05:14 ngày 29/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Nhiều bất cập tại dự án thanh thải bãi đá ngầm trên sông Hồng

09:16 16/11/2023

(THPL) – Chậm tiến độ trong thời gian dài, có dấu hiệu lợi dụng việc thi công để khai thác cát bán kiếm lời, đây là những bất cập đang diễn ra tại dự án thanh thải bãi đá ngầm Km258+100 – Km259+200 trên sông Hồng do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam làm chủ đầu tư.

Liên tục chậm tiến độ

Tuyến vận tải đường thuỷ Việt Trì - Hà Nội là một trong những tuyến đường vận tải thuỷ khá tấp nập với mật độ các phương tiện giao thông nhộn nhịp. Tuy nhiên, thời gian qua do nhiều yếu tố, cùng với mực nước trên sông khô cạn, xuất hiện nhiều bãi đá ngầm nên việc di chuyển của các tàu thuyền qua đây càng gặp khó khăn, gây nên hiện tượng ách tắc cục bộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đường thủy.

Thời gian thực hiện gói thầu nói trên là 40 ngày.

 

Với mục tiêu xóa bỏ “điểm đen” nói trên, ngày 2/11/2022 Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có Quyết định số 1667/QĐ-CĐTNĐ về việc quyết định kết quả lựa chọn nhà thầu với gói thầu XL-TTSH: Thanh thải bãi đá ngầm Km258+100 - Km259+200 sông Hồng và điều tiết đảm bảo giao thông phục vụ thi công công trình.

Theo đó, liên danh Công ty cổ phần Tư vấn, Đầu tư và Xây dựng VNG (Cty VNG) và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sông Xanh (Cty Sông Xanh) là đơn vị trúng thầu với giá trị hơn 9,4 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng là 40 ngày.

Mặc dù thời gian thực hiện hợp đồng là 40 ngày, thế nhưng, theo như ghi nhận thực tế của phóng viên, đến thời điểm hiện tại, sau khoảng một năm kể từ khi có Quyết định lựa chọn trúng thầu, bãi đã ngầm vẫn chưa được xử lý xong, dự án vẫn còn dang dở.

Một người dân sinh sống gần sông cho biết, trước đây có thấy một số máy móc tập kết và tiến hành thi công, nhưng chỉ được vài ba hôm thì mọi hoạt động dừng lại và đến hiện tại thì vẫn chưa xong.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 29/3/2023, ông Lê Minh Đạo - Phó Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam đã ký văn bản số 647/CĐTNĐ-QLKCHT về việc gia hạn thời gian thực hiện và chấp thuận thay đổi phương tiện phục vụ thi công công trình thanh thải bãi đá ngầm tại Km258+100 – Km259+200 sông Hồng. Thời gian gia hạn thực hiện thi công công trình trên là 51 ngày, thời gian hoàn thành công trình trước ngày 26/5/2023.

Được biết, ngày 3/11 vừa qua, đơn vị thi công mới tiếp tục triển khai thi công trở lại. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, hoạt động thi công phá đá ngầm (hạng mục chính) hoạt động rất cầm chừng khi chỉ có một thiết bị đục phá đá hoạt động.

Một lái tàu thường xuyên qua tuyến này thở dài, không biết đến khi nào mới di chuyển được một cách thuận lợi. Không rõ năng lực của đơn vị thi công có đảm bảo hay không khi để dự án kéo dài cả năm trời?

Văn bản số 647/CĐTNĐ-QLKCHT về việc gia hạn thời gian thực hiện và chấp thuận thay đổi phương tiện phục vụ thi công công trình thanh thải bãi đá ngầm tại Km258+100 – Km259+200 sông Hồng. Thời gian gia hạn thực hiện thi công công trình trên là 51 ngày, thời gian hoàn thành công trình trước ngày 26/5/2023.

Lợi dụng dự án thanh thải để khai thác tài nguyên?

Không chỉ liên tục chậm tiến độ, bị đặt dấu hỏi về năng lực thi công, liên danh cty VNG – Cty Sông Xanh còn có dấu hiệu lợi dụng việc thực hiện dự án nói trên để khai thác, tiêu thụ tài nguyên sai quy định.

Theo người dân phản ánh, trong khi hoạt động đục đá ngầm diễn ra cầm chừng thì việc khai thác tài nguyên cát, sỏi dưới lòng sông của đơn vị này lại diễn ra một cách nhộn nhịp. Sau khi khai thác, đơn vị này sẽ bán tài nguyên tại chỗ với giá từ 70.000 – 115.000 đồng/m3. Các tàu sau khi “ăn hàng” sẽ về sang mạn hoặc bán cho một số bến bãi tại khu vực phường Bến Gót (TP Việt Trì). Theo một người từng mua hàng tại đây cho biết, giá cát tùy thuộc từng ngày chứ không cố định một giá. Có một người tên H. quản lý máy móc và báo giá tài nguyên tại đây.

Theo người tên H. mỗi ngày lượng tài nguyên được tiêu thụ khoảng 1.000 m3

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên vào những ngày đầu tháng 11, bên cạnh một máy đục đá ngầm là hai máy xúc gầu ghíp liên tục “ngoạm” tài nguyên từ sông lên thuyền vận tải bên cạnh. Chỉ khoảng gần 30 phút là đầy một tàu khoảng 200 m3. Sau đó các tàu này di chuyển qua gầm cầu Văn Lang xuôi theo hướng Hà Nội.

Trong vai người có nhu cầu mua cát, phóng viên đã liên hệ với người tên H. nói trên. Người này cho biết, “lượng cát ở đây bọn em múc bằng gầu ghíp nên là cũng không ổn định và cát cũng không được đều nhau lắm, múc thế này sẽ theo từng lớp, có lớp to xong lại lớp nhỏ.”

Còn về giá cả, người tên H. cho hay “giá bọn em đang chạy về dưới Bến Gót (đoạn sông thuộc địa bàn phường Bến Gót, TP Việt Trì – pv) là 145.000 đồng/m3, còn lên tận mỏ thì em cũng không quyết hết được, có hôm bán 110.000 đồng có hôm bán 115.000/m3 tùy vào cát cánh to, lẫn nhiều sỏi hay là cát chung chung”

“Hiện tại bọn em múc chậm, chỉ được 800 – 1.000 m3 thôi, cao điểm thì được khoảng 1.200 m3.” Người này thông tin thêm với phóng viên về khối lượng khai thác mỗi ngày.

Trao đổi với phóng viên, một người tên S. tự nhận là người thuộc công ty VNG, người này cho biết, đơn vị mới thi công lại từ ngày 3/11 vừa qua, vật liệu các tàu đang múc lên là đất, đá, cuội, sỏi không phải cát. Liên quan đến điểm đổ thải người này cũng không nắm rõ chính xác, khi thì nói đổ ở Bến Gót, khi lại bảo đổ ở Bạch Hạc.

Ở một diễn biến khác, theo tìm hiểu của phóng viên, dự án thanh thải nêu trên được chấp thuận điểm đổ thải tại Km252+600 bờ trái sông Hồng, khu Mộ Hạ, phường Bạch Hạch, TP Việt Trì. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của phóng viên thì điểm đổ thải nói trên không hề có bất cứ hoạt động đổ thải nào.

Một công nhân đóng tàu ngay cạnh điểm đổ thải cũng cho biết, nhiều ngày gần đây cũng không hề có tàu, thuyền vào đây để đổ thải.

Điểm đổ thải được phê duyệt "vẫn y nguyên", không hề có dấu hiệu của việc đổ thải. Vậy hàng vạn m3 tài nguyên mà đơn vị thi công xúc lên thuyền mỗi ngày được vận chuyển đi đâu?

 

Như vậy, các tàu chở tài nguyên nêu trên đang vận chuyển đi đâu? Có hay không việc lợi dụng dự án thanh thải để khai thác, tiêu thụ tài nguyên? Nếu đúng như những gì người tên H. nói thì đơn vị này thu lợi từ hoạt động bán tài nguyên từ 70 – 115 triệu đồng mỗi ngày. Chưa kể, hoạt động thanh thải nói trên của đơn vị thi còn được nhà nước chi trả để thực hiện. Như vậy, đơn vị thi công dự án được lợi đơn lợi kép, trong khi nhà nước thì thất thoát một lượng lớn tài nguyên.

Kính đề nghị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, UBND tỉnh Phú Thọ cùng các cơ quan chức năng sớm vào cuộc kiểm tra làm rõ, xử lý nghiêm nếu có vi phạm.

 

Công ty cổ phần Tư vấn, Đầu tư và Xây dựng VNG có địa chỉ tại tổ 4, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, TP Hà Nội. Theo dữ liệu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, đây là gói thầu đầu tiên của đơn vị này từng tham gia.

Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sông Xanh có địa chỉ tại tầng 2 số 1B đường số 42, phường Tân Quy, quận 7, TP Hồ Chí Minh. Đây là một cái tên quen thuộc với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam khi đã trúng nhiều gói thầu tại đây.

Thắng Nguyễn

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu