15:45 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Làng cá chép tất bật cho ngày ông Công ông Táo

07:27 08/02/2018

(THPL) - Cứ đến cận ngày 23 tháng Chạp, làng Tân Cổ (xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) lại rộn ràng, tấp nập người mua kẻ bán.

Theo TTXVN, làng Tân Cổ (xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) được mệnh danh là làng cá cung cấp cho tiễn ông Công, ông Táo nổi tiếng ở xứ Thanh. Năm nay, do được giá nên nghề nuôi cá chép đã mang lại thu nhập khá lớn cho bà con nơi đây. 

làng cá chép
Do thời tiết mưa lụt nên cá năm nay khan hiếm và được giá cao hơn năm ngoái. Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN

Tại làng Tân Cổ ngày 22 tháng Chạp, con đường vào làng mọi khi vắng vẻ, nay trở nên nhộn nhịp lạ thường. Từng đoàn xe tải lớn nhỏ, xe máy, xe đạp nối đuôi nhau vào các nhà chủ cá để lấy hàng đưa đi các nơi tiêu thụ.

Năm nay, giá cá bán sỉ tại ao dao động từ 140.000 đến 180.000 đồng/kg cá, bán lẻ 20.000-30.000 đồng/3 con, sau khi trừ chi phí, các hộ nuôi nhỏ lẻ tầm 3-5 ao thu về từ 100-120 triệu đồng. Trước đó, từ chiều 21 đến sáng sớm 22 tháng Chạp, các hộ nuôi cá làng Tân Cổ bắt đầu kéo lưới đánh cá khỏi ao. 

Cá sau khi đánh khỏi ao được cho vào các bể tạm, cá có đủ các kích cỡ, từ 30-40 con/kg đến 100 con/kg bày bán cho khách thoải mái chọn lựa. Khi có khách mua, cá lại được đóng vào các bao nylon, bơm đầy ô-xy. Với những thương lái mua nhiều, từ ngày 15 tháng Chạp, thương lái đã bắt đầu về làng Tân Cổ đặt hàng cá chép cho ngày ông Táo chầu trời. Đến cận ngày thương lái đánh xe ô tô đến, trên xe có đầy đủ thiết bị như hệ thống sục ô-xy, bình ô-xy, thùng đựng... đảm bảo cá sống khỏe mạnh, có thể đi các tỉnh xa như Nghệ An, Hà Tĩnh, thậm chí Quảng Trị, Thừa Thiên Huế... 

Từ 20-22 tháng Chạp, người dân xứ làng cá Tân Cổ đã chống cá để cung ứng ra thị trường.
Từ 20-22 tháng Chạp, người dân xứ làng cá Tân Cổ đã chống cá để cung ứng ra thị trường. Ảnh: Báo Infonet

Theo báo Infonet, ông Lê Hữu Dũng - chủ một đại lý cá giống ở làng cho hay: “Năm nay gia đình tôi thu mua được 3 tấn cá chép đỏ, ít hơn những năm trước rất nhiều do ảnh hưởng của thời tiết bão lụt khiến các ao nuôi cá bị tràn bờ đi hết nên hiếm hơn, giá chúng tôi bán cho thương lái là 130.000 đồng/kg và bán lẻ là 150.000 đồng/kg. Đến thời điểm hiện tại gia đình tôi cũng chỉ đủ cung cấp cho các thương lái đã đặt từ trước”.

Theo người dân địa phương, trước kia người dân chủ yếu cúng cá chép đen nhưng khoảng 10 năm nay thì đổi mới theo xu hướng thị trường và phát triển kinh tế nên người dân chuyển sang dùng cá chép đỏ.

“Năm nào cũng vậy, cứ vào sáng 22 tháng Chạp là ngày cả làng nhộn nhịp nhất vì đi dọc 2 bên đường vào làng người dân dùng áo mưa, bạt quây thành những ao nhỏ đổ cá vào bày bán, nhìn 2 bên đường như bức tranh màu đỏ”, một người dân cho hay.

Hàng năm đến ngày ông Công ông Táo, làng Tân Cổ cung ứng ra thị trường hàng chục tấn cá chép đỏ.
Hàng năm đến ngày ông Công ông Táo, làng Tân Cổ cung ứng ra thị trường hàng chục tấn cá chép đỏ. Ảnh: Báo Infonet

Hộ gia đình anh Lê Đức Thuận (làng Tân Cổ, xã Quảng Tân) cho biết: "Để chuẩn bị cho vụ cá cúng ngày ông Công ông Táo, gia đình tôi đã phải xuống giống cách đây 4-5 tháng. Diện tích ao nuôi của gia đình khoảng 7.000m2 trong đó dành hơn 4.000m2 nuôi cá cúng ông Công ông Táo.

Nhờ đầu tư hệ thống ao nuôi kiên cố nên đợt mưa bão vừa qua ao nuôi của gia đình tôi ít bị ảnh hưởng. Vụ này gia đình tôi cung ứng ra thị trường khoảng 6-7 tấn cá chép, chủ yếu là bán sỉ cho các thương lái. Đến trưa 22 tháng Chạp, ao nhà tôi đã không còn cá để bán." 

Theo truyền thống văn hóa của người dân Việt Nam, ngày 23 tháng Chạp hằng năm là ngày ông Công, ông Táo về chầu trời báo cáo những công việc năm qua ở hạ giới. Người dân thường cúng tiễn bằng cá chép để ông cưỡi về trời. Nhờ đó, mỗi năm làng Tân Cổ cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 20-25 tấn cá chép để cúng Táo quân.

Người dân phấn khởi vì cá năm nay bán được giá hơn năm trước
Người dân phấn khởi vì cá năm nay bán được giá hơn năm trước. Ảnh: Báo Infonet

Hiện nay, ở mỗi làng nghề của các thôn đều có từ 150 đến 250 hộ nuôi cá giống tập trung. Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, các gia đình ở đây đã thành lập các tổ tiêu thụ, nhờ vậy nguồn cá giống, cá chép ông Công, ông Táo không những được tiêu thụ ổn định tại địa phương mà còn cung ứng cho nhiều nơi khác như: Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, thậm chí vài năm gần đây còn xuất sang Lào. 

Ông Lê Bá Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Tân khẳng định: "Hiện xã Quảng Tân có khoảng 500 hộ nuôi cá chép ông Công, trong đó có 10 nhà nuôi quy mô lớn.

Thời gian tới, UBND xã Quảng Tân sẽ tiếp tục hướng dẫn người dân xây dựng mô hình hợp tác xã chuyên mua bán cá giống để mở rộng thêm thị trường, tạo điều kiện về quỹ đất, góp phần giúp bà con nông dân giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng". 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu