18:05 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

HoREA đề xuất 3 trường hợp đánh thuế đầu cơ BĐS

06:00 14/08/2017

(THPL) - Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa kiến nghị cần đánh thuế bậc thang đối với người sở hữu nhiều nhà, đồng thời cần đánh thuế thật cao với trường hợp chuyển nhượng ngay sau khi mua.

Sau khi Bộ Tài chính có báo cáo chuyên đề về chính sách thuế đối với bất động sản, nhằm mục đích xây dựng Luật Thuế tài sản, đối tượng chịu thuế là người sở hữu nhiều nhà, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã có một số dự báo và đề xuất về vấn đề này. 

HoREA nhận định, Luật thuế tài sản có thể được nghiên cứu áp dụng đối với 3 trường hợp. Thứ nhất, chỉ đánh thuế tài sản đối với nhà đất để tạo nguồn thu ngân sách nhà nước ổn định, dài hạn, bền vững. Ví dụ, tại tiểu bang California, có nơi thu thuế tài sản nhà đất là 1,21% một năm thì trong khoảng 82 năm sẽ thu thuế được 100% giá trị tài sản nhà đất, và cứ tiếp tục nguồn thu thuế ổn định này.

Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng Luật Thuế tài sản sẽ có tác động tích cực đối với thị trường. (Ảnh minh họa)

Thứ hai, đánh thuế đối với người có nhiều nhà và đất (từ tài sản thứ 2 trở đi) để phòng chống đầu cơ và sử dụng lãng phí bất động sản. Cách làm này có thể giúp tăng nguồn cung cho thị trường, tạo thêm cơ hội cho người có nhu cầu thật tiếp cận nhà ở.

Thứ ba, trong trường hợp xuất hiện nguy cơ thị trường bất động sản sốt bong bóng, cần xem xét đánh thuế cao đối với trường hợp chuyển nhượng nhà, đất ngay sau khi mua. Có thể tính thuế ngay trong năm đầu tiên xuất hiện giao dịch kể từ lúc mua, nhằm phòng chống đầu cơ, giúp ổn định thị trường bất động sản.

HoREA đánh giá, luật thuế này sẽ nhằm mục tiêu góp phần giúp cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, minh bạch, bền vững, phòng chống đầu cơ và hạn chế tình trạng sử dụng lãng phí bất động sản. Nếu được áp dụng, sắc thuế sẽ tạo nên làn sóng dịch chuyển dòng tiền thay vì đầu tư vào bất động sản sẽ chuyển sang đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Nếu phản ứng này diễn ra sẽ tạo thêm cơ hội cho người có nhu cầu thật tiếp cận nhà ở và tăng thêm nguồn thu ngân sách nhà nước ổn định, dài hạn, bền vững. Ngoài ra, Luật thuế này còn hướng các nhà đầu tư thứ cấp đi vào lựa chọn thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thay vì kinh doanh cá thể như hiện nay.

Bên cạnh đó, HoREA cũng đề xuất nghiên cứu một số giải pháp cụ thể để xây dựng Luật Thuế tài sản. Hiệp hội cho rằng không nên thu thuế này đối với nhà ở xã hội, nhà cấp 4 trở xuống ở nông thôn, trước mắt không thu thuế này đối với nhà ở tái định cư, nhà ở thương mại có giá trị dưới 1 tỷ đồng.

Ngoài ra HoREA đề xuất không nên thu thuế này đối với các hộ gia đình nghèo dù đã có một căn nhà nhưng đang ở chật (đối với TP.HCM là dưới mức bình quân 10m2/người) nay mua thêm nhà thứ 2, thứ 3 nhưng tổng diện tích các căn hộ nhỏ này không vượt quá 77m2.

“Trong giai đoạn đầu nên áp dụng mức thuế suất vừa phải, phù hợp với sức dân. Đối với người có từ căn nhà thứ 2 trở đi thì áp dụng thuế suất bậc thang tùy theo số lượng và giá trị tài sản. Trong trường hợp xuất hiện nguy cơ thị trường bất động sản xuất hiện tình trạng “bong bóng”, đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ thẩm quyền ban hành thuế suất chống đầu cơ, đánh thuế cao đối với trường hợp chuyển nhượng nhà, đất ngay sau khi mua để giúp ổn định nhanh thị trường bất động sản”, HoREA kiến nghị.

Về lộ trình ban hành Luật Thuế tài sản, HoREA đề nghị Bộ Tài chính vẫn thực hiện lộ trình ban hành luật này trước năm 2020 như đã dự kiến trước đây. Bên cạnh đó cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin dữ liệu quốc gia, trong đó có cơ sở dữ liệu nhà, đất quốc gia, liên thông các ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và được cập nhật theo thời gian thực.

HoREA kiến nghị cần phải hoàn thành thật nhanh, thật chuẩn xác việc cấp thẻ căn cước công dân, xác định mã số định danh cá nhân, để biết rõ người đang sở hữu nhà ở, sử dụng đất ở.

Minh Hải (t/h)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu