23:49 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN
Quảng Ninh

Người dân huyện đảo Vân Đồn làm giàu từ cây cam bản địa

Lê Quân | 21:16 09/12/2023

(THPL) - Tại xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) thời điểm này là lúc các vườn cam đang bước vào chính vụ, và cũng từ loại cây trồng này đã giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo vươn lên làm giàu trên chính vùng đảo quanh năm sóng gió.

Vạn Yên là vùng trồng cam tập trung lớn nhất của huyện đảo Vân Đồn. Những ngày này dọc các thôn ở xã Vạn Yên đâu đâu cũng thấy bạt ngàn cam trĩu quả, khoe sắc vàng trên khắp các khu vườn, các sườn đồi. Nhà nhà tấp lập người hái, thương lái thu mua và đông đảo du khách tới tham quan, trải nghiệm tại các vườn cam.

Nhiều vườn cam tại xã Vạn Yên kết hợp phát triển du lịch trải nghiệm thu hút khách tham quan.

Anh Trương Văn Khánh, thôn Cái Bầu, xã Vạn Yên chia sẻ trong niềm vui khi vườn cam của gia đình được mùa: “Toàn bộ khu vườn có khoảng 1.000 gốc cam đang trong độ thu hoạch với diện tích hơn 2ha. Khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng thích hợp cho cây cam phát triển tốt, trung bình 1 năm thu hoạch tầm 10 tấn quả, với giá dao động đầu mùa 35 – 40 nghìn/kg, trừ chi phí tất cả thu hơn 100 triệu đồng/vụ”.

Từ những hiệu quả kinh tế mà cây cam bản địa đem lại, nhiều hộ gia đình ở xã Vạn Yên đã dần chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang trồng cam kết hợp phát triển mô hình du lịch trải nghiệm, hấp dẫn thu hút khách đến tham quan thực tế tại vườn.

“Ngoài thu nhập từ việc trồng cam, hiện tại nhiều hộ gia đình đã kết hợp cải tạo vườn để phát triển du lịch theo hướng trải nghiệm để du khách được vào vườn thu hái cam cùng người dân địa phương. Cùng với đó kết hợp chăn nuôi gà dưới tán vườn cam góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình, thêm vào đó là phát triển du lịch cộng đồng tại một số vườn cam quy mô lớn của hợp tác xã”, Anh Khánh chia sẻ thêm.

Vườn cam của gia đình anh Trương Văn Khánh, thôn Cái Bầu, xã Vạn Yên.

Để giữ lại giống cam bản địa, các hộ gia đình tại xã Vạn Yên đã áp dụng khoa học kỹ thuật để chiết ghép, nhân giống, từ đó góp phần giữ lại được loại cam đặc trưng chỉ có ở trong vùng. Nhiều hộ gia đình cũng trồng xen canh các giống cam khác như cam đường canh, cam bổ, quýt để gối vụ thu hoạch giúp tăng thu nhập.

Trái cam trĩu quả, khoe sắc vàng trên khắp các khu vườn.

Bà Lê Thị Bẩy, Giám đốc HTX Cam 10/10 cho biết: “Hợp tác xã hiện có 15 hộ gia đình tham gia, trong đó 10 hộ gia đình tham gia mô hình trồng cây cam. Riêng các hộ gia đình tham gia trồng cam thì không có gia đình nghèo, cận nghèo mà đều làm giàu từ cây cam. Cây cam giờ đây là cây chủ lực giúp các hộ gia đình làm giàu từ chính trên mảnh đất của quê hương”.

Để góp phần nhân rộng mô hình trồng cam cho các hộ dân trong xã, gia đình bà Bẩy cũng là một trong những gia đình đầu tầu.

Bà Bẩy nói trong niềm phấn khởi: “Hiện tại cũng đã có tới 17ha vườn trồng cam, sản lượng khoảng 35 – 40 tấn/vụ. Cam thu hoạch xong chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh, tổng thu nhập sau trừ tất cả tri phí thì gia đình cũng thu về từ 800 đến 1 tỷ đồng. Đặc biệt trong quá trình chăm sóc cây cam gia đình đều áp dụng khoa học kỹ thuật như bón phân theo chu kỳ và có sổ sách theo dõi ghi cụ thể ngày giờ, hầu như đều dùng phân bón bằng hữu cơ từ đó góp phần nâng cao giá trị của cam”.

Nhắc đến giá trị của cây cam bản địa, ông Bùi Văn Tiêu, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Yên cho biết: “Cam hiện tại được trồng nhiều ở thôn 10/10 (66.7 ha), thôn Cái Bầu (27,5 ha), thôn Đài Làng (8,2 ha). Khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây thích hợp cây cam sinh trưởng tốt cho sản lượng cao. Cây cam cũng trở thành cây chủ lực ở địa phương, sản phẩm OCOP của huyện Vân Đồn, từ đó giúp nhiều hộ gia đình làm giàu từ cam. Để quảng bá rộng rãi thương hiệu cam Vân Đồn tới người dân và du khách, năm nay xã Vạn Yên sẽ tổ chức Tuần lễ Cam Vân Đồn trong tháng 12”.

Lê Quân

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu