị trường xuất khẩu

08:32 19/02/2023

(THPL) - Đưa hàng Việt Nam xuất khẩu ra thế giới bằng thương hiệu của Việt Nam, bán cho người bản địa là hướng xuất khẩu bền vững. Đặc biệt, sau khi hiệp định EVFTA được thực thi đã tạo ra tiếng vang khiến những đối tác quốc tế tại Pháp quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam.

Nhờ ưu đãi thuế quan, xuất khẩu hàng hoá Việt Nam vào thị trường Pháp tăng mạnh. Việt Nam trở thành nhà cung cấp hàng hoá thứ 24 cho Pháp và nằm trong top 20 với thị phần khoảng 1%. Tuy nhiên, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho rằng, đừng quá đặt nặng con số bởi hiện có 10 nhà cung cấp có thị phần trên 1%; trong đó Đức và Trung Quốc là hai nhà cung cấp có thị phần là hai chữ số, lần lượt là 13% và 10%, còn lại đều chỉ có 7%, 5% và 2% mà thôi.

Việt Nam có 2 nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Pháp là giày dép và thiết bị viễn thông, tiếp đó là dệt may, máy móc, thiết bị linh kiện điện tử, đồ nội thất, thủy sản, các sản phẩm nhựa và bằng nhựa. Riêng nông sản có 50 mặt hàng như hạt điều, cà phê, tôm các loại, trái cây, gạo. “Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đa dạng và có vị trí nhưng tập trung vào một số mặt hàng chủ đạo; những mặt hàng thế mạnh như nông sản, thực phẩm chưa có nhiều. Đây là tiềm năng cần khai thác để đẩy mạnh xuất khẩu” - ông Vũ Anh Sơn, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp chia sẻ.

Sản phẩm Cơm ViệtNam Rice - thương hiệu gạo của tập đoàn Lộc Trời bày bán trên kệ siêu thị Leclerc (Pháp).

Về hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam, theo Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp có tập đoàn Lộc Trời với sự hỗ trợ của Thương vụ đã thành công trong việc chủ động tiếp cận và đưa gạo thương hiệu Việt Nam đầu tiên lên kệ tại các hệ thống đại siêu thị tại Pháp, phân khúc cuối cùng của hệ thống phân phối bán lẻ tại Pháp. Cho tới nay chưa có nhiều doanh nghiệp có được thành công này tại châu Âu.

Tuy nhiên cũng phải xác định: xây dựng thương hiệu Việt Nam và tiếp cận vào hệ thống đại siêu thị không phải là câu chuyện cho tất cả các doanh nghiệp mà chỉ dành cho một số doanh nghiệp có đầy đủ năng lực, có hiểu biết về thị trường và có một chiến lược phát triển bài bản.

Nhắc lại câu chuyện thành công trong việc đưa sản phẩm gạo Lộc Trời vào thị trường châu Âu, ông Vũ Anh Sơn nhấn mạnh đến sự sẵn sàng và chủ động của doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường Pháp. Trong đó, cần xác định thực hiện việc quy hoạch vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo sản phẩm hàng hoá đạt tiêu chuẩn và phù hợp với thị trường… Đây là những yêu cầu bắt buộc, tất yếu mà doanh nghiệp cần thực hiện chứ đừng nghĩ những khó khăn trên là rào cản.

Để xây dựng thương hiệu cho hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu, doanh nghiệp cần phải có sự đầu tư thông qua những chuyên gia tư vấn, đơn vị tư vấn xuất khẩu tìm hiểu các bước thâm nhập vào thị trường và có nhân sự đại diện tại thị trường Pháp. Đây là quá trình dài hơi và khó khăn từ chuẩn bị hàng hóa, nghiên cứu thị hiếu thị trường bản địa, tăng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại Pháp, rồi dần dần mới tiến đến xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam ở Pháp.

Dịch bệnh và những biến động chính trị hiện nay đã tạo ra những tác động và cú sốc làm thay đổi toàn bộ cấu trúc của thương mại quốc tế cũng như phương thức xúc tiến thương mại. Các quốc gia đang có xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng hướng đến chuỗi cung ứng gần có lợi ích hơn về mặt tài chính, tiện lợi hơn về sự sẵn sàng của hàng hóa và bền vững về môi trường. Các doanh nghiệp Việt Nam càng chú ý quan tâm nhiều hơn nữa để gia tăng giá trị hàng xuất khẩu của mình. Đưa hàng Việt Nam xuất khẩu ra thế giới bằng thương hiệu của Việt Nam, bán cho người bản địa là hướng xuất khẩu bền vững.

Tuy nhiên, chúng ta cần có chiến lược xây dựng thương hiệu, không thể đi theo các tập đoàn triệu đô đã thành danh trên trường quốc tế mà cần có cách đi riêng. Xây dựng thương hiệu phải đi theo ngành hàng rất là cụ thể, trong đó nông sản các loại là ngành hàng có thế mạnh trong xây dựng thương hiệu Việt như thủy sản, hạt điều, hạt tiêu, gạo, cà phê.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Pháp cũng cho rằng: không nên đặt ra vấn đề là doanh nghiệp nào cũng phát triển thương hiệu mà trong một ngành hàng chỉ có một số ít doanh nghiệp phát triển thương hiệu được thôi. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi tư duy bán hàng, từ thế bị động: đối tác tìm đến để nhập hàng đáp ứng nhu cầu của thị trường sang chủ động tìm hiểu văn hoá, tập quán kinh doanh của thị trường EU để phát triển sản phẩm xuất khẩu phù hợp với nhu cầu sử dụng của khách hàng. 

PV

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu