13:19 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Kim ngạch xuất nhập khẩu bật tăng trong nửa cuối tháng 9

19:59 15/10/2021

(THPL) - Trong tháng 9, mặc dù chịu sự tác động mạnh từ “bão” COVID-19 nhưng hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) đang có dấu hiệu khởi sắc khi Việt Nam xuất siêu khoảng 360 triệu USD. Trong 9 tháng, xuất khẩu (XK) vẫn tăng cao. Đây là những tín hiệu tích cực trong bức tranh XK trong những tháng cuối năm.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 9, nước ta XK đạt hơn 27 tỷ USD, giảm nhẹ 0,7% so với tháng 8/2021. Ở chiều nhập khẩu, tháng 9 đạt 26,67 tỷ USD, giảm 2,5% so với tháng trước. Tốc độ sụt giảm kim ngạch cả XK, nhập khẩu đều được cải thiện so với tháng 8 trước đó (XK tháng 8 giảm 2,3% so với tháng 7/2021, nhập khẩu giảm 6,1%). Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng kim ngạch XNK cả nước đạt gần 484 tỷ USD, với mức thâm hụt hơn 2,5 tỷ USD và tính chung 9 tháng, XK vẫn tăng cao.

Trong 63 tỉnh, thành của cả nước có 8 địa phương đạt kim ngạch XK từ 1 tỷ USD trở lên, gồm: TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Thái Nguyên. Đáng chú ý, XK của đầu tàu kinh tế lớn nhất là TP Hồ Chí Minh có dấu hiệu khởi sắc đáng ghi nhận. Tháng 9, XK của địa phương này đạt 3,363 tỷ USD, tăng tới 33% so với tháng 8 trước đó, tương đương kim ngạch tăng thêm hơn 800 triệu USD.

Xuất nhập khẩu bật tăng nửa cuối tháng 9

Dù TP Hồ Chí Minh đã có sự phục hồi, tuy nhiên, Bắc Ninh vẫn đang là địa phương có kim ngạch XK lớn nhất của cả nước trong tháng 9 với kim ngạch đạt 4,58 tỷ USD, giảm nhẹ khoảng 30 triệu USD so với tháng trước. Như vậy, trọn trong quý III khi TP Hồ Chí Minh gặp dịch bệnh phức tạp, Bắc Ninh đã vươn lên trở thành địa phương dẫn đầu cả nước, góp phần quan trọng để giữ nhịp tăng trưởng XK chung trong 9 tháng qua ở mức cao.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, xuất nhập khẩu khởi sắc là một trong những nguyên nhân đóng góp vào tăng trưởng GDP 3 quý đầu năm. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Bên cạnh đó, hoạt động XK của Việt Nam đang có những thuận lợi khi ta đang khai thác hiệu quả các Hiệp định FTA và nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng Việt Nam có lợi thế. Đơn cử như, 9 tháng đầu năm 2021, XK gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Anh ước đạt 201,2 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020. Việc tận dụng hiệu quả ưu đãi lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA) góp phần tạo đà tăng trưởng khả quan của ngành gỗ sang thị trường Anh.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK đã đạt 18,8% sau 9 tháng, là con số khá lớn. Trong khi đó, cả năm 2020, kim ngạch XK cả nước chỉ tăng khoảng 7%. Tuy nhiên, hiện nay, tăng trưởng nhập khẩu đang lớn hơn với 30% và sau 9 tháng, cả nước đang nhập siêu 2,13 tỷ USD, tương đương 0,8% kim ngạch XNK. Đây là con số không đáng lo.

Theo ông Trần Thanh Hải, sau 1 thời gian bị ảnh hưởng sâu, nhập siêu đã quay trở lại và đến thời điểm tháng 7, mức nhập siêu tương đối lớn, lên đến hơn 2 tỷ USD. Tuy nhiên đến tháng 8, mức nhập siêu chỉ còn hơn 100 triệu USD và tháng 9, xuất siêu đã quay trở lại với con số khoảng 500 triệu USD. Đây là tín hiệu đáng mừng.

Hoạt động XNK hàng hoá gắn chặt với sản xuất, gồm sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp và khai thác khoáng sản. Năm 2021, vào quý II và quý III, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến các trung tâm sản xuất lớn như Bắc Giang, Bắc Ninh, các tỉnh phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long… Riêng khu vực 19 tỉnh phía Nam, XK đã tương đương 45% kim ngạch XK cả nước.

Bên cạnh đó, nhu cầu mua hàng của thị trường quốc tế tiếp tục tăng trưởng cùng với việc hội đủ các yếu tố cần thiết để mở cửa sản xuất trở lại, khẳng định cơ sở vững chắc cho sự phục hồi nhanh chóng của các ngành sản xuất, chế biến XK. Do vậy, ông Hải cho rằng, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam tiếp tục là địa điểm thuận lợi để hội tụ các chuỗi cung ứng. Thời gian tới, nếu Chính phủ có văn bản chung đưa ra những tiêu chí nhất định trong vấn đề di chuyển của người lao động sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho quá trình khôi phục sản xuất của các DN.

“Đối với các nhãn hàng, các DN, hiệp hội quốc tế, tôi xin khẳng định Việt Nam tiếp tục là địa điểm thuận lợi để hội tụ các chuỗi cung ứng. Việt Nam có những yếu tố thuận lợi về địa lý, nhân công, đầu vào hợp lý. Mặt khác, chuỗi cung ứng trong lĩnh vực dệt may, da giày cũng được thiết lập khá sâu ở Việt Nam. Do vậy, kêu gọi các nhãn hàng tiếp tục tin tưởng vào chính quyền Việt Nam, các hiệp hội, DN Việt Nam. Việt Nam đã nỗ lực để vượt qua khó khăn trong giai đoạn vừa qua, dần khôi phục lại hoạt động sản xuất, qua đó giúp các DN, nhãn hàng duy trì, mở rộng sản xuất trong thời gian tới”, ông Trần Thanh Hải khẳng định.

Mạnh Nghiệp (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu