13:14 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Lên mức kỷ lục, giá thịt lợn sẽ tiếp tục tăng đến Tết Nguyên đán

10:43 16/10/2019

(THPL) - Chỉ trong ít ngày, giá thịt lợn hơi leo thẳng lên mốc 55.000-63.000 đồng/kg. Lãnh đạo Cục Chăn nuôi nhận định giá lợn dự kiến sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung sụt giảm mạnh.

Theo báo điện tử Vietnamnet, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cho biết, phía Cục đã yêu cầu các địa phương thống kê đàn lợn đến 31/8/2019. 56 tỉnh, thành phố đã có báo cáo số liệu đàn lợn hiện là trên 22 triệu con và 2,7 triệu con nái. Dự kiến, với 7 tỉnh còn lại, tổng đàn lợn cả nước hiện có khoảng gần 25 triệu con.

Theo ông, với số lượng lợn nái khoảng 2,7 triệu con như hiện nay thì hoàn toàn có thể chủ động con giống cho tái đàn, cùng với hệ thống chăn nuôi an toàn sinh học, ngành chăn nuôi sẽ chủ động được nguồn thực phẩm cuối năm.

Giá thịt lợn được dự báo sẽ tiếp tục tăng. (Ảnh minh họa)

Ông Trọng cho hay, hiện nay, giá thịt lợn ở miền Bắc đang dao động từ 60.000-63.000 đồng/kg; Bắc Giang và Vĩnh Phúc cao nhất với mức giá 63.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại miền Trung dao động từ 50.000-57.000 đồng/kg. Tại khu vực ĐBSCL, giá lợn hơi từ 56.000-60.000 đồng/kg.

Liên quan đến vấn đề liệu giá thịt lợn ở Việt Nam có đuổi kịp giá lợn hơi tại Trung Quốc hay không, ông Trọng nhận định giá lợn dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhưng sẽ không quá cao như Trung Quốc.

Theo ông Trọng, hiện các cơ sở, trang trại chăn nuôi lớn hầu hết chăn nuôi khép kín, theo chuỗi nên đảm bảo từ khâu sản xuất giống cho đến thương phẩm an toàn sinh học tốt. Đây là những cơ sở có khả năng tái đàn. Đối với hộ chăn nuôi nhỏ nếu không đủ điều kiện an toàn sinh học cũng không nên tái đàn vì nếu dịch tái bùng phát sẽ ảnh hưởng về kinh tế cũng như an toàn dịch bệnh cho cơ sở xung quanh.

Trước đó, dù không đưa ra dự báo giá lợn hơi từ nay đến cuối năm sẽ lên mức bao nhiêu nhưng Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương khẳng định, giá không thể tăng như Trung Quốc vì tỷ lệ đàn lợn của chúng ta vẫn còn nhiều, bên cạnh đó chúng ta còn nhiều giải pháp khác như phát triển đàn gia cầm, gia súc ăn cỏ, thủy sản.

Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, việc thịt lợn thiếu tức thì là đương nhiên. Người tiêu dùng cũng cần phải chuyển sang các thực phẩm khác để giảm áp lực cho thịt lợn.

Theo báo An ninh Thủ đô, đặc dù được dự báo nguồn cung khan hiếm và tăng giá dịp cuối năm, nhưng nhiều chủ trang trại không mặn mà với thông tin trên. Hầu hết các hộ chăn nuôi lợn không có ý định tái đàn trong thời điểm này. Mấy chục năm kiên trì với nghề chăn nuôi lợn, thời gian qua, đàn lợn mắc DTLCP khiến gia đình bà Nguyễn Mai Hoa (chủ trang trại lợn tại Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. 

Thị trường TP HCM mỗi ngày tiêu thụ khoảng 10.000 con lợn, dịp Tết tăng lên gấp rưỡi và 80% thịt lợn trong số đó được nhập từ các tỉnh về, nhiều nhất là Đồng Nai. Chính vì nguồn cung thịt lợn bị thiếu hụt, nên ngành Công Thương TP HCM đã có kế hoạch chuẩn bị bình ổn thị trường vì dự báo dịp cuối năm thịt lợn sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng. 

Theo Sở Công thương TP HCM, kế hoạch chuẩn bị nguồn cung thịt lợn bình ổn thị trường năm 2019 là 4.091 tấn/tháng (chiếm 21% thị phần). Trong đó, các DN chủ lực như Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn 200 tấn/tháng; Vissan 1.315 tấn/tháng; Công ty C.P Việt Nam 225 tấn/tháng; Công ty Anh Hoàng Thy 60 tấn/tháng; Công ty San Hà 700 tấn/tháng; Saigon Co.op cung ứng 1.510 tấn/tháng; Hệ thống BigC 31 tấn/tháng...

Cùng với nguồn cung thịt lợn từ các trang trại chăn nuôi trong nước, thịt lợn nhập khẩu (chủ yếu từ các nước Brazil, Ba Lan, Canada, Mỹ, Úc…) trong thời gian qua đã tăng mạnh (7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập 11,7 ngàn tấn thịt lợn, tăng gấp 3,7 lần về lượng và 4,3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2018) đã bổ sung vào phần thiếu hụt do ảnh hưởng DTLCP. 

Ngoài thịt lợn, các DN cũng đã có kế hoạch chuẩn bị các mặt hàng thực phẩm thiết yếu thay thế thịt lợn như thịt bò, thịt gà, trứng gia cầm... cho thị trường cuối năm để phòng tình trạng thiếu hàng, sốt giá. 

Bộ NN&PTNT cũng khuyến nghị, để tăng nguồn cung thịt lợn cho thị trường dịp cuối năm, các địa phương tái đàn lợn theo hướng an toàn sinh học; đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, thủy sản và nhập khẩu thịt bò, gà ... để thay thế thịt lợn sản xuất trong nước.

Theo Bộ NN&PTNT, DTLCP làm giảm sản lượng lợn, giá sẽ tăng. Như vậy, năm nay và vài năm nữa thị trường thịt lợn chắc chắn hấp dẫn người chăn nuôi, thế nhưng việc tái đàn là vấn đề rất căn cơ. 

Ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định, tái đàn lại cũng phải thực hiện theo chủ trương, khi nào dịch ổn định, cơ quan quản lý sẽ thông báo cụ thể. Khi điều kiện cho phép thì tăng đàn trở lại để phục hồi chăn nuôi đáp ứng thị trường cuối năm. Tuy nhiên, tái đàn hay mở rộng quy mô sản xuất phải chú ý đến dịch bệnh, chú ý đến cân đối thị trường, tránh đầu tư ồ ạt vì sẽ bất ổn.

Tuấn Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu