18:08 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Nhờ tận dụng tốt cơ hội, xuất khẩu da giày sang thị trường FTA tăng trưởng mạnh

07:57 28/01/2023

(THPL) - Để phát triển ngành da giày, thời gian qua doanh nghiệp Việt đã chú trọng đầu tư cho chất lượng nguồn nhân lực; ứng dụng hệ thống quản lý mới, tiếp cận và lấy các chứng nhận quốc tế, đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu ngày một cao của các thị trường FTA.

Năm 2022 vừa qua, ngành da giày Việt Nam đã cán đích 27 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 30% so với năm 2021. Đánh giá về kết quả này, bà Phan Thị Thanh Xuân- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho hay: 3 quý đầu năm 2022 xuất khẩu của ngành được đánh giá khá tốt tuy nhiên sang quý IV/2022 tình hình thị trường đã xấu đi khá nhiều, doanh nghiệp thiếu đơn hàng cho sản xuất.

Dù vậy, kim ngạch xuất khẩu của ngành sang các khu vực thị trường vẫn tăng trưởng tốt: Mạnh nhất là Nam Mỹ, 11 tháng năm 2022 tăng 50,5% và liên tục tăng tại các khu vực khác như Bắc Mỹ 39,1%, châu Âu 47,5%, châu Á 28,4%, châu Đại Dương 39,4%.

Xuất khẩu da giày của Việt Nam sang các thị trường có Hiệp định thương mại tự do như khu vực EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU), CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương, UKVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Vương quốc Anh và Bắc Ailen) và ASEAN vẫn tăng trưởng mạnh, lần lượt là 50,7%, 46,1%, 41,3% và 64,9%. Chỉ có thị trường EAEU, do vẫn ảnh hưởng xung đột giữa Nga và Ucraina nên không có sự tăng tưởng, thậm chí sụt giảm rất lớn so với cùng kỳ năm trước, âm 64,3%.

Nhờ tận dụng tốt cơ hội, xuất khẩu da giày sang thị trường FTA tăng trưởng mạnh. Ảnh minh hoạ

Đơn cử như kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày sang khối thị trường này đã tăng từ 10% lên 14%. Đáng lưu ý, Hiệp định CPTPP đã tạo những thay đổi rất lớn đối với ngành da giày. Đầu tiên là thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, trước khi có hiệp định xuất khẩu sang khối này chiếm khoảng 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thì nay đã chiếm hơn 14%. Thứ hai là phát triển các nguồn nguyên phụ liệu trong nước để đáp ứng quy tắc xuất xứ của hiệp định, điều này giúp tỷ lệ hàng xuất khẩu được cấp C/O ưu đãi cao hơn. Thứ ba, quá trình đầu tư, chuyển đổi để đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định CPTPP đã giúp năng lực nội tại của các doanh nghiệp được nâng lên....

Nhận định về thị trường năm 2023, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho rằng: “Năm 2023 được đánh giá cực kỳ khó khăn với xuất khẩu của ngành, nhất là trong nửa đầu năm. Tình trạng suy giảm tiêu dùng tại Mỹ, EU- 2 thị trường chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành chưa có dấu hiệu cải thiện. Chúng tôi mong muốn, Chính phủ, Bộ Công Thương hỗ trợ ngành triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm đối tác, đơn hàng, xây dựng hình ảnh Việt Nam là điểm đến uy tín”.

Liên quan đến tiềm năng xuất khẩu da giày, trước đó các doanh nghiệp ngành da giày cho biết, vấn đề của doanh nghiệp trong ngành là phải đẩy mạnh đầu tư, đổi mới mô hình sản xuất, tham gia các chuỗi sản xuất da giày trong nước, trong khu vực và toàn cầu. Phát triển thị trường da giày theo hướng xây dựng hệ thống phân phối hiện đại và tập trung để nâng cao năng lực cạnh tranh tại thị trường trong nước. Song, để có thể tạo sự phát triển đồng bộ, Hiệp hội Da giầy túi xách Việt Nam đã đưa ra những kiến nghị liên quan đến các vấn đề về thuế, phí. Cụ thể, Nhà nước cần cụ thể hóa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo các chương trình, hay có các gói hỗ trợ thiết thực, đơn cử như ưu đãi tín dụng, ưu đãi thuê đất, để doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Các hoạt động xúc tiến thương mại của ngành da giày được đẩy mạnh để mở rộng thị trường, nhất là tham gia các hội nghị, hội chợ quốc tế chuyên ngành và thâm nhập các kênh phân phối hàng hóa ở nước ngoài.

Tú Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu