14:14 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Lời biện hộ vụng về cho việc chậm xét truy tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng (Kỳ 2)

12:34 14/07/2017

(THPL) - Như vậy, không chỉ 3 mà có tới 11/12 hồ sơ vẫn chưa được xét truy tặng. Từ vấn đề này, phóng viên đã liên hệ với các cấp có thẩm quyền từ xã lên đến tỉnh nhằm tìm hiểu nguyên nhân vì sao mà hàng loạt hồ sơ đề nghị truy tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng lại bị “ngâm” trong thời gian lâu như vậy. Dù các cán bộ chuyên môn có trả lời đúng thủ tục, quy trình…nhưng những lời biện hộ cho việc chậm chễ này không giấu được sự vụng về hay còn vì một lý do nào khác?!

 

Bản danh sách do UBND xã Liên Bảo cung cấp. 

Do biến động cán bộ

Ông Phạm Văn Đằng – Phó Chủ tịch UBND xã Liên Bảo (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) phụ trách Khối văn hóa - xã hội thừa nhận có việc tồn đọng hồ sơ xét truy tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở xã.

Ông Đằng lý giải việc này như sau: “Trong một số năm vừa qua cán bộ phụ trách mảng này có nhiều biến động, đến bây giờ đã là đồng chí thứ 4, trong đó có 2 đồng chí đã chết. Chính vì thế mà chuyển đổi qua mấy lần, không riêng gì công tác mẹ Việt Nam anh hùng mà một số công tác, một số đối tượng khác cũng bị chậm chễ”.

Biên bản do xã Liên Bảo lập đối với Mẹ Bùi Thị Gái.

Qua trao đổi, ông Đằng khẳng định với phóng viên, năm 2017 mới tiến hành triệt để tất cả hồ sơ đem vào quản lý, theo dõi: “Hồ sơ gì còn thiếu thì tạo điều kiện hết cỡ để các đối tượng sớm được hưởng chế độ chính sách, không được phép gây phiền hà, khó khăn gì cho đối tượng. Những tồn đọng trước đây thì UBND xã cương quyết chỉ đạo. Nếu hồ sơ còn thiếu chuyển đi, chuyển về phải cùng các lực lượng chức năng xuống tận nơi để làm triệt để”, ông Đằng nói.

Ông Đỗ Đồng Ngung – Cán bộ phụ trách TB – XH từ năm 2013 – 2016 cho biết nguyên nhân chậm chễ là do: “Bổ sung 2 -3 lượt, hiện đã được gửi lên Phòng TB - XH huyện 2 tháng rồi. Phòng chưa có thông tin phản hồi gì. Thông tin giữa gia đình khai và thông tin đưa lên Sở sai lệch quá nhiều, thậm chí là tên Bà mẹ không có trong hồ sơ. Trong 8 trường hợp đều xảy ra trường hợp sai lệch thông tin. Hồ sơ gửi về Sở thậm chí không có tên mẹ hoặc tên bố. Trong khi đó, một bộ hồ sơ gồm rất nhiều giấy tờ trong đó có biên bản “Xét truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng” có đủ các thành phần của xã tham dự và đương nhiên phải có đối tượng cụ thể là Mẹ liệt sỹ. Vậy nếu thiếu tên Mẹ thì hồ sơ đó đề nghị xét tặng ai!?". 

Ông Đỗ Hồng Ngung trao đổi với phóng viên. 

Ai chịu trách nhiệm?

Ông Trần Phạm Nghệ - Trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Vụ Bản cho biết: “Không có đơn vị nào tồn đọng như xã Liên Bảo, các đơn vị khác giải quyết dứt điểm, không những đối tượng này, còn nhiều đối tượng khác ở Liên Bảo cũng như thế. Tôi đã về làm việc với xã Liên Bảo rồi. Chúng tôi tiếp nhận từ Phòng Nội vụ huyện từ năm ngoái, chúng tôi chỉ thực hiện chính sách thôi. Khi có quyết định phong tặng rồi thì chuyển sang bên tôi thực hiện chế độ chính sách, thực hiện chế độ về sau”.

Cũng theo như tìm hiểu, hiện nay hồ sơ của xã Liên Bảo mới được trình Chủ tịch UBND huyện ký để chuyển lên Sở LĐ-TB-XH tỉnh: “Nếu không đủ thủ tục hồ sơ ra ngoài kia họ cũng trả về. Ưu tiên tuyệt đối nhưng thủ tục cực kỳ lắm vấn đề. Bởi vì chất độc hoá học rất nhiều hồ sơ giả, thậm chí chúng tôi không dám làm vì chúng tôi sợ lắm rồi…. Vụ Bản rất ít nhưng từ các huyện khác tác động lên vấn đề này. Phòng LĐ-TB-HX chỉ là cơ quan trung chuyển thôi, tiếp nhận hồ sơ cơ sở chuyển lên cho Sở. Sở là cơ quan cuối cùng quyết định cho đối tượng này, đối tượng kia hưởng chế độ”, ông Trần Phạm Nghệ nói. 

Làm việc với Phòng LĐ-TB-XH huyện Vụ Bản.

Bà Phạm Thị Minh – Chuyên viên quản lý vấn đề này cho biết cụ thể: “Mới đây tiếp nhận 8 hồ sơ, trong đó xã Liên Bảo có 6, còn lại 1 là xã Hiển Khánh. Còn 1 hồ sơ ở Liên Bảo là do Phòng trực tiếp hướng dẫn làm. Tại thời điểm tháng 5/2017 mới chỉ có 1 trường hợp đủ điều kiện, 5 hồ sơ trả lại cho xã để tiếp tục bổ sung hoàn thiện. Hiện nay, tức là ngày 16/6/2017, xã đã chuyển 6 hồ sơ còn lại, 4 hồ sơ không biết hồ sơ nào. Riêng trường hợp của Mẹ Bùi Thị Gái (bà Hường ở thôn Cao Phương) lên đây trực tiếp chúng tôi hướng dẫn hồ sơ thì chuyển đi trước 6 trường hợp này”.

Người dân có thể nghi ngờ về trình độ của cán bộ Ban TB-XH xã Liên Bảo. Tuy nhiên, vợ ông Ngung hiện đang là Phó trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Vụ Bản chẳng lẽ lại không nắm được vấn đề này, phải để xã Liên Bảo là đơn vị tồn đọng duy nhất của huyện Vụ Bản?!

“Thực tế phu nhân của đồng chí Ngung hiện đang làm Phó trưởng Phòng ở đây nhưng lại nắm về mảng lao động – tiền lương nên không nắm được việc này”, ông Nghệ nói. Trong khi đó, ông Nghệ cũng thẳng thắn cho biết: “Quy định thời gian nào nộp hồ sơ là rất rõ ràng, đơn vị nào không nộp phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện và trước đối tượng”.

Phóng viên liên hệ với Sở LĐ-TB-XH tỉnh Nam Định, ông Nguyễn Quốc Lưỡng – Chánh Văn Phòng Sở LĐ-TB-XH đã tiếp nhận thông tin báo chí. Ông Lưỡng hứa sẽ chuyển lại cho Phòng chuyên môn của Sở tìm hiểu và cung cấp thông tin cho báo chí về những trường hợp cụ thể này. Tuy nhiên, sau đó không thấy ông Lưỡng có câu trả lời?!

Theo Khoản 1, Điều 2. Nghị định số 53/2013/NĐ-CP của Chính phủ:

1. Những bà mẹ thuộc một trong các trường hợp sau đây được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”:

a) Có 2 con trở lên là liệt sỹ;

b) Chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sỹ và 1 con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

c) Chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sỹ;

d) Có 1 con là liệt sỹ và có chồng hoặc bản thân là liệt sỹ;

đ) Có 1 con là liệt sĩ và bản thân là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên…

>>> Bài 1: Đâu cứ phải truy tặng danh hiệu, Mẹ mới là anh hùng!

Doãn Kiên – Hoàng Nam

 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu