07:36 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Hải Phòng và bài toán an toàn thực phẩm

| 10:56 22/10/2018

(THPL) - Nổi lên như một địa danh phát triển mạnh mẽ cùng với tăng trưởng dân số, Hải Phòng cũng đang là công xưởng lớn thu hút hàng vạn lao động, tạo ra thị trường tiêu thụ thực phẩm tăng nhanh. Trước thực tế đó, nhiệm vụ đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trở nên đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, câu hỏi thị trường thực phẩm Hải Phòng đã an toàn đến mức nào vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Kết quả báo cáo năm 2017 và 9 tháng năm 2018

Theo báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về ATTP trong 9 tháng đầu năm 2018 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Y tế, Sở Công Thương Hải Phòng, hiện tại trên địa bàn thành phố có khoảng 23.458 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm các loại bao gồm: 7.794 cơ sở sản xuất, 5.549 cơ sở kinh doanh, 10.115 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Điều kiện nhà xưởng sản xuất đảm bảo, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế chế biến phù hợp không gây ô nhiễm cho sản phẩm, hồ sơ nguồn gốc nguyên liệu tương đối đầy đủ, chủ cơ sở và người lao động được khám sức khỏe đúng quy định và định kỳ, có giấy xác nhận kiến thức đảm bảo an toàn thực phẩm do cơ quan quản lý cấp. Hải Phòng đã tổ chức tổng số 489 đoàn thanh tra, kiểm tra, liên ngành, chuyên ngành với 14.490 cơ sở, phát hiện 367 cơ sở vi phạm. trong đó có 12 cơ sở bị phạt cảnh cáo và phạt tiền 355 cơ sở với số tiền 804,265 triệu đồng, đình chỉ hoạt động của 24 cơ sở.

Hải Phòng
Người lao động vẫn sử dụng thực phẩm trong may rủi. 

Công tác phổ biến pháp luật ATTP được chú trọng, năm 2017 Hải Phòng đã thực hiện được: 290 hội nghị với 19.955 người tham dự, 1.077 buổi nói chuyện, tập huấn cho 53.696 người, 12.125 lượt phát thanh, 154 lượt truyền hình, 3.319 tờ áp phích, 1.544 băng rôn, khẩu hiệu, 77 đĩa hình, 359 đĩa âm, 169 bài viết được đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng, hiệu quả thể hiện qua số cơ sở bị phạt tiền và số tiền phạt tăng cao…

Có thể thấy Hải Phòng đã có những nỗ lực không hề nhỏ trong nhiệm vụ quản lý ATTP. Tuy nhiên, khi nhắc đến những hạn chế vướng mắc trong chủ đề này thì vẫn còn vô vàn lý do dẫn đến thực trạng ATTP Hải Phòng không hề tiến bộ hơn hàng trăm địa phương khác. Điều này rõ ràng là bất xứng với thương hiệu thành phố hướng tới văn minh, hiện đại.

Trách nhiệm của cơ quan chuyên trách khi xảy ra ngộ độc thực phẩm ở đâu?

Cũng theo báo cáo tổng kết, hiện tại công tác ATTP của Hải Phòng còn tồn tại vô vàn khó khăn vướng mắc và hạn chế. Việc kiểm tra cơ sở còn bị chồng chéo giữa các ngành. Số cơ sở bị xử phạt còn thấp, mức xử lý vi phạm về ATTP chưa đủ tính răn đe. Nguồn kinh phí cho các hoạt động đảm bảo ATTP từ Trung ương, thành phố hạn hẹp nên việc triển khai công tác an toàn thực phẩm gặp khó khăn. Nhân lực và biên chế của các đơn vị giảm nhiều so với trước trong khi lượng công việc ngày một nhiều hơn, nhiều văn bản chỉ đạo đột xuất và khẩn cấp.

Sự phối hợp, vào cuộc của các Sở, ngành, địa phương trong công tác quản lý ATTP nói chung và trong công tác bảo đảm ATTP chưa thật sự chặt chẽ và hiệu quả chưa cao. Tập quán, văn hóa ẩm thực, thói quen của người dân dẫn đến việc quản lý ATTP gặp nhiều khó khăn. Còn tồn tại nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, chưa kiểm soát ATTP theo chuỗi.

Triển khai thực hiện Đề án mô hình điểm quản lý thức ăn đường phố còn chậm, lúng túng, chưa thực sự tạo chuyển biến tích cực, Tại Website của Sở, Chi cục vệ sinh ATTP chưa thường xuyên công khai các cơ sở vi phạm, chưa cập nhật và đăng tải đầy đủ các hoạt động về ATTP và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ATTP. Một số văn bản pháp luật về ATTP chưa đồng bộ, thống nhất. Chưa có hướng dẫn quy trình xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn. Sử dụng kinh phí xử phạt vi phạm ATTP chưa có hướng dẫn cụ thể…  

Đó là báo cáo trong các cuộc họp, còn trên thực tế khảo sát của phóng viên, hiện tại niềm tin của người dân đối với công tác quản lý ATTP của Hải Phòng gần như bằng không. Diễn biến một số vụ ngộ độc thực phẩm gần đây cũng cho thấy, chính người sử dụng là nạn nhân chịu thiệt hại lớn nhất (thậm chí tử vong) tiếp sau là cơ sở vi phạm ATTP bị xử phạt. Còn việc xử lý trách nhiệm đối các cơ quan quản lý liên quan thì không hề thấy nhắc đến, dù quy định trách nhiệm đối với hệ thống chuyên trách này đã được chỉ rõ trong Luật ATTP.

Cần những quyết sách và đầu tư bài bản xứng tầm cùng đô thị  phát triển văn minh hiện đại

Trên góc độ quan sát rộng, trong thời gian gần đây mỗi năm Việt Nam xảy ra gần 170 vụ ngộ độc thực phẩm đối với 5.000 người, 07 bệnh truyền qua thực phẩm làm hơn 4 triệu người mắc bệnh và khiến 123 người chết. Bệnh ung thư khiến 70.000 người chết và hơn 200.000 ca phát hiện mới (trong đó có nguyên nhân từ sử dụng thực phẩm không an toàn). Mỗi năm Việt Nam chi khoảng nửa tỷ USD để nhập khẩu khoảng 100 nghìn tấn thuốc bảo vệ thực vật, với 4.100 loại thương phẩm thuộc 1.643 hoạt chất hóa học để sản xuất thuốc trừ sâu hóa học. Nhiều loại hóa chất cấm vẫn được nhập lậu như Phospho hữu cơ, Clo hữu cơ, Wofatox, Monitos, Kelthane…

Như vậy, có thể thấy thực trạng thực phẩm bẩn hiện nay đã tới mức báo động đỏ, Hải Phòng đương nhiên trở thành  một trọng điểm lớn, bởi sự phát triển manh mẽ về tầm vóc, dân số, nhu cầu thực phẩm cùng những hạn chế quản lý ATTP như đã nêu trên, cụ thể ngắn nhất theo báo cáo năm 2017 ngộ độc thực phẩm tại Hải Phòng vẫn tăng cả về số lượng và số người mắc…    

Vẫn biết, những hạn chế trong công tác ATTP là căn bệnh trầm kha không chỉ riêng với Hải Phòng. Tuy nhiên, để người dân Hải Phòng hoàn toàn mất niềm tin vào sự kiểm soát ATTP của các cơ quan chức năng, coi những tin tức về ngộ độc thực phẩm ngay tại thành phố quê hương mình là chuyện hết sức bình thường, thì đó là câu hỏi đáng suy nghĩ dành cho các cơ quan quản lý!

Xét trên góc độ kinh tế, thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan sẽ trực tiếp đẩy một bộ phận không nhỏ người dân có mức thu nhập trung lưu tới quyết định chỉ sử dụng sản phẩm nhập ngoại, mất hẳn một thị trường thực phẩm chất lượng cao của thành phố, tổn thất không hề nhỏ đối với ngành nông nghiệp công nghệ cao mới hình thành trên địa bàn. Còn đối với đa số  người lao động thì vẫn cứ phải sử dụng thực phẩm trong may rủi. trong khi về dài hạn thì chi phí y tế từ hệ lụy thực phẩm bẩn là khoản không hề nhỏ đối với từng người dân cũng như ngân sách thành phố.

Khẩu hiệu chung kêu gọi mọi công dân trở thành những người tiêu dùng thông minh trong chủ đề ATTP là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, để xây dựng hình ảnh cho một thành phố với thương hiệu tầm cỡ phát triển, văn minh, hiện đại thì chỉ có sự thông minh của các cấp lãnh đạo thành phố mới có thể làm được. Hải phòng đã có cầu vượt biển  tiêu chuẩn quốc tế, Cảng biển tiêu chuẩn quốc tế, sản xuất ô tô tiêu chuẩn quốc tế, nghỉ dưỡng quốc tế… tóm lại là rất nhiều quốc tế. Vậy An toàn thực phẩm của Hải Phòng đang ở tầm nào qua những phân tích nêu trên?

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu