14:23 ngày 26/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Nhà “kỳ dị” siêu mỏng, siêu méo ở tuyến phố mới: Bao giờ mới xử lý xong dứt điểm?

19:38 02/03/2017

(THPL) - Xung quanh thông tin hàng chục nhà “kỳ dị” siêu mỏng, siêu méo mọc lên hai bên đường phố mở rộng thuộc ngõ 10 phố Tôn Thất Tùng (Hà Nội), gây mất mỹ quan đô thị, đại diện UBND phường Khương Thượng thông tin, hiện nay, phường đã và đang chủ động xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn.

Theo thông tin từ phường Khương Thượng (quận Thanh Xuân), trên địa bàn phường có 7 thửa đất siêu mỏng, siêu méo. Hiện nay, UBND phường đã chủ động xử lý được 2 thửa, còn lại 5 nhà siêu mỏng, siêu méo cần được xử lý dứt điểm.

Còn theo Văn bản kết luận của Sở Xây dựng Hà Nội vừa thanh kiểm tra nêu: “Qua kiểm tra, rà soát khu vực ngõ 139 phố Khương Thượng, phường Khương Thượng thì có 04 trường hợp xây dựng lớn hơn 15m2, tuy nhiên, sau khi giải phóng mặt bằng thì bị cắt xén thành góc nhọn. Hiện các hộ đã chỉnh trang mặt tiền trên cơ sở nguyên trạng. Có 06 trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng, các hộ đã chỉnh trang trát vá lại".

Kết luận cũng nêu rõ: "Địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp xây dựng trên đất không đủ điều kiện mặt bằng”.

Một "căn nhà" siêu mỏng ngay mặt phố mới vừa hình thành

Trao đổi với PV Thương hiệu và Pháp luật, ông Nguyễn Hoàng Thắng – Phó chủ tịch UBND phường Khương Thượng cho biết: “Trong thời gian giải phóng mặt bằng vừa qua, trên địa bàn phường còn 7 thửa đất siêu mỏng, siêu méo tồn tại trên nguyên trạng cũ. Tức là trước khi chủ đầu tư giải phóng mặt bằng như thế nào, người ta cắt xén bàn giao mặt bằng thì còn như vậy. Không có trường hợp xây dựng mới. Bên cạnh đó, UBND phường tích cực phối hợp với thanh tra xây dựng, địa chính tăng cường công tác quản lý không để phát sinh trường hợp xây dựng mới. Hiện nay, chúng tôi đã chủ động có phương án giải quyết được 2 thửa, còn 5 thửa còn lại phường đang tích cực kiến nghị các cấp có thẩm quyền của TP. Hà Nội thu hồi nốt làm các công trình công cộng, nhằm xử lý dứt điểm các dạng nhà siêu mỏng, siêu méo, đảm bảo mỹ quan đô thị.”

Bên cạnh đó, theo ông Thắng, những trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo, UBND phường đã làm việc với đại diện các hộ, yêu cầu không được sửa chữa, xây dựng, bởi nhà không đủ diện tích mặt bằng để tồn tại. “Các hộ dân cũng lý giải và cho rằng: Nhà chúng tôi được nhà nước đền bù, chúng tôi đã chấp hành nhận tiền đền bù bằng ấy và bàn giao mặt bằng theo chỉ giới để phục vụ dự án. Diện tích đất còn lại, nhà nước không cho chỉnh trang, không cho tồn tại thì trả tiền thu hồi nốt diện tích còn lại. Đề nghị của các hộ cũng cần được xem xét, nên phường xử lý cũng khó, nhất là trong công tác quản lý, nếu chỉ có phường xử lý ra quyết định tháo dỡ các trường hợp trên là chưa đảm bảo đúng quy định.’ – ông Thắng thông tin.

Đại diện lãnh đạo UBND phường Khương Thượng cho biết, hiện đang tích cực xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo để làm bảng tin tổ dân phố

Được biết, 2 trường hợp phường vận động xử lý bao gồm: Một trường hợp hai hộ dân tự hợp khối, họ tự thỏa thuận về giá cả, gia đình bên trong sẽ quay ra mặt đường. Còn trường hợp thứ hai UBND phường đã đề xuất lên UBND quận và đã được đồng ý cho hộ dân kinh doanh dịch vụ vì lợi ích công cộng.

Theo đề xuất của ông Thắng, để khắc phục bất cập trong xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo, Thành phố nên xem xét áp dụng mô hình thiết kế cải tạo chỉnh trang đô thị. Khi đền bù giải tỏa, nếu phát sinh nhà siêu méo, siêu mỏng thì thu hồi hết phần diện tích đất còn lại theo giá đền bù của Nhà nước. Sau đó, Nhà nước giao lại cho UBND địa phương xây dựng công trình vì lợi ích công cộng như: bảng tin, thông báo, cây ATM...Lúc đó vừa xử lý dứt điểm được nhà siêu mỏng, siêu méo lại vừa có lợi cho ngân sách Nhà nước, tránh xảy ra tình trạng nhà bên ngoài “ép giá’ nhà bên trong.

Cũng theo ông Thắng, bài học kinh nghiệm từ nhiều nước phát triển đang phải xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo được nhiều người đồng tình là mở rộng phạm vi, diện tích thu hồi đất hai bên đường, tạo điều kiện cho người bị thu hồi đất tái định cư tại chỗ, phát triển dự án bất động sản hai bên đường mới mở, tổ chức đồng bộ từ quy hoạch đến quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng…Vì thế, việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo, ngoài chính sách đồng bộ từ TP. Hà Nội trong việc đền bù giải phóng mặt bằng, quy hoạch...còn cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp.

UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 20/CT-UBND về tăng cường quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng, xử lý đất không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng. Theo đó, thành phố yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện giải quyết dứt điểm các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo tồn tại và không để phát sinh mới; thực hiện nghiêm túc việc thu hồi đất sau khi hết thời hạn hợp thửa, hợp khối; kiểm tra, kiểm soát tình hình, xử lý nghiêm, kịp thời vi phạm trật tự xây dựng, hoàn thành trước tháng 12-2016. Đặc biệt, chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố về tình trạng tồn tại hoặc phát sinh thêm trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn.

Cũng theo Chỉ thị 20/CT - UBND, thành phố giao Sở Xây dựng chỉ đạo Thanh tra xây dựng, phối hợp với chính quyền địa phương xử lý nghiêm các trường hợp phát sinh vi phạm, đặc biệt quan tâm, có phương án xử lý thửa đất, công trình không đủ điều kiện về mặt bằng (diện tích dưới 15m2). Chủ đầu tư các dự án mở đường phối hợp với chính quyền địa phương, bảo đảm việc mở đường và cảnh quan đô thị hai bên đường đồng bộ khi hoàn thành, đưa vào khai thác. Đối với dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chủ đầu tư và chính quyền địa phương khảo sát các thửa đất ngoài chỉ giới không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng, đề xuất đủ kinh phí trong tổng mức đầu tư dự án để thu hồi đất.

DIễm Quỳnh

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu