19:44 ngày 24/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Lão nghệ nhân giữ “hồn” cho nhà rường cổ xứ Huế

15:16 01/01/2017

(THPL) - Với mong muốn phục dựng nhà rường cổ độc đáo của cha ông ta, lão nghệ nhân Nguyễn Màng (85 tuổi, xã Phú Dương, huyện Phú Vang, Thừa Thiên- Huế) đã dành cả cuộc đời mình giữ “hồn” và truyền nghề lại cho thế hệ con cháu, với hi vọng sẽ gìn giữ nét cổ kính của người Huế xưa trong cuộc sống hiện đại.

Một ngày se lạnh của trời Đông, chúng tôi tìm gặp lão nghệ nhân Nguyễn Màng khi ông đang ngồi đục đẽo khúc gỗ người ta mới bán lại, dù tuổi đã cao nhưng bàn tay ông linh hoạt tạo ra những nét hoa văn in đậm dấu ấn xưa. Quanh căn nhà, từ cái tủ cái giường đến bộ bàn ghế và cả ngôi nhà ông đã dựng xong chờ người đến hỏi mua đều là những nét kiến trúc sắc sảo do đôi bàn tay khéo léo ông tạo nên. 

Lão nghệ nhân kể rằng, ngày trước lúc 15 tuổi, gia đình quá khó khăn nên ông phải lên Kim Long (Huế) để theo học nghề mộc. Vốn cần cù, không lâu sau ông đã trở thành một trong những thợ mộc có tay nghề giỏi. Với tinh thần ham học hỏi, ông tiếp tục lặn lội vào phố cổ Hội An, tìm tới “bái sư” những nghệ nhân tài hoa của làng mộc Kim Bồng (Quảng Nam), ngoài ra ông còn tìm ra tận Hà Nội để học nghề mộc.

Dù tuổi đã cao, nhưng bàn tay ông Màng linh hoạt tạo ra những nét hoa văn in đậm dấu ấn xưa. Ảnh: Ngọc Hưng

Ông Màng cho hay: "Nghề mộc không phải ai cũng học được và không phải ai học cũng thành công với nghề. Học nghề chi hay làm nghề chi cũng cần cái tâm. Và nghề mộc cũng cần có cái tâm mới vững tay nghề được”, nhờ câu nói giáo huấn này của những người thầy năm xưa mà ông Màng quyết sống chết đến cùng với nghề mộc.

Trong thời gian rong ruổi khắp nơi, ông Màng chợt nhận ra rằng, trên đất nước mình vẫn còn rất nhiều ngôi nhà rường kiểu "3 gian 2 chái" đang bị xuống cấp, hư hại vì nhiều lý do nhưng gia chủ không thể tu sửa. Thậm chí, có nhiều hộ khi căn nhà cổ chuẩn bị sập đã tháo hết những bộ phận của ngôi nhà cổ để đem đi đốt lửa. Xót xa cho sự tồn tại ngắn ngủi của những ngôi nhà rường cổ, ông Màng một lần nữa quyết tâm học cách phục dựng nhà rường. “Nghĩ thì đơn giản lắm, nhưng khi bắt tay vào học thì mới biết cách làm nhà kiểu nhà rường xưa của ông bà ta là khó đến mức nào. Phục dựng để hoàn thiện chúng càng khó gấp bội lần”, lão nghệ nhân tâm sự.

Ông Màng ngồi trong ngôi nhà rường cổ do mình làm ra, với trăn trở làm sao giữ được nét xưa trong cuộc sống hiện đại. Ảnh: Ngọc Hưng

Với mong muốn bảo tồn những di sản của cha ông đời trước cũng như phục dựng những ngôi nhà rường cổ đang ngày càng “chết” cùng thời gian, ông Màng khăn gói ra đi tìm hiểu, học nghề từ Nam chí Bắc. Đến nơi đâu, ngoài những vật dụng làm nghề mộc, trong túi ông còn có cuốn sổ tay và cây bút để ghi chép lại những kinh nghiệm học được. Vì thế, ông lưu giữ được một cuốn cẩm nang nói về cách phục chế các kiểu "nhà rường" mà không phải ai cũng có.

Với nghệ nhân Nguyễn Màng, phục dựng những ngôi nhà rường cổ là niềm đam mê bất tận đối với ông. Nó trở thành một thú chơi công phu chỉ dành cho những người đam mê không giới hạn. “Mê lắm! mấy chú thấy ai hơn tám chục tuổi như tui còn trèo lên mái nhà đục đẽo không”, lão nghệ nhân cho hay.

Nét kiến trúc nhà rường Huế. Ảnh: Ngọc Hưng

Bằng tài năng và kinh nghiệm của mình hơn 65 năm phục dựng nhà rường cổ, tiếng tăm của ông được nhiều người trong và ngoài tỉnh Thừa Thiên Huế biết đến. Ông đã từng được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế mời phục dựng, bảo tồn nhiều công trình có giá trị như: Ngọ Môn, điện Thái Hoà, làng cổ Phước Tích, đình làng Dương Nỗ và hàng trăm ngôi nhà rường cổ khác. Trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, ông Màng được UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cử đi thủ đô để dựng một ngôi nhà rường mang đặc trưng kiến trúc xứ Huế cho du khách tham quan, chiêm ngưỡng. 

Chia sẻ với chúng tôi về nét độc đáo của kiến trúc nhà rường ở xứ Huế so với các nơi khác, ông Nguyễn Màng nói: “Nhà rường Huế có nét độc đáo riêng biệt so với những vùng khác bởi vẻ duyên dáng và thanh tao. Bộ phận nào ra bộ phận đó đều được chạm trổ kì công, tinh xảo. Nhà rường xứ Huế là nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của người xưa. Vì vậy, tôi mong nhà rường luôn được ưa chuộng chứ không bị mai một bởi những ngôi nhà cao tầng như hiện nay”.

Chiêm ngưỡng nét kiến trúc tinh xảo của nhà rường Huế. Ảnh: Ngọc Hưng

Gần hết cuộc đời, ông Nguyễn Màng luôn tâm huyết với nghề phục chế kiến trúc cổ nhà rường và để góp phần lưu giữ “hồn Huế” trên đất cố đô. Nghệ nhân Nguyễn Màng đã truyền nghề cho 3 người con trai của mình là Nguyễn Hữu Đỉnh, Nguyễn Hữu Lanh và Nguyễn Hữu Lẻ. Ngoài ra, ông còn đầu tư xây dựng xưởng phục chế nhà rường và nhận thêm nhiều người học trò có đam mê nhà cổ như ông để truyền nghề. Họ là những người trẻ đang được ông gửi gắm, gìn giữ những giá trị truyền thống của cha ông.

Những lúc rảnh rỗi, ông Màng cùng con trai lại rong ruổi khắp nơi để tìm hỏi mua những ngôi nhà rường cổ. Nghe người ta bán nhà rường ở đâu thì ông đều tìm đến hỏi mua. Không mua được nguyên căn nhà thì mua từng phần hay các khúc gỗ quý. Nhờ thế mà hiện ở xưởng mộc của gia đình, ông Màng có rất nhiều loại gỗ quý dành để phục chế nhà rường như gõ, mít và gỗ chua.

Hiện nay, một ngôi nhà rường do xưởng mộc của ông Màng làm ra được bán với giá trên dưới 600 triệu đồng, nhưng trừ tiền gỗ, tiền công thợ thì tính ra, lời lãi chẳng là bao. Với ông Màng, có chăng, đó cũng chỉ là niềm đam mê với những ngôi nhà rường cổ. Thế mới thấu hiểu, nghề làm nhà rường nói chung và nhà rường xứ Huế nói riêng có muôn vàn điều bí truyền, nếu không được kế tục, sẻ chia thì sẽ mai một theo năm tháng.

Ngọc Hưng

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu