04:40 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Lão nông thu về hàng trăm triệu nhờ ghép 10 loại quả trên cùng một cây cảnh ở Hà Nội

| 15:55 31/12/2017

(THPL) - Ông Lê Đức Giáp ở Hà Nội mỗi năm thu về hàng hàng trăm triệu đồng nhờ trồng loại cây cảnh ghép từ 10 loại quả phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán.

Nhờ sáng tạo, dám nghĩ dám làm, gần 10 năm qua, ông Lê Đức Giáp ở thôn Bãi, xã Cao Viên (Thanh Oai, Hà Nội) đã ghép thành công nhiều loại quả trên cùng một gốc cây để phục vụ nhu cầu chơi cây cảnh ngày tết. Không chỉ tạo ra những loại cây cảnh độc đáo, lạ mắt, việc ghép thành công “cây ngũ quả” còn mang lại cho ông Giáp và gia đình nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm…

le-duc-giap
Tại xã Cao Viên (Thanh Oai, Hà Nội) có nhiều hộ gia đình trồng cây cảnh phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán. Trong đó, vườn nhà ông Lê Đức Giáp có loại cây cảnh đặc biệt được ghép từ 10 loại quả cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Trí thức trẻ

Tuy xã Cao Viên không phải là mảnh đất có truyền thống trồng các loại cây cảnh nhưng với niềm đam mê và tinh thần tự nghiên cứu, học hỏi, ngay từ năm 2008, ông Giáp đã bắt tay vào việc ghép các loại quả với mong muốn tạo ra những loại cây cảnh độc, lạ phục vụ nhu cầu của thị trường vào mỗi dịp tết đến xuân về. Bằng kinh nghiệm hàng chục năm gắn bó với ruộng vườn, trước tiên, ông tỉ mỉ ghép thử một số loại quả “bình dân” như cam, quýt, quất…

le-duc-giap-2
Ông Lê Đức Giáp có khoảng hơn 100 gốc bưởi cảnh, mỗi gốc lại được ghép 10 loại quả khác nhau. Ảnh: Trí thức trẻ
le-duc-giap-3
Riêng bưởi trên cây này cũng có đến 3 loại: bưởi diễn, quả bòng, bưởi đỏ. Cam cũng có 3 loại: cam vinh, cam đường canh, cam Malaysia. Ngoài ra, còn có phật thủ, quýt, chanh đào. Ảnh: Trí thức trẻ

Năm đầu tiên, mặc dù đã tuân thủ đầy đủ quy trình kỹ thuật và quan tâm chăm sóc cẩn thận nhưng chỉ có một vài gốc giữ được quả ghép còn lại phần lớn đều “không đạt yêu cầu”. Sau khi ghép, một số loại quả sinh trưởng kém nên chất lượng, màu sắc… chưa bảo đảm; chín không đúng dịp Tết Nguyên đán.

Không nản lòng, rút kinh nghiệm từ thất bại đó, năm 2009, ông Lê Đức Giáp tiếp tục ghép thử nghiệm “cây ngũ quả”. Lần này, ông không ghép đồng loạt mà chú ý đến thời điểm ghép từng loại quả để vừa phù hợp với chu kỳ sinh trưởng của quả vừa không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây “mẹ”.

Lần lượt 5 loại quả đã được ông Giáp ghép thành công là cam, quất, quýt, bưởi Diễn và phật thủ. Kết quả, Tết Nguyên đán năm 2009, thị trường cây cảnh Hà Nội và các tỉnh lân cận có thêm một loại cây độc đáo là “cây ngũ quả” với 5 loại quả cùng sinh ra từ một gốc cây. Chính điểm “lạ” này đã thu hút sự quan tâm của người mua.

le-duc-giap-4
Ảnh: Trí thức trẻ

Chỉ trong thời gian ngắn, gần 100 “cây ngũ quả” trong vườn nhà ông Giáp đã được khách mua hàng từ nhiều tỉnh tìm về đặt mua. Vụ cây năm ấy, gia đình ông Giáp thu lãi hơn 200 triệu đồng.

Nhớ lại thời gian đó, ông Lê Đức Giáp chia sẻ trên báo Khuyến nông: “Điều làm tôi vui nhất lúc ấy không phải là giá trị kinh tế thu được mà cái chính đó là những công sức, vất vả của cả gia đình đã được đền đáp. Việc ghép nhiều loại quả trên cùng một cây tuy khó nhưng không phải là không thể làm được”.

le-duc-giap-5
"Để có được một cây bưởi với 10 loại quả như thế này tôi phải ghép cách đây gần 6 tháng. Khi tôi ghép các quả còn rất nhỏ, qua quá trình chăm sóc đã lớn lên như thế này", ông Giáp nói. Trí thức trẻ

Chưa bằng lòng với thành công bước đầu, nhận thấy tiềm năng khá lớn của thị trường cây cảnh tết, từ năm 2010 đến nay, ông Lê Đức Giáp đã tiếp tục thực nghiệm, tìm tòi để tăng số lượng các loại quả có thể ghép trên một cây. Đến nay, đã có tổng số 10 loại quả được ông Giáp ghép thành công trên cùng một gốc cây “mẹ”.

Theo ông Lê Đức Giáp, có 2 vấn đề khó nhất trong quá trình ghép các loại quả đó là lựa chọn gốc cây “mẹ” và quyết định thời điểm ghép đối với từng loại quả cụ thể.

Với kinh nghiệm thực tế của mình, hàng năm, ông Giáp thường chọn gốc cây bưởi từ 1 - 2 năm tuổi để ghép quả. Vì những cây ở độ tuổi này sẽ có bộ rễ chùm khoẻ, đủ sức hút chất dinh dưỡng để cung cấp cho các loại quả, bảo đảm các quả sau ghép có đủ chất dinh dưỡng để sinh trưởng tốt. Cùng với đó, việc ghép từng loại quả đúng thời điểm cũng quyết định đến chất lượng cây ghép vì mỗi loại quả có một chu kỳ sinh trưởng riêng. Để các loại quả có thể chín cùng lúc đúng vào thời điểm Tết Nguyên đán, từng loại quả lại được ông Giáp tiến hành ghép lên thân cây “mẹ” vào một thời điểm cụ thể: Quả bưởi được ghép vào đầu tháng 4 (âm lịch); tiếp đó là đến quả cam, chanh đào (tháng 5 âm lịch); các loại quả còn lại như quất, quýt, phật thủ… thì sẽ được ghép vào khoảng tháng 8 âm lịch.

le-duc-giap-6
"Trồng cây cảnh như thế này sợ nhất trời mưa dài ngày, nó làm cho quả dễ bị rụng hơn. Năm nay nhuận một tháng nên tôi cũng phải bỏ nhiều công sức chăm sóc hơn để quả không bị chín sớm", ông Lê Đức Giáp bày tỏ. Ảnh: Trí thức trẻ.
le-duc-giap-7
Ông Giáp là người đi đầu trong phong trào trồng cây cảnh ở xã Cao Viên. Cách đây khoảng 10 năm, ông là người đã giúp nhiều nông dân làm giàu từ chính cánh đồng của mình. Ảnh: Trí thức trẻ

Được biết, hiện nay, bình quân mỗi năm vào dịp Tết Nguyên đán, gia đình ông Lê Đức Giáp cung cấp ra thị trường khoảng trên 200 cây ghép các loại. Giá bán tại vườn dao động từ 2 - 10 triệu đồng/cây, tuỳ từng loại. Cá biệt, có những cây “khủng”, giá bán có thể lên tới hàng chục triệu đồng. Vụ cây cảnh năm nay, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Lê Đức Giáp còn thu về khoảng trên 400 triệu đồng.

le-duc-giap-8
Từ thời điểm hiện tại đến Tết, quả trên cây sẽ chín và cho màu sắc khác nhau. Ngoài ra còn có quả non, hoa, lộc non... Ảnh: Trí thức trẻ

Ông Giáp cho biết: “Ghép các loại quả để tạo thành “cây ngũ quả”, “cây thất quả”, “cây cửu quả” đòi hỏi người trồng cây phải thực sự chuyên tâm, tỉ mỉ. Bởi vậy, mỗi cây ghép thành công là một sản phẩm nghệ thuật chứa đựng sự tâm huyết của người trồng cây”.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu