07:38 ngày 25/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Hiểm họa chết người rình rập từ những trạm biến áp ở Hà Nội

08:51 13/04/2017

(THPL) - Mặc dù tại các trạm biến áp đều có biển cảnh báo, tuy nhiên thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn Hà Nội vẫn vô tư chọn các địa điểm này để mưu sinh, buôn bán, bất chấp những tai nạn, hiểm nguy chết người luôn rình rập, có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Vụ nổ trạm biến áp xảy ra trên địa bàn phường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) vào ngày 17/11/2016, làm bị thương 5 người (trong đó 2 người tử vong), đã khiến nhiều người hoang mang và thấy được sự nguy hiểm luôn rình rập với những ai thường xuyên ngồi cạnh những “trái bom nổ chậm” này.

Tiếp đến, sáng ngày 31/3/2017, nhiều người dân tại khu vực đường Hoàng Hoa Thám (Ba Đình) hốt hoảng khi một chiếc tủ điện bất ngờ phát nổ rồi bốc cháy dữ dội. Rất may vụ nổ không có thiệt hại về người.

Những vụ việc trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo với các cơ quan chức năng và người dân về mức độ an toàn của các trạm biến áp và tình trạng vi phạm an toàn hành lang lưới điện đang diễn ra khá phổ biến ở Hà Nội.

Theo quy định, đối với những trạm biến áp treo, khoảng cách tối thiểu để đảm bảo hành lang an toàn trạm điện là từ 2 - 3m. 

Một trạm biến áp ngay đầu phố Núi Trúc (quận Ba Đình) lấn chiếm hết hành lang vỉa hè, chặn cả lối đi.

Theo ghi nhận của PV Thương hiệu và Pháp luật, hiện nay, trên nhiều tuyến phố của Thủ đô, không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều người dân “vô tư” lấn chiếm, sử dụng trạm biến áp để bày bán hoa quả, hàng nước, bán vé số... Điều này là mối nguy hiểm tiềm ẩn khi các sự cố về chập điện, cháy có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Cùng với đó là hàng trăm công trình dân sinh đang nằm sát bốt điện, trạm biến áp, vi phạm quy định về khoảng cách hành lang bảo vệ an toàn trạm điện, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân xung quanh.

Người dân vô tư buôn bán ngay dưới chân các trạm biến áp, bất chấp nguy hiểm rình rập có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Theo quan sát của PV, trên tuyến đường Kim Mã (quận Ba Đình), có đến hàng chục bốt điện và nhiều trạm biến áp, cột điện to nhỏ đủ loại. Đáng lưu ý, các bốt điện hầu như đều không có rào chắn an toàn, kể cả ở những vị trí có diện tích vỉa hè rộng. Mặc cho các biển cảnh báo nguy hiểm “Cấm lại gần”, “Cấm sờ”, “Điện áp cao nguy hiểm chết người” … nhiều người vẫn bất chấp nguy hiểm, cố tình mưu sinh ngay ở khu vực sát đó.

Một quán bán nước kinh doanh ngay dưới chân trạm biến áp Thụy Điển 3, đường Kim Mã (quận Ba Đình, Hà Nội).

Dạo quanh những tuyến phố khác như: Hàng Cót, ngã tư Hàng Điếu - Bát Đàn, Phan Đình Phùng, Lý Nam Đế, Hàng Bồ (quận Hoàn Kiếm)… các trạm biến áp đa phần được đặt trên vỉa hè, từ cột đến cửa nhà dân chưa đến 1m nên đa phần bị chiếm dụng để quảng cáo hoặc kinh doanh.

Ngay dưới trạm biến áp đầu ngõ 295 phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội) là bãi trông giữ xe ô tô ngày và đêm.

Cũng trong tình trạng tương tự, các bốt điện, trạm biến áp trên đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa)… từ lâu nay cũng được người dân tận dụng làm nơi để bán bánh mì, nước giải khát, sửa xe đạp… Nhìn người bán, kẻ mua vẫn tấp nập và thản nhiên không hề lo lắng tới an toàn tính mạng của mình, dù sát đó là hình ảnh “đầu lâu xương chéo” được các nhà chức trách treo để cảnh báo nguy hiểm khiến không ít người phải giật mình.

 Mặc dù đã có biển cảnh báo nguy hiểm nhưng tại một trạm biến áp nằm trên phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội) phía dưới được người dân trưng dụng thành cửa hàng chuyên độ xe máy.

Khi được hỏi về mức độ an toàn trong việc mưu sinh ngay dưới chân các trạm biến áp, chị Hằng - một người bán hàng nước tại đây bày tỏ: “Buôn bán ở đây nhiều lúc cũng sợ cháy nổ, chập điện, nhất là khi trời mưa, sấm sét… nhưng vì miếng cơm, manh áo của gia đình nên mình đành phải “liều”. Nhiều người vẫn ghé quán tôi uống nước, họ cũng chả ngại bốt điện. Nhiều quán nước, quán ăn người ta vẫn ngồi gần cột điện, có sao đâu”.

Bốt điện trước cổng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội) bị biến thành nơi chứa đồ và bán hàng nước.

Cùng với việc nhiều người dân cố tình trưng dụng khoảng trống dưới trạm biến áp để mưu sinh, thì hàng chục trạm biến áp “án ngữ” tại nhiều khu vực đông dân cư vẫn như những “trái bom nổ chậm”, rình rập, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân khi sống gần những trạm biến áp này. Nhiều trạm biến áp nằm trong khu dân cư hiện nay không đáp ứng đủ các yêu cầu về an toàn hành lang lưới điện, các quy định về phòng, chống cháy nổ.

Những trạm biến áp "án ngữ" tại nhiều khu vực đông dân cư không còn là chuyện hiếm.

Đơn cử, trên phố Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm), một trạm biến áp rất lớn “án ngữ” ngay trước cửa số nhà 42. Hai cột điện lừng lững nằm trước cửa nhà. Hai hộp điện to, một hộp ốp dưới một chân cột điện, hộp còn lại đặt trên thanh ngang giữa hai cột điện. Các bó dây điện lớn quây kín cột điện hoặc chăng ngang trước cửa nhà. Trạm biến áp đồ sộ này che kín phần mái nhà, cửa hàng của gia đình số 42 nằm lọt giữa hai cột điện khiến nhiều người không khỏi rùng mình bởi khoảng cách rất gần giữa trụ điện và nhà ở dân sinh. Khách ra vào mua hàng để xe ngay dưới gầm trạm biến áp. Nếu xảy ra sự cố phóng điện, khi đó sẽ xảy ra hiểm họa khôn lường, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân nơi đây.

Trạm biến áp "án ngữ" ngay mặt tiền căn nhà số 42 phố Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Tại Nghị định số 106/2005/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp đã quy định rõ về khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp. Theo đó, các trạm điện không có tường, rào bao quanh, hành lang bảo vệ được giới hạn bởi không gian bao quanh trạm điện có khoảng cách an toàn là 2 - 3m với trạm công suất 22 - 35KV. Đối với trạm điện có tường hoặc hàng rào cố định bao quanh, khoảng cách an toàn là 2m với điện áp 35KV, 3m đối với điện áp 66 - 110KV, 4m đối với điện áp 220KV, 6m đối với 500KV… Nhà và công trình xây dựng gần hành lang bảo vệ an toàn của trạm điện không được xâm phạm đường ra vào, đường cấp thoát nước, hệ thống thông gió của trạm điện...

Nhiều bốt điện, trạm biến áp không bảo đảm an toàn, dây điện chằng chịt.

Trước tình trạng trên, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cần phải tăng cường kiểm tra, rà soát và có các biện pháp kiên quyết ngăn chặn, tăng mức xử phạt đối với những trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện tại các trạm biến áp, nhất là trong tiết trời giao mùa hanh khô như hiện nay. Bên cạnh đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành nghiêm các quy định của Luật Điện lực về an toàn điện, đảm bảo an toàn hành lang lưới điện, tính mạng, tài sản của người dân.

Hậu Nguyễn

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu