04:08 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nghệ nhân Ba Duy: "Cây cảnh phải lấy vẻ đẹp của người phụ nữ làm chuẩn!"

| 06:00 29/06/2017

(THPL) - "Mỗi tác phẩm sinh vật cảnh viên mãn, đều mang đậm dấu ấn của các nghệ nhân". Khu vườn của nghệ nhân Ba Duy từ lâu đã trở thành điểm đến quen thuộc của anh em, bạn bè yêu cây cảnh khắp mọi miền tìm đến.

Hàng trăm cây cảnh đủ loại

PV Thương hiệu và Pháp luật tìm đến khu vườn với hàng trăm cây cảnh đủ loại, trong đó có rất nhiều cây có giá trị lớn của ông Nguyễn Kim Duy nằm trên đường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội đông đúc xe qua lại. Khu vườn của người nghệ nhân có cái tên thật gần gũi "Ba Duy" từ lâu đã trở thành điểm đến quen thuộc của những người yêu cây cảnh trên khắp các vùng miền Tổ quốc.

Tuy có diện tích không lớn lắm nhưng nếu một lần bước chân vào khu vườn này, nhiều người sẽ không khỏi trầm trồ, thán phục trước sự độc đáo của những tác phẩm cây cảnh đang được ông chăm sóc tại đây.

Khu vườn với hàng trăm cây cảnh đủ loại của nghệ nhân Ba Duy.

Khi được hỏi về số lượng cây có trong vườn, ông chỉ trả lời: “Không nhớ chính xác bao nhiêu nhưng tôi có thể nhắm mắt và chỉ vị trí chính xác của từng cây một”. Chỉ một câu đó thôi cũng đủ để chúng ta thấy tâm huyết và công sức ông dành cho bộ môn nghệ thuật kén người chơi này như thế nào.

Cây và cuộc đời gắn bó không thể tách rời...

Là một người con của Hà Nội, cuộc đời nghệ nhân Ba Duy từ nhỏ đã gắn liền với thiên nhiên, cỏ cây hoa lá. Khi lớn lên ông đi theo nghề xây dựng, sau đó đi bộ đội 4 năm. Cuộc sống trong quân ngũ đã vun đắp thêm tình yêu của ông dành cho màu xanh của rừng núi mỗi bước chân qua, khiến ông quyết định chuyển sang làm nghề thợ mộc sau khi giải ngũ, đó là những năm 80 của thế kỷ trước.

Tháng 7 năm 1989, sau khi nghỉ việc ở một xí nghiệp nhà nước, ông bắt tay vào nghề cây cảnh với những chuyến đi đầu tiên trên chiếc xe rong bán cây cảnh ông mua từ Nghi Tàm. Cuối năm 1990, ông đã tham gia trưng bày cây tại hội chợ đầu tiên ở triển lãm Giảng Võ và cũng trong năm đó tham gia họp hội sinh vật cảnh Hà Nội. Đây là lúc ông có thể đem tình yêu và sự nhiệt huyết của mình khích lệ tinh thần của những người bạn có cùng sở thích. Sau này, ông đã trở thành người chuyên phụ trách kỹ thuật của Hội cây cảnh nghệ thuật Hà Nội.

Nghệ nhân Ba Duy tỉ mẩn chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh. 

"Chơi cây cảnh phải có niềm đam mê, chứ không mình sẽ không đủ kiên nhẫn đâu. Với tôi, mỗi cây cảnh như một đứa con. Hàng ngày nhìn nó lớn, tươi tốt, tôi có niềm vui hơn", ông chia sẻ.

Với người nghệ nhân, mỗi một tác phẩm không chỉ là một sản phẩm nghệ thuật mà nó còn là nơi gửi gắm những tâm tư tình cảm, những quan điểm sống và thậm chí như một kỷ vật lưu giữ những thăng trầm của từng số phận con người. Đối với nghệ nhân Ba Duy, ông yêu và trân trọng nên không chỉ muốn cây có cái hồn của con người mà còn muốn nó mang cả cái thần thái, đường nét của một con người thực sự. Cây và cuộc đời ông gắn bó không thể tách rời...

Hướng tới Chân - Thiện - Mỹ

Theo lời ông, một cây cảnh có giá trị, ngoài chủng loại, còn phải đạt yêu cầu về vóc dáng. Mỗi vóc dáng đều có một ý nghĩa, thông điệp riêng của nó: “Nghệ thuật không có đúng sai, đó là do trình độ cảm nhận của mỗi người. Mỗi cây lại có một dáng vẻ khác nhau giống như con người, sẽ có một tỷ lệ vàng riêng cũng như người phụ nữ đẹp. Phụ nữ là kiệt tác của vũ trụ, lấy người phụ nữ ra làm chuẩn, lấy con người ra làm chuẩn”.

Trong khi phần lớn những người chơi cây cảnh tại Việt Nam hiện nay vẫn đang cố gắng tìm cho mình một tiêu chuẩn chung nhất để đánh giá như thế nào là một cây cảnh đẹp, người nghệ nhân này đã chọn cho mình một hình tượng mang đầy tính nhân văn, đó là hướng tới cái đẹp của chính con người bởi đây là chủ thể của mọi loại hình nghệ thuật.

Một tác phẩm cây cảnh đẹp là khi đáp ứng được các tỷ lệ về kích thước và vị trí bệ, thân, cành lá…Trong đó quan trọng nhất là kích thước bệ của cây, cũng giống như sự vững chắc, cân đối trên cơ thể một con người, một cây phôi chỉ cần có được kích thước bệ hợp lý là đã đáp ứng được 60% - 70% tiêu chuẩn của một cây cảnh đẹp.

Khâu quan trọng nhất của chơi cây cảnh là chọn giống. Cây cảnh được chọn trồng là những cây có sức tái sinh, có thể sống ở mọi địa hình và khí hậu khắc nghiệt. Trong số những giống cây, Sanh là loài cây được trồng nhiều nhất. Giống cây này có nhiều nhựa sống, theo kinh nghiệm của người xưa, nhựa như dòng máu của cơ thể. Thứ hai là chọn dáng, thứ ba là nguyên tắc tạo thế. Cây cảnh có giá trị phải mang đủ bốn yếu tố: Thẩm mỹ, giáo dục, tâm linh và gắn với nền nông nghiệp - nền văn minh lúa nước.

Trong suốt buổi trò chuyện, thi thoảng người nghệ nhân lại dừng lại nhâm nhi chén trà nóng. Câu chuyện cứ thế tiếp diễn, kể đến đâu chúng tôi lại hiểu thêm đến đó vì ý nghĩa sâu xa của các thế, các dáng cây.

Cuộc đời của nghệ nhân Ba Duy gắn liền với cây cảnh.

Là người ham học hỏi, tìm tòi, mặc dù đã có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề chơi cây cảnh nhưng ông chưa bao giờ cho phép mình ngơi nghỉ trong hành trình trải nghiệm và tích lũy kiến thức. Trong quan điểm của ông, quan trọng nhất với một người nghệ nhân là phải không bao giờ biết đủ, cách duy nhất để tạo được những tác phẩm ngày một đẹp hơn, hoàn thiện hơn. Bên cạnh đó, phải luôn quyết liệt “tìm” và “hiểu” đến cùng những kiến thức mới và hướng tới Chân – Thiện – Mỹ. Đồng thời, người chơi cây phải có tư duy, đôi bàn tay khéo léo mới thổi được hồn vào những tác phẩm nghệ thuật đó. 

Một số hình ảnh tại vườn của nghệ nhân Ba Duy được PV Thương hiệu và Pháp luật ghi lại:






Diệu Huyền - Hoà Bình

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu