17:02 ngày 22/12/2024 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Hiệp Hòa-Bắc Giang: “Đất tặc” lộng hành qua mặt chính quyền (kỳ I)

22:00 05/05/2017

(THPL) - Dưới danh nghĩa cải tạo, nạo vét ao hồ để nuôi trồng thủy sản, một số lượng đất màu, đất sét trắng đã bị khai thác trái phép và vận chuyển ồ ạt ra khỏi địa bàn xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Người dân xã Đông Lỗ (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) phản ánh tới tòa soạn Thương hiệu & Pháp Luật về tình trạng khai thác đất nông nghiệp dưới dự án cải tạo, nạo vét ao hồ nuôi trồng thủy sản để bán khoáng sản trục lợi.

 Núp bóng nạo vét ao hồ nuôi trồng thủy sản để bán khoáng sản trục lợi.

Gia đình bà Nguyễn Minh Nguyệt và ông Nguyễn Văn Trường (ở xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) là 2 cơ sở tư nhân đang khai thác đất với danh nghĩa là nạo vét, cải tạo lòng ao hồ.

Máy múc công xuất lớn của ông Nguyễn Văn Trường dùng để nạo vét ao, hồ.

Để có cái nhìn khách quan về vấn đề này, PV Thương hiệu & Pháp luật đã có mặt tại xã Đông Lỗ vào sáng ngày 3/5/2017. Tại đây, PV ghi nhận tình trạng gia đình bà Nguyệt và ông Trường đào bới, khai thác đất vận chuyển đi nơi khác. Mỗi hộ đều sử dụng máy xúc có công suất lớn, dàn xe tải hạng nặng dùng để chuyên chở đất ra ngoài.

Đại công trường của gia đình nhà bà Nguyễn Minh Nguyệt.

Các loại đất ở đây được phân loại rõ ràng, với các loại đất màu, đất bùn kém chất lượng thì được chở cho các nhà máy gạch trên địa bàn, còn loại đất sét trắng có giá trị thương mại cao được tách riêng kỹ càng, chở ra bến đò Phù Yên (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) để vận chuyển tiêu thụ qua đường thủy bằng tầu và các xà lan.

Bãi tập kết đất sét trắng tại bến đò.

Cung đường của dàn xe tải hạng nặng chạy qua khu dân cư đông đúc, trường tiểu học nhưng không có các biện pháp bảo vệ môi trường cơ bản như che chắn kỹ càng, tưới nước, khiến khu dân cư tại xã Đông Lỗ hàng ngày phải sống chung với bụi bặm và sự nguy hiểm rình rập bởi các đoàn xe này chạy với tốc độ nhanh.

Người dân phải tưới nước để giảm bụi bay vào nhà.

Bà H. (Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) cho biết: “Hàng ngày khi tan học, các cháu nhà tôi thường tự đi về nhà nhưng từ hồi xuất hiện các đoàn xe tải chở đất ở đây, tôi vẫn phải tự mình đến đón các cháu, vừa bụi vừa nguy hiểm”.

Bến đò Yên Ninh là nơi tập kết của các chuyến xe chở đất sét trắng.

Trên “công trường” của hộ gia đình bà Nguyệt, nhiều chỗ khai thác đã bị khoét sâu từ 4-5 mét, đặc biệt với những chỗ xuất hiện sét trắng, toàn bộ vỉa sét đã bị moi triệt để. Riêng hộ ông Nguyễn Văn Trường đã bồi đắp hẳn con đường nội đồng thành con đường to khoảng 4m để cho xe tải hặng nặng ra vào chuyên chở đất. Điều đáng nói là những điểm “nạo vét” đất nông nghiệp này chỉ cách UBND xã Đông Lỗ khoảng 2km.

PV Thương hiệu & Pháp luật làm việc với ông Lê Văn Dân - PCT UBND xã Đông Lỗ.

PV Thương hiệu & Pháp luật có buổi làm việc với ông Lê Văn Dân, Phó chủ tịch UBND xã Đông Lỗ. Ông Dân cho biết : “Hai hộ gia đình bà Nguyễn Minh Nguyệt và ông Nguyễn Văn Trường đều có giấy phép hợp lệ”.

Ông Dân cũng thừa nhận việc hai hộ gia đình đang làm có rất nhiều sai phạm. "Chính quyền đã phối hợp với Phòng Tài nguyên của huyện Hiệp Hòa kiểm tra thực trạng và cũng đã có lập biên bản xử lý và tạm dừng khai thác", ông Dân cho biết thêm. Tuy nhiên khi PV yêu cầu cung cấp các văn bản về vấn đề xử phạt và tạm dừng khai thác, vị Phó chủ tịch xã lại viện lý do "biên bản do Phòng Tài nguyên giữ", phải chăng "quả bóng" trách nhiệm đang được đẩy cho nhau tại xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang(?).

Trước tình trạng “chảy máu” tài nguyên khoáng sản trên địa phương mình một cách ồ ạt nhưng chính quyền xã Đông Lỗ lại không có biện pháp cứng rắn để ngăn chặn, phải chăng công tác quản lý đất đai tại UBND xã Đông Lỗ đang bị buông lỏng(?).

Thương hiệu & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Văn Khê

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu