17:17 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Những bất thường tại Trạm BOT km13+250 Thái Bình: Nhà nước "trồng cây" - Doanh nghiệp "hái quả"? (Kỳ I)

| 02:54 12/03/2017

(TH&PL) - Nhà nước đầu tư xây dựng đường giao thông từ nguồn vốn Ngân sách. Người dân tham gia giao thông trên tuyến đường được thừa kế từ thời cha ông, cũng là có sự đóng góp của người dân từ các nguồn thuế cho Nhà nước để đầu tư sửa chữa, bảo trì. Ấy vậy mà bỗng dưng một Doanh nghiệp (DN) lại được UBND tỉnh Thái Bình "ưu ái" cho xây dựng trạm thu phí trên tuyến đường ấy, sử dụng trạm thu phí đè đầu các chủ phương tiện để tận thu.

Người dân đề nghị "nhổ" trạm thu phí

Ngày 23-12-2016, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 3897/QĐ-UBND, quy định mức thu đối với các phương tiện không ưu tiên là từ 30.000đ đến 200.000đ tại trạm thu phí km13+250 đường 39B, xã Bình Minh, huyện Kiến Xương.

Mức thu đối với các phương tiện ưu tiên được nêu tại công văn số 2267/UBND-CTXDGT là miễn 100% mức phí cho các phương tiện dưới 12 chỗ ngồi đối với xe chở người và dưới 2 tấn đối với xe chở hàng; miễn 50% mức phí đối với các loại xe còn lại. Mức miễn giảm trên áp dụng cho các chủ phương tiện có hộ khẩu thường trú tại tại xã Bình Minh và thị trấn Thanh Nê của huyện Kiến Xương.

Đường 39B là trục đường chính từ huyện Tiền Hải và huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) đi TP Thái Bình và đến các địa phương khác. Đây là con đường đã tồn tại từ bao đời nay. Đường 39B hay còn được gọi là ĐT458 là tuyến đường Quốc gia được xây dựng bằng vốn của Nhà nước.

Ấy vậy mà vào cuối năm 2016 thì bỗng dưng một công trình trạm thu phí được dựng lên. Đến ngày 1-1-2017, trạm thu phí mang tên "Trạm thu phí km13+250" trên QL39B đi vào hoạt động thu phí thì tình hình ANTT khu vực này bắt đầu có diễn biến phức tạp.

Người dân tập trung phản đối và đề nghị "nhổ" trạm thu phí km13+250 đường 39B

Ngay sau khi trạm thu phí bắt đầu tổ chức thu phí, nhiều chủ phương tiện tổ chức bao vây để phản đối trạm thu phí này. Vị trí trạm thu phí được đặt tại km13+250 trên QL39B, thuộc địa bàn xã Bình Minh, huyện Kiến Xương. Như vậy, những phương tiện của người dân tại huyện Tiền Hải đến thị trấn Thanh Nê của huyện Kiến Xương nếu đi hướng TP Thái Bình thì đều phải qua trạm thu phí này để nộp mức phí thấp nhất (đối với xe dưới 12 chỗ ngồi) là 30.000đ.

Vì tuyến đường 39B từ TP Thái Bình về huyện Tiền Hải là đường được xây dựng từ vốn Nhà nước, đã được người dân sử dụng từ nhiều năm nay, chưa có một DN hay đơn vị nào đầu tư cải tạo, nâng cấp bằng vốn của DN bằng hình thức Hợp đồng Xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) nên nhiều chủ phương tiện đề nghị cần phải nhổ ngay cái trạm thu phí vô lý này.

Hỗn loạn ở trạm thu phí khiến nhiều phương tiện bị ùn tắc trong khoảng thời gian dài, các hộ dân khu vực xung quanh bị ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Không chỉ có thể, có nhiều phương tiện mà chủ yếu là taxi do quen địa bàn nên họ tìm vào đường tránh là những con đường bê tông xiên qua khu đông dân cư giữa các làng để né trạm thu phí.

Từ khi có trạm thu phí, những con đường làng bỗng trở nên nhộn nhịp bởi những chiếc xe ô tô ào ào vào phá vỡ bầu không khí vốn yên tĩnh. Càng nhộn nhịp bao nhiêu, xóm làng lại càng khổ sở bấy nhiêu bởi khói bụi, và nguy hiểm bởi TNGT rình rập khiến người già và trẻ con sợ hãi mỗi khi phải ra đường.

"Nhất bên trọng, nhất bên khinh"

Có một sự bất hợp lý ở đây là tuyến đường 39B không thuộc quản lý của người dân thị trấn Thanh Nê hay xã Bình Minh, cũng không do người dân thị trấn Thanh Nê hay UBND xã Bình Minh xây dựng. Thế nhưng theo tinh thần công văn số 2267/UBND-CTXDGT của UBND tỉnh Thái Bình thì chỉ có những người dân tại hai địa bàn này được miễn, giảm phí qua trạm thu phí km13+250 đường 39B???

Đường do Nhà nước đầu tư xây dựng thì mọi người dân và các loại phương tiện đủ điều kiện lưu hành đều có quyền sử dụng để tham gia giao thông một cách bình đẳng như nhau. Tại sao UBND tỉnh Thái Bình và đơn vị thu phí là Cty CP Tasco Nam Thái (gọi tắt là Tasco Nam Thái) lại phân biệt đối xử, miễn giảm mức phí cho chủ các phương tiện tại thị trấn Thanh Nê và xã Bình Minh của huyện Kiến Xương, còn chủ các phương tiện ở các nơi khác lại không?

Phải chăng UBND tỉnh Thái Bình và Tasco Nam Thái lường trước tình huống là người dân địa phương sẽ phản đối hoạt động của trạm thu phí, nên tính phương án miễn giảm mức phí đối với các chủ phương tiện tại địa bàn đặt trạm thu phí để trấn an lòng dân?

Một sự bất hợp lý nữa là những xã lân cận như xã Quang Trung, xã An Bồi của huyện Kiến Xương các trạm thu phí chỉ khoảng 2-3km; hay xã An Ninh, xã Phương Công, xã Tây Giang, thị trấn Tiền Hải… của huyện Tiền Hải các trạm thu phí khoảng 3-5km cũng đều chịu mức phí qua trạm thu phí này là 30.000đ/lượt đối với xe chở người dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn; 45.000đ/lượt đối với xe chở người từ 12-30 chỗ, xe tải từ 2-4 tấn; 65.000đ/lượt đối với xe chở người từ 31 chỗ trở lên, xa tải từ 4-10 tấn… Trong khi các nhà xe đối với xe chở khách thì không thể tăng giá vé đối với hành khách, hay xe tải không thể tăng cước vận chuyển đối với chủ hàng.

Mức phí "cắt cổ" các chủ phương tiện

Rồi một tài xế taxi phàn nàn: "Tôi thường đón khách ở bờ hồ Kiến Xương. Nếu tôi chở khách đi xã Hòa Bình thì số tiền tôi thu được của khách được khoảng 40.000đ. Thế nhưng cả đi và về tôi phải mất 60.000đ tiền qua trạm thu phí. Chúng tôi còn phải đóng tiền đàm, tiền xăng, rồi khấu hao xe. Vậy thử hỏi chúng tôi sống bằng gì? Lấy gì để nuôi vợ con"?

Trạm BOT km13+250 đã cố ý "đứng" sai vị trí?

Năm 2010 UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt Dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B với tổng mức đầu tư ban đầu 2.072 tỷ đồng theo hình thức hợp đồng xây dựng-chuyển giao (BT), thanh toán cho nhà đầu tư là Tasco Nam Thái từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Đến tháng 9-2014, dự án thực hiện khoảng 1.250 tỷ đồng. Thế nhưng do trượt giá chi phí đầu vào; chi phí giải phóng mặt bằng tăng và điều chỉnh thiết kế, tổng mức đầu tư của dự án đã phình lên 2.602 tỷ đồng. Với tổng số vốn trên, Chính phủ chỉ bố trí vốn cho dự án 1.437 tỷ đồng, số vốn còn thiếu lên tới 1.165 tỷ đồng.

Ngày 6-9-2014, UBND tỉnh Thái Bình có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xin chuyển đổi hình thức thực hiện dự án từ BT sang BOT kết hợp để giải quyết khó khăn về vốn. Theo đó, sẽ bố trí từ ngân sách tỉnh 445 tỷ đồng để thanh toán hợp đồng BT cho nhà đầu tư. Số vốn khoảng 720 tỷ đồng do nhà đầu tư huy động triển khai theo hình thức BOT và tổ chức thu phí trong 21 năm để hoàn vốn. Ngày 30-10-2014, Chính phủ có công văn trả lời với nội dung đồng ý về nguyên tắc chuyển đổi hình thức đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B, đoạn từ đường vào Trung tâm điện lực Thái Bình đến thị trấn Diêm Điền theo hình thức Hợp đồng BOT kết hợp BT.

Ngày 5-2-2015, UBND tỉnh Thái Bình có công văn số 361/UBND-CTXDGT gửi Bộ GTVT và Bộ Tài chính, về việc thỏa thuận vị trí Trạm thu phí Dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B đoạn tuyến tránh thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương, và đoạn từ đường vào Trung tâm Điện lực Thái Bình đến thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy, tỉnh thái Bình) theo hình thức BOT. Tại công văn, UBND tỉnh Thái Bình có nêu: "UBND tỉnh Thái Bình đề nghị Bộ Tài chính, Bộ GTVT xem xét, chấp thuận vị trí xây dựng trạm thu phí hoàn vốn cho Dự án tại vị trí km13+250 đường 39B (ĐT458) là điểm đầu Dự án BOT 39B thuộc xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình".

Một sự thật oái oăm là Dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B nói trên do Tasco Nam Thái làm nhà đầu tư là xây dựng mới đoạn đường tránh thị trấn Thanh Nê, nối từ xã Bình Minh đến xã An Bồi (tạm gọi là đường 39B mới). Theo Quyết định 1742/QĐ-BGTVT ngày 24-6-2013 thì tuyến đường 39B đoạn từ thị trấn Thanh Nê của huyện Kiến Xương đến thị trấn Diêm Điền của huyện Thái Thụy thành QL37B (đối với các đoạn tuyến đang thi công, khi hoàn thành dự án sẽ bàn giao để Bộ GTVT quản lý).

Dự án trên không được đầu tư cho việc chỉnh trang, nâng cấp QL39B cũ từ huyện Kiến Xương về huyện Tiền Hải (đồng thời là ĐT458). Thế mà UBND tỉnh Thái Bình lại đề nghị Bộ Tài chính, Bộ GTVT xem xét, chấp thuận vị trí xây dựng trạm thu phí hoàn vốn cho Dự án tại vị trí km13+250 đường 39B (ĐT458) là điểm đầu Dự án BOT 39B thuộc xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình???

Bởi sự bất hợp lý này mà cả Bộ GTVT và Bộ Tài chính đã thẳng thắn trả lời UBND tỉnh Thái Bình: "Vị trí trạm thu phí dự kiến tại km13+250 thuộc đường tỉnh 458 (ĐT458) không nằm trong phạm vi tuyến QL37B theo Quyết định số 1742/QĐ-BGTVT ngày 24-6-2013 của Bộ GTVT". Cả hai Bộ đều trả lại thẩm quyền đặt trạm thu phí tại km13+250 trên ĐT458 theo quy định.

Đồng thời, hai Bộ cũng không quên đề nghị UBND tỉnh Thái Bình phải đảm bảo phù hợp với quy định tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC ngày 14-11-2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ (Tại văn bản số 2743/BGTVT-TC ngày 9-3-2015 của Bộ GTVT; và văn bản số 4896/BTC-HCSN ngày 15-4-2015 của Bộ Tài chính).

Như vậy, cả Bộ GTVT và Bộ Tài chính đều không đưa ra quan điểm chấp thuận vị trí đặt trạm thu phí tại km13+250 mà UBND tỉnh Thái Bình đề nghị, mà phải trả lại thẩm quyền này cho UBND tỉnh Thái Bình là do UBND tỉnh Thái Bình dự kiến đặt trạm BOT không đúng chỗ. Cụ thể là do UBND tỉnh Thái Bình xin Chính phủ chuyển đổi dự án từ BT thành BOT kết hợp BT cho QL37B (có một đoạn là QL39B mới), được Chính phủ đồng ý và giao thống nhất với Bộ Tài chính về vị trí xây dựng trạm thu phí và mức phí, nhưng UBND tỉnh Thái Bình lại đề nghị chấp thuận vị trí đặt trạm BOT tại ĐT458 (QL39B cũ)?!

Thương Hiệu & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này

Tiến Đạt

 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu