00:33 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN
Thanh Hóa:

Mưa lớn gây sạt lở, huyện Mường Lát di dời hàng trăm hộ dân

Duy Duẩn | 19:38 22/09/2024

(THPL) - Từ ngày 20-22 tháng 9 năm 2024, trên địa bàn huyện Mường Lát xảy ra mưa lớn, gây sạt lở đất đá. Nước từ thượng nguồn suối Sim, sông Mã đang dâng lên rất nhanh đã gây thiệt hại một số tài sản của nhà nước và nhân dân. Nhận thấy tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, huyện Mường Lát đã di dời khẩn cấp hơn 245 hộ dân đến nơi an toàn.

Do mưa lớn nhiều ngày qua, nước lũ đổ về mạnh đã gây ngập và chia cắt một số bản ở xã Mường Chanh, huyện Mường Lát. Để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền địa phương đã di dời, sơ tán khẩn cấp hàng chục hộ dân trước nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Chiều 22/9, trao đổi với PV, ông Lục Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Mường Chanh, huyện Mường Lát cho biết: Những ngày qua trên địa bàn xã Mường Chanh liên tục xảy ra mưa lớn kéo dài, nước lũ từ thượng nguồn biên giới Việt - Lào đổ về làm nước ở suối Sim dâng cao, chảy xiết gây ngập nghiêm trọng đường tỉnh 521E nối với trung tâm huyện Mường Lát. Mưa lũ đã khiến 9 bản của xã Mường Chanh tạm thời bị cô lập. Toàn bộ 4 cầu tràn đi các khu dân cư bị ngập sâu hơn 1m, có những điểm nước chảy xiết, dâng cao so với bề mặt của đập tràn gần 2m.

Mưa lớn trên địa bàn huyện Mường Lát khiến lực lượng chức năng và chính quyền địa phương phải ứng trực 24/24. (ảnh CTV).

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, một số đoạn suối bị sạt lở, nguy cơ xấu sẽ xảy ra lũ quét, chính quyền xã Mường Chanh phối hợp với các lực lượng như: Bộ đội biên phòng, Công an, dân quân tự vệ, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 vận động di dời, sơ tán khẩn cấp 18 hộ dân ở ven suối Sim đến nhà văn hóa, trạm y tế của xã, nhà văn hóa các bản để tránh lũ quét, đồng thời vận chuyển tài sản của người dân lên các điểm cao hơn.

Trong những ngày tới, với phương châm “4 tại chỗ”, chính quyền xã Mường Chanh và các lực lượng chức năng tiếp tục tiến hành rà soát, vận động bà con nhân dân không được chủ quan, sớm di dời, sơ tán đến các địa điểm an toàn. Trong thời gian mưa lũ hỗ trợ lương thực, thực phẩm không để người dân thiếu đói. Đồng thời bố trí lực lượng hướng dẫn người dân không đi qua các khu vực nước ngập sâu, các cầu tràn không đảm bảo an toàn.

Mực nước ở suối Sim dâng cao (ảnh CTV)

“Xã Mường Chanh duy trì 100% quân số thường trực, sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống lũ gây ra. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị thông tin liên lạc, lương thực, thực phẩm sẵn sàng tham gia phòng chống và ứng cứu khi tình huống xấu xảy ra. Hiện chúng tôi đang vận động khoảng hơn 30 hộ dân ở các bản có nguy cơ lũ quét nhanh chóng đến nơi an toàn đề phòng các trường hợp nguy hiểm”, Bí thư Đảng ủy xã Mường Chanh cho biết thêm.

Cùng ngày trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa diện rộng. Ở huyện miền núi Quan Sơn có 8 hộ, 26 khẩu xã Tam Thanh; 17 hộ, 79 khẩu xã Tam Lư sinh sống tại khu vực nguy cơ sạt lở cao; 2 đập tràn ngập sâu, nước chảy xiết và phát sinh 4 điểm đất, đá sạt lở từ taluy dương xuống mặt đường, chia cắt đường giao thông liên xã.

Bộ đội Biên phòng Đồn Tam Thanh phối hợp với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn huyện Quan Sơn, xã Tam Thanh và xã Tam Lư triển khai di dời các nhân khẩu cùng tài sản đến vị trí an toàn; bố trí lực lượng chốt chặn các điểm nguy hiểm không cho người, phương tiện qua lại, bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân.

Chủ động khắc phục hậu quả thiên tai, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Mường Mìn cùng lực lượng tại xã Mường Mìn, xã Sơn Điện cùng nhân dân sở tại tập trung trợ giúp, hỗ trợ 2 gia đình, sửa lại nhà ở, ổn định cuộc sống.

Chiều 22/9, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa ban hành Công điện số 21, báo động cấp 1 trên sông Mã.

Nội dung Công điện yêu cầu các huyện: Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Yên Định, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, thành phố Thanh Hóa và thành phố Sầm Sơn triển khai ngay việc tuần tra canh gác đê và hộ đê theo các cấp báo động. Tổ chức kiểm tra, rà soát và có phương án xử lý đảm bảo an toàn cho công trình đê điều; đặc biệt là các đoạn đê xung yếu, cống dưới đê. Chủ động triển khai phương án sơ tán dân sinh sống ở vùng bãi sông; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ để sẵn sàng xử lý các tình huống ngay từ giờ đầu.

Duy Duẩn

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu