17:39 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Năm 2018 sẽ xuất khẩu lao động 110.000 người

| 14:44 19/01/2018

(THPL) - Đài Loan và Nhật Bản vẫn là thị trường chính về xuất khẩu lao động (XKLĐ) của Việt Nam trong năm 2018.

Ngày 18/1, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018.

Theo báo Kinh tế đô thị, tại hội nghị, Cục Quản lý lao động ngoài nước đưa ra mục tiêu đưa 110.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2018. 

Thông tin với báo chí về các thị trường XKLĐ tiềm năng, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp kiêm nhiệm Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, Đài Loan, Nhật Bản vẫn có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn. Và, Việt Nam trở thành nước đưa nhiều lao động nhất sang đất nước hoa anh đào - nơi đang già hóa dân số.

Năm 2018 sẽ xuất khẩu lao động 110.000 người
Thị trường Nhật Bản tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam sang làm việc với đa dạng ngành nghề.

Hiện nay, phía Nhật Bản cũng mở thêm một số ngành nghề mới như trợ lý điều dưỡng để nhiều lao động Việt Nam có cơ hội được đi làm việc góp phần cải thiện đời sống. 

“Bộ LĐTB&XH đang chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước đàm phán với các cơ quan chức năng của Nhật Bản để bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho người lao động Việt Nam”- Thứ trưởng Diệp thông tin. 

Ông Diệp cũng cho biết, các thị trường XKLĐ truyền thống vẫn có nhu cầu tiếp nhận lao động. Thị trường Hàn Quốc mỗi năm vẫn cần khoảng 60 ngàn lao động, chia đều cho các nước. Thị trường Đài Loan vẫn có nhu cầu tuyển dụng gần bằng năm ngoái. 

Để đạt được mục tiêu đưa 110.000 lao động ra nước ngoài làm việc, các đại biểu đề xuất những giải pháp giữ ổn định một số thị trường chính như Đài Loan, Nhật Bản. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn lao động đưa đi làm việc tại nước ngoài vừa đảm bảo thu nhập, cạnh tranh. Trong đó, rất cần sự phối hợp chặt chẽ với giáo dục nghề nghiệp từ khâu đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tay nghề, giáo dục định hướng cho lao động trước khi xuất cảnh. 

Trong khi ấy, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đề nghị Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với Vụ Pháp chế trong việc sửa đổi Luật đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cục Quản lý lao động ngoài nước cần đẩy mạnh quản lý DN, chấn chỉnh hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đáp ứng 3 tiêu chí (đúng người, minh bạch và có kế hoạch khi lao động quay trở về nước)…

Theo báo Trí thức trẻ, thống kê từ Cục Quản lý lao động nước ngoài (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, 2017 là năm thứ tư liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm.

Một số thị trường lao động có tỉ lệ tăng trưởng vượt bậc, như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả rập Xê út, Malaysia, Algeria.

Trong số đó, thị trường Đài Loan (Trung Quốc) vẫn giữ vị trí quán quân về thu hút lao động Việt Nam sang làm việc theo hợp đồng.

Đây là năm thứ hai liên tiếp số lượng lao động đưa đi Đài Loan đạt trên 60.000 người (chiếm gần 50% tổng số lao động Việt Nam được đưa đi làm việc tại các thị trường trong năm nay).

Số lao động Việt Nam tại Đài Loan trên đứng thứ hai sau lao động của Indonesia, trong đó lao động làm việc chủ yếu trong ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ xã hội…

Tại thị trường Nhật Bản, tính đến hết tháng 12/2017, số lượng thực tập sinh được phái cử sang Nhật Bản đạt 54.504 người, tăng cao so với cùng kỳ năm 2016, nâng tổng số thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản lên hơn 100.000 người.

Cục Quản lý lao động nước ngoài cũng cho biết, trong năm 2017, một số thị trường có nhu cầu tuyển dụng những nhóm ngành nghề mới mà Việt Nam có khả năng đáp ứng tốt và có nhu cầu đưa đi như điều dưỡng, hộ lý và lao động trong một số lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lao động có tay nghề, kỹ thuật cao… tạo ra nhiều cơ hội làm việc hơn nữa cho người lao động Việt Nam khi lựa chọn phương án đi làm việc ở nước ngoài.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu