12:30 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nhiều địa phương đề xuất sở GD&ĐT quản lý trung tâm GDNN-GDTX

Minh Đức (tổng hợp) | 16:29 09/07/2020

(THPL) - Sáng 9/7, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) cấp huyện. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội thảo.

Tại hội thảo, nội dung được tập trung thảo luận nhiều nhất liên quan đến quy định về phân cấp quản lý Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện.

Từ tổng hợp các ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư, bà Vũ Tú Anh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ GDTX cho biết: gần 100% ý kiến cho rằng, UBND cấp huyện trực tiếp quản lý Trung tâm; sở GD&ĐT, sở Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý, hướng dẫn về chuyên môn là bất cập, không phù hợp; từ đó, đề xuất sở GD&ĐT trực tiếp quản lý Trung tâm.

Theo đại diện sở GD&ĐT Lào Cai, hiện nay, Trung tâm GDTX-GDNN đang có 3 lực lượng quản lý: UBND cấp huyện, sở GD&ĐT, sở Lao động, Thương binh và xã hội; nhưng không đơn vị nào quản lý sâu, dẫn đến hoạt động của các trung tâm kém hiệu quả.

Còn phía Quảng Ninh, bà Phạm Thị Nhàn, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp – GDTX, sở GD&ĐT Quảng Ninh chia sẻ những khó khăn, bất cập khi giao trung tâm GDNN-GDTX cho UBND huyện quản lý; từ đó mong muốn sở GD&ĐT sẽ là đơn vị quản lý trực tiếp trung tâm GDNN-GDTX.

Theo bà, cấp huyện đã có chủ trương sáp nhập trung tâm với các đơn vị khác (như CĐ nghề, hoặc trung tâm chính trị…), nhưng do sở GD&ĐT có ý kiến bảo vệ bằng nhiều hình thức nên chưa thực hiện được. Rồi việc điều động, luân chuyển giáo viên không phù hợp, đặc biệt là công tác luân chuyển lãnh đạo. Bầu cử, thi đua cũng bất cập, vì trung tâm được coi như một trường tiểu học, THCS.

Nhiều địa phương đề xuất sở GD&ĐT quản lý trung tâm GDNN-GDTX (ảnh minh họa)

Như vậy, không chỉ Lào Cai, Quảng Ninh, ý kiến cơ sở từ Bắc Giang, Hải Phòng và Hà Nội cũng cùng chung quan điểm như trên. Rất nhiều lý do được đưa ra từ thực tiễn bất cập, trong đó xuất phát chủ yếu là do nhiều đầu mối quản lý phát sinh vướng mắc về cơ chế quản lý, chế độ của cán bộ, giáo viên.

UBND cấp huyện không phải cơ quan trực tiếp quản lý hoạt động chuyên môn nên không có cơ sở đánh giá cán bộ, giáo viên hằng năm; triệt tiêu cơ chế thi đua giữa các trung tâm trên địa bàn tỉnh; không luân chuyển, điều phối, bố trí cán bộ, giáo viên được giữa các trung tâm để hỗ trợ nhau về hoạt động chuyên môn. Khó bố trí công tác cán bộ đối với các giám đốc trung tâm sau khi kết thúc 2 nhiệm kỳ, nên nhiều địa phương (cấp huyện) đã bố trí cán bộ không đúng tiêu chuẩn sang làm giám đốc trung tâm…

Theo báo Giáo dục thời đại, theo báo cáo giải trình việc đề xuất giao sở GD&ĐT quản lý trực tiếp trung tâm GDNN-GDTX của Vụ GDTX nêu rõ: Luật Giáo dục 2019 quy định trung tâm GDNN-GDTX là cơ sở GDTX thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm GDNN-GDTX. Do vậy, việc quy định cơ quan quản lý trực tiếp Trung tâm GDNN-GDTX thuộc thẩm quyền của Bộ GD&ĐT, miễn là không trái với quy định tại các văn bản Luật khác.

Bên cạnh đó, theo Nghị định số 127/2018/NĐ-CP quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ GD&ĐT là ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở GDTX. Do đó, việc quy định cơ quan quản lý trực tiếp Trung tâm GDNN-GDTX là thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và trung tâm chỉ chịu sự quản lý theo lãnh thổ của UBND cấp tỉnh nơi đặt trụ sở.

Nghị định số 127 cũng quy định trách nhiệm của sở GD&ĐT: "Quản lý về chuyên môn đối với việc thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên của các trung tâm cấp huyện theo quy định".

Do đó, cũng như các trường THPT, để thực hiện thống nhất quản lý chuyên môn đồng bộ với các điều kiện bảo đảm chất lượng khác đối với trung tâm GDNN-GDTX thì trong Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm GDNN-GDTX, giao sở GD&ĐT quản lý trực tiếp trung tâm, sở Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý chuyên môn với việc thực hiện chương trình GDNN.

Điều này giúp giảm đầu mối quản lý, thống nhất quản lý hoạt động chuyên môn gắn với quản lý con người, tài chính, cơ sở vật chất tại các trung tâm, phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 19/NQ-TW.

Khẳng định Bộ GD&ĐT phải quản lý cơ sở GDTX theo đúng quy định tại Điều 105 Luật Giáo dục 2019, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, việc quy định về phân cấp quản lý trung tâm GDNN-GDTX là vấn đề lớn liên quan đến chính sách, cần làm chặt chẽ, bài bản, để nâng cao vị trí pháp lý của trung tâm GDNN-GDTX. Thứ trưởng cũng yêu cầu Ban soạn thảo tiếp thu nghiêm túc các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện.

Trong một diễn biến khác, liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2020, mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo Cảng vụ hàng không miền Bắc, Cảng vụ hàng không miền Trung và Cảng vụ hàng không miền Nam hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc vận chuyển đề thi trong hành lý xách tay của Bộ được thuận lợi và an toàn.

Theo TTXVN đưa tin, cụ thể các đơn vị giúp đỡ làm thủ tục bay nhanh chóng, giải quyết các trường hợp hành lý xách tay có số kiện và khối lượng vượt quá quy định, cho phép đưa ô tô vào đón người làm nhiệm vụ và tài liệu tại cầu thang máy bay…

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị được tạo điều kiện thuận lợi để việc vận chuyển đề thi, bài thi trong quá trình tổ chức thi tại các tỉnh bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Đây là những nội dung quan trọng trong công văn được Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi đến Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Giao thông vận tải về việc phối hợp tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020.

Bên cạnh việc đề nghị các “cơ chế riêng” để giúp việc vận chuyển đề thi được an toàn, bảo mật, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các đơn vị hỗ trợ thí sinh khi đi thi như ưu tiên và miễn giảm giá tàu xe cho thí sinh; có các phương án kịp thời giải toả ách tắc giao thông trong các ngày thi, không để thí sinh đến dự thi muộn do ách tắc giao thông.

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 sẽ được tổ chức từ ngày 8 đến ngày 10/8 tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kỳ thi do các địa phương chủ trì dưới sự chỉ đạo chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Minh Đức (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu