08:25 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Ngân hàng siết chặt khoản vay, nhiều dự án BOT "khát" vốn

Thanh Tâm (tổng hợp) | 16:45 26/10/2021

(THPL) - Hiện các dự án BOT đang vô cùng khát vốn, trong khi ngân hàng ngày càng siết chặt các khoản vay. Nguyên nhân là tỷ lệ nợ xấu với BOT giao thông cao gấp 4 lần tỷ lệ nợ xấu chung.

Báo An ninh Thủ đô đưa tin, theo TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho biết, thống kê sơ bộ và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các dự án BOT có 5 nguồn vốn chủ yếu sau: Vốn tự có – chiếm khoảng 15-20% (càng nhiều càng tốt); Vốn vay ngân hàng, gồm cả ngân hàng phát triển và ngân hàng thương mại (NHTM) – chiếm khoảng 40-50%; Vốn phát hành trái phiếu - khoảng 20-25%; và nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế (gồm cả vốn ODA, nếu có) và từ các quỹ đầu tư – chiếm khoảng 10-15%.

Theo vị chuyên gia, để có được dự án đầu tư lớn, chúng ta cần phải nghĩ đến cấu trúc vốn đa dạng như thế này sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp BOT của chúng ta vốn tự có gần như không đáng kể, vẫn chủ yếu là vốn từ ngân hàng.

Trong khi đó, thời gian qua cho vay BOT tiềm ẩn nhiều rủi ro khiến Ngân hàng Nhà nước phải tiết giảm, tốc độ tăng trưởng tín dụng các dự án BT, BOT đang giảm dần. Cụ thể: Năm 2016 tăng 30,4%; năm 2017 tăng 13,8%; năm 2018 tăng 5,3% ; năm 2019 tăng 3,2% và năm 2020 giảm 1,8%.

Theo báo Dân trí, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho hay, các dự án BOT giao thông được triển khai mạnh mẽ nhất là trong giai đoạn 2011-2015. Từ 2016 đến nay, do số lượng dự án BOT giao thông được triển khai ít hơn nên các ngân hàng chủ yếu giải ngân đối với các dự án đã cam kết tín dụng trước đây.

Ngân hàng siết chặt khoản vay, nhiều dự án BOT khát vốn. Ảnh minh họa

Về số liệu, tính đến 30/6, lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng đối với các dự án BOT giao thông là 105.000 tỷ đồng, trong đó tập trung lớn nhất ở 2 ngân hàng là BIDV và VietinBank. Tuy nhiên, việc cho vay đang gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc, vấn đề rủi ro trong cho vay các dự án BOT giao thông khá lớn.

Bởi lẽ, nguồn vốn của các tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn trong khi các dự án BOT giao thông chủ yếu có thời gian thu hồi vốn dài hạn chủ yếu từ 10 - 20 năm, có những dự án trên 20 năm. Đồng thời, năng lực nhà đầu tư tham gia đầu tư còn hạn chế, chưa có khả năng hỗ trợ dự án trong trường hợp có biến động trái chiều.

Chính vì vậy, việc thu hồi nợ vay gặp khó khăn nên ảnh hưởng chất lượng tín dụng. Đến quý II, tỷ lệ nợ xấu đối với BOT giao thông tăng gấp 4 lần so với tỷ lệ nợ xấu chung của nền kinh tế. Hiện nay có khoảng 50% số lượng các dự án do các tổ chức tín dụng tài trợ vốn có doanh thu phí không đạt như phương án tài chính ban đầu, khả năng mà phát sinh nợ xấu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Về phía NHTM, ông Nguyễn Quốc Hưng, Giám đốc Ban Tài trợ Dự án - Ngân hàng BIDV cho biết tính đến thời điểm hiện nay, BIDV đã tài trợ vốn cho 33 dự án hạ tầng giao thông với tổng dư nợ xấp xỉ 26.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 25% vốn của ngành ngân hàng trong lĩnh vực BOT. Trong đó, ngân hàng tập trung cho vay vào giai đoạn 2011-2015. Từ 2016 đến nay thì BIDV thận trọng hơn và chỉ cho vay 2 dự án.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, các dự án BOT giao thông cũng đã bộc lộ nhiều khó khăn vướng mắc, cả các vấn đề liên quan đến chính sách dẫn đến nhiều dự án này không đảm bảo phương án tài chính, doanh thu không đạt theo dự kiến hợp đồng, gặp khó khăn trong việc trả nợ, đặc biệt là có nhiều dự án là không có nguồn thu để trả nợ vay.

Vì vậy, theo đánh giá của đại diện BIDV, đối với các ngân hàng đang tài trợ vốn khi cân đối rủi ro và giữa lợi ích, việc cho vay lĩnh vực BOT đến nay chưa đem lại lợi ích tương xứng, trong khi rủi ro thì thường xuyên hiện hữu.

Thanh Tâm (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu