01:14 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nhà thơ Hữu Thỉnh ra mắt trường ca thơ "Giao hưởng Điện Biên"

PV | 17:10 18/04/2024

(THPL) - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhà thơ Hữu Thỉnh vừa cho ra mắt độc giả trường ca thơ với tên gọi Giao hưởng Điện Biên.

Đây là một tác phẩm văn học vô cùng ý nghĩa hướng đến ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước, khơi dậy tình yêu và lòng tự hào dân tộc, cũng như sự biết ơn các thế hệ cha anh đã hi sinh xương máu để giành lại độc lập cho Tổ quốc, đối với thế hệ trẻ hôm nay.

Trường ca thơ Giao hưởng Điện Biên gồm 21 chương và 5 phần bình luận bằng thơ, kể về chiến dịch Điện Biên từ những ngày đầu đến lúc kết thúc chiến tranh và cuộc sống hôm nay của vùng đất thiêng ấy. Lời thơ mộc mạc, ý tứ sâu sắc, thể thơ bát ngôn dễ đọc, dễ hiểu nên Giao hưởng Điện Biên chắc chắn sẽ lan toả rộng rãi không chỉ trong cộng đồng người yêu thơ mà còn chinh phục nhiều đối tượng độc giả.

Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu ra mắt trường ca thơ "Giao hưởng Điện Biên"

Nhà thơ Hữu Thỉnh đã viết lời mở đầu trong trường ca thơ Giao hưởng Điện Biên như sau: “Vào dịp đầu xuân Tân Tỵ - 2001, tôi có vinh dự thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam lên trao giải thưởng văn học năm 2000 của Hội tặng tác phẩm “Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện. Đại tướng rất vui nói với chúng tôi đại ý: Cuốn sách được Hội Nhà văn trao giải thưởng chắc sẽ có thêm nhiều người tìm đọc. Đại tướng thăm hỏi ân cần về tình hình văn học, hoạt động của Hội và gửi lời chúc năm mới tới tất cả nhà văn. Trước lúc ra về, tôi được Đại tướng trao tặng tập hồi ức nói trên và nói vui: “Đây là quà năm mới tôi tặng đồng chí”.

Nhà thơ Hữu Thỉnh gửi lời cảm ơn 

Hơn hai mươi năm đã qua kể từ ngày đáng ghi nhớ ấy. Trong thời gian đó tôi đã nhiều lần đọc lại tác phẩm nổi tiếng của Đại tướng, tiếp nhận từ đó những giá trị cao quý về vẻ đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ, về sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương, của Bác và đặc biệt là thiên tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt nam chúc mừng sự kiện ra mắt ra mắt trường ca thơ "Giao hưởng Điện Biên"

Tác phẩm của Đại tướng đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho tôi. Sau nhiều năm suy nghĩ, tôi đã đi đến quyết định phải viết một cái gì đó về Điện Biên Phủ. Trước khi bắt tay vào công việc khó khăn này, tôi đã nhiều lần lên Điện Biên, đến các địa danh lịch sử, gặp gỡ một số cán bộ, chiến sĩ đã từng tham gia chiến đấu ở Điện Biên, đọc rất nhiều sách báo trong và ngoài nước viết về võ công oanh liệt này của quân và dân ta trong thời đại Hồ Chí Minh.

Để tôn trọng tính chân thực lịch sử, trong tập trường ca này, tôi đã sử dụng một số chi tiết trong cuốn sách của Đại tướng với hy vọng làm tăng thêm tính sử thi của tác phẩm. Tôi đã viết thư xin phép gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, gia đình nhà văn Hữu Mai và đã được chấp thuận.

Trường ca thơ "Giao hưởng Điện Biên" như một nén nhang tinh thần tri ân những người đã làm nên một trong những chiến công oanh liệt nhất trong thời đại Hồ Chí Minh”.

Tình cảm thì rất sâu nặng, nhưng khi thực sự bắt tay vào công việc thì tôi gặp phải nhiều khó khăn. Đó là viết về một chiến dịch lịch sử, phải làm xúc động tâm hồn người đọc. Khó hơn nữa là qua 70 năm, sự kiện lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ đã được các nhà quân sự, các sử gia, các nhà văn, nhà báo và nhất là những người trong cuộc nói tới rất nhiều rồi, khai thác dưới mọi khía cạnh rồi, đến lượt mình, liệu tôi còn có thể đem đến một cái gì mới?

Tác giả ký tặng bạn đọc tại buổi ra mắt trường ca thơ "Giao hưởng Điện Biên"

Đó là những vấn đề đặt ra mang tính thách thức đối với người viết. Trong trường ca này, tôi muốn đặt Chiến thắng Điện Biên Phủ đúng với hoàn cảnh lịch sử của nó và những suy cảm của một người làm thơ sau độ lùi 70 năm.

Suy nghĩ là như vậy nhưng làm được đến đâu còn phụ thuộc vào các yếu tố chủ quan của người viết. Với tất cả sự thành tâm của mình, tôi chỉ dám xem “Giao hưởng Điện Biên” như một nén nhang tinh thần tri ân những người đã làm nên một trong những chiến công oanh liệt nhất trong thời đại Hồ Chí Minh”.

Thế hệ trẻ rất quan tâm đến những tác phẩm văn học đề tài chiến tranh yêu nước. 

Trường ca thơ Giao hưởng Điện Biên được nhà thơ Hữu Thỉnh khởi bút vào đúng ngày kỷ niệm giải phóng Điện Biên Phủ 7/5/2023, và sau gần một năm, tác phẩm này được hoàn thành (20/3/2024) với bao nhiêu tâm huyết, trí tuệ và cả tinh thần trách nhiệm. Trong kho tàng thi ca đồ sộ của nhà thơ Hữu Thỉnh, cũng đã từng có những trường ca thơ tạo được ấn tượng sâu sắc cho độc giả như Đường tới thành phố (1979), Trường ca biển (1994), Sức bền của đất (2004), Trăng Tân Trào (2016),… Tuy nhiên, Giao hưởng Điện Biên là trường ca thơ dài nhất của ông (21 chương), nó xứng đáng với tầm vóc của một chiến dịch lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Ra mắt trong dịp này, Giao hưởng Điện Biên thực sự là một trong những hoạt động văn học nghệ thuật vô cùng ý nghĩa, mang lại nhiều giá trị về tinh thần cho công chúng, khi tất cả đang cùng huớng về Điện Biên với những cảm xúc thiêng liêng và tự hào.

PV

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu