Khởi công dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng
(THPL) - Ngày 21/4/2024, tại huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng.
Dự án được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, loại hợp đồng BOT, do UBND tỉnh Lạng Sơn làm Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với tổng mức đầu tư 11.024 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án: 5.495 tỷ đồng (3.500 tỷ đồng NSTW, 2.000 tỷ đồng NSĐP); Vốn Nhà đầu tư thu xếp: 5.529 tỷ đồng.
Giá trị phần vốn Nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình (không bao gồm chi phí của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký hợp đồng, bên mời thầu, chi phí của hội đồng thẩm định, đơn vị được giao nhiệm vụ thẩm định và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư) là 3.719 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2026, thời gian thu phí và vận hành khai thác là 25 năm 8 tháng.
Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được thực hiện trên địa bàn các huyện: Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và TP. Lạng Sơn với tổng chiều dài 60km. Trên tuyến bao gồm đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43km, được thiết kế với quy mô 4 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 17m; đoạn kết nối cửa khẩu Tân Thanh - Cốc Nam dài 17km, với quy mô 2 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 14,5m.

Thông tuyến cao tốc "cụt”
Dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng hoàn thành góp phần giảm thiểu tai nạn, ách tắc xảy ra tại nút giao của cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn với Quốc lộ 1.
Đây là đoạn tuyến đầu của cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Khi dự án đi vào hoạt động sẽ cùng với Bắc Giang - Lạng Sơn và cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đang triển khai, góp phần đồng bộ mạng lưới cao tốc, kết nối các cửa khẩu lớn của phía Bắc đến các trung tâm kinh tế lớn trên cả nước, góp phần tăng cường thông thương quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Được biết, Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2019. Tuy nhiên, dự án vẫn còn những vướng mắc kéo dài về phương án tài chính bởi cho đến thời điểm hoàn thành vẫn chưa có vốn ngân sách Nhà nước tham gia. Cùng với với các nguyên nhân khách quan như cắt giảm trạm thu phí, giảm giá vé… dẫn đến doanh thu thực tế rất thấp, hiện nay chỉ đạt khoảng 32% so với PATC ban đầu. Ngân hàng cung cấp tín dụng dừng giải ngân. Điều này đã gây ra không ít khó khăn cho nhà đầu tư, nhà thầu tham gia vào dự án.
Ngày 6/3/2024, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị xem xét hỗ trợ 5.600 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách Trung ương để đảm bảo phương án tài chính, tháo gỡ các vướng mắc tồn đọng tại dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn.
Phát biểu tại lễ khởi công Dự án, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cho biết: “Việc thực hiện dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng có rất nhiều ý nghĩa quan trọng. Dự án hoàn thành sẽ hỗ trợ giải quyết bài toán lưu lượng, doanh thu thấp của tuyến “cao tốc cụt” Bắc Giang - Lạng Sơn hiện nay, là cơ sở để các bên khi tham gia các Dự án PPP ý thức được trách nhiệm của mình để khi gặp khó hãy cùng nhau kiên định đồng hành tháo gỡ”.
Ông Hồ Minh Hoàng chia sẻ thêm: Khi Dự án gần như rơi vào bế tắc, ngày 16/1/2023, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng đã yêu cầu quay lại làm việc ngay với tỉnh Lạng Sơn để thúc đẩy việc thực hiện dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng. Điều đó khẳng định đối với những Dự án đầu tư PPP khó khăn nếu có sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, quyết tâm vào cuộc của chính quyền địa phương và đặc biệt sự ủng của nhân dân thì chắc “Khó khăn nào cũng vượt qua, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành ” như lời của Bác đã nói”.
“Khi làm các Dự án khó chúng tôi điều xác định “Muốn thông đường thực địa, phải thông đường trách nhiệm”. Qua đây các nhà đầu tư sẽ quyết tâm “thông đường Dự án” Hữu Nghị - Chi Lăng nhưng rất mong Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo các bên liên quan sớm tháo gỡ các vướng mắc tại dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn trước đây. Các doanh nghiệp đang cùng tham gia dự án này rất thấu hiểu và kiên định chờ đợi việc tháo gỡ các vướng mắc của nhà nước trong thời gian tới”, ông Hồ Minh Hoàng mong muốn.
Sáu ý nghĩa quan trọng của Dự án
Phát biểu chỉ đạo tại lễ khởi công Dự án Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định: đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Mục tiêu cụ thể, đến năm 2030 có 3.000km trong đó có tuyến cao tốc chiến lược Bắc - Nam phía Đông; thúc đẩy 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về hạ tầng giao thông. Dự án này là tuyến cao tốc cuối cùng của Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông”.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng hoàn thành các thủ tục đầu tư của các bộ, ngành liên quan; đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh để chuẩn bị khởi công tuyến cao tốc này, để kết nối tuyến này lên tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, kết nối 6 cặp cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng. Thủ tướng đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã mạnh dạn nhận trách nhiệm của Chính phủ giao; cảm ơn nhân dân Lạng Sơn nơi có dự án đi qua đã nhường đất cho dự án.


Thời gian tới, công việc phía trước còn nhiều vì đến 2025 phải hoàn thành thông xe dự án, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục đồng hành với UBND tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền chủ động, linh hoạt, nếu vượt thẩm quyền báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với hai tỉnh với tất cả trách nhiệm, không đùn đẩy, né tránh.
Đối với địa phương, Thủ tướng đề nghị phát huy tính tự lực, tự cường, tinh thần trách nhiệm trong điều kiện mới, hoàn cảnh mới trong thi công tuyến cao tốc này để bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, kỹ mỹ thuật, quản lý nhà nước thật tốt dự án. Đối với nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị làm đúng luật, tránh tiêu cực, lợi ích nhóm, bảo đảm việc chỉ đạo thi công đúng tiến độ, chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, tiêu chuẩn theo quy định.
Địa phương và doanh nghiệp tiếp tục chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã nhường đất cho dự án, di dời đến nơi ở mới có đời sống ít nhất bằng hoặc hơn nơi ở cũ.

Với các nhà thầu tư vấn, giám sát phải thực hiện đúng quy định của Nhà nước về tiến độ, chất lượng công trình, kỹ mỹ thuật, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường, phải hoàn nguyên sau thi công, bảo đảm môi trường sạch đẹp. Với tinh thần công việc nhiều, yêu cầu thì cao, thời gian ngắn, các nhà thầu thi công, tư vấn, giám sát thực hiện "3 ca, 4 kíp", làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết, "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương" , "chỉ bàn làm, không bàn lùi" để hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra.
Tuấn Nguyễn
Tin khác
Thanh Hóa: Triệt phá đường dây sản xuất thuốc phòng, chữa bệnh giả quy mô lớn
Quảng Ninh: Tiếp nhận hơn 4,4 tỷ đồng ủng hộ người khuyết tật và trẻ mồ côi
Bộ Công Thương sẽ xây dựng hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại
Nông sản Việt có thêm “giấy thông hành” vào Trung Quốc
Cả nước bắt đầu đón đợt nắng nóng diện rộng từ ngày mai
Dự báo giá xăng giảm tiếp trong kỳ điều hành ngày mai 17/4
Nữ sinh thủ khoa 3 lần và niềm đam mê giải quyết các vấn đề xã hội
(THPL)- Đạt hơn 28 điểm thi đại học, ít ai biết rằng cô bạn lại lựa chọn thi cả 2 khối D78 và C00, tức bao gồm 6 môn thi tổ hợp. Nguyễn Bích...15/04/2025 14:39:00Bộ Công Thương yêu cầu tăng cường quản lý chống gian lận xuất xứ hàng hóa
(THPL) - Bộ Công Thương giao Cục Xuất nhập khẩu chỉ đạo các cơ quan, tổ chức cấp C/O tăng cường công tác cấp và kiểm tra C/O, đặc biệt...16/04/2025 16:22:44Thanh Hóa: Án chung thân cho môi giới bất động sản lừa đảo hơn 81 tỷ đồng
(TH&PL) - “Nổ” có nhiều mối quan hệ quen biết rồi đưa ra những thủ đoạn gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 36 nạn nhân...16/04/2025 18:04:39Chính phủ cho ý kiến với 6 dự án luật, nghị quyết để trình Quốc hội
(THPL) - Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến đối với 06 dự án luật, nghị quyết để trình Quốc hội nhằm kịp thời thể chế hóa chủ...16/04/2025 16:19:00