18:37 ngày 16/09/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Lãi suất huy động và cho vay cùng giảm trong tháng đầu năm 2024

20:17 20/02/2024

(THPL) – Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, tính đến cuối tháng 1/2024, lãi suất tiền gửi bình quân và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới đã giảm lần lượt 0,15% và 0,25% so với cuối năm 2023.

Ngày 20/2, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024. Tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trong cung ứng tín dụng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng.

Cơ quan này đã khẩn trương xây dựng và ban hành Chỉ thị 01, 02, Chương trình hành động số 83/QĐ-NHNN để triển khai các hoạt động trọng tâm năm 2024, nhất là về công tác tín dụng, nhằm đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ người dân doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng phục vụ sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng.

NHNN cũng rà soát để hoàn thiện các quy định pháp lý nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các TCTD, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024. Ảnh: báo Đầu tư

Hiện lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng ở mức 0,5%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,75%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô là 5,25%/năm. Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, đây là điều kiện để các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi suất huy động, giúp lãi suất cho vay tiếp tục giảm trong nửa cuối năm 2023 và đầu năm 2024. “Tính đến ngày 31/1, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023”, Phó thống đốc Đào Minh Tú thông tin.

Cũng tại Hội nghị, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, năm 2024, kinh tế thế giới và trong nước dự báo tiếp tục khó khăn, trong bối cảnh đó, NHNN tiếp tục xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm điều hành tín dụng năm 2024 như sau:

Điều hành tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống các TCTD năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; nghiên cứu đổi mới công tác điều hành tăng trưởng tín dụng. Thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Chỉ đạo các TCTD, tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Bên cạnh đó, mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống, tiêu dùng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.

Tiếp tục chỉ đạo các TCTD triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ, chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phối hợp với các Bộ, ngành kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Thường xuyên tổ chức các Hội nghị kết nối doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp bằng hình thức phù hợp theo vùng và tại tất cả các tỉnh, thành phố. Chỉ đạo các NHTM đồng thời chủ động tổ chức Hội nghị khách hàng để tháo gỡ, chia sẻ khó khăn với khách hàng. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành Ngân hàng tại các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Tiếp tục triển khai các Kế hoạch, Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Đề án những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; về nông nghiệp, nông dân, nông thôn năm 2030, tầm nhìn 2045; về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng 06 vùng kinh tế.

Phương Linh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu