15:14 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Hà Nội nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử

| 10:53 12/01/2017

Nhằm thay đổi định kiến lâu nay của doanh nghiệp, người dân về thái độ phục vụ của các cơ quan công quyền, từ đầu năm 2016 đến nay, Hà Nội tập trung kiện toàn, sắp xếp bộ máy tinh gọn, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, đơn giản các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu xây dựng nền hành chính hiện đại, Thành phố phải tiếp tục triển khai nhiều công việc trong thời gian tới.

Người dân làm thủ tục hành chính qua mạng. Ảnh: Thành Nam

Thời gian qua, Hà Nội đặt ra những mục tiêu cụ thể trong triển khai xây dựng chính quyền điện tử, hiện đại hóa nền hành chính. Không chỉ trong lĩnh vực tư pháp, những lĩnh vực khác như đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan, giáo dục - đào tạo, quản lý đất đai, xây dựng,... cũng đang được “số hóa”, đẩy mạnh ứng dụng trực tuyến, liên thông một cửa.

Đẩy mạnh ứng dụng trực tuyến

Tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Phòng Đăng ký kinh doanh số 1 đã dành riêng một khu vực, bố trí các máy tính kết nối mạng internet và đội ngũ cán bộ trẻ trực tiếp hướng dẫn doanh nghiệp tới đăng ký. Sau khi kê khai các thông tin qua mạng tại bất cứ đâu, doanh nghiệp chỉ cần cầm hồ sơ gốc tới để đối chiếu là được nhận giấy đăng ký thành lập doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp đã sử dụng chữ ký số, thì không cần nộp hồ sơ gốc. Nhờ đó, từ chỗ chỉ có từ 1%-2% số doanh nghiệp sử dụng hình thức đăng ký qua mạng, sau một tháng, số lượng doanh nghiệp đăng ký qua mạng tăng lên khoảng 30%.

“Các phần mềm đăng ký qua mạng sau khi được chỉnh sửa đã thân thiện hơn, ngày càng thu hút doanh nghiệp sử dụng. Qua đó, giúp doanh nghiệp giảm thời gian đi lại, chờ đợi, hạn chế tình trạng quá tải tại các phòng đăng ký”, Bà Phạm Thị Kim Tuyến, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh số 1 cho biết.

Trong lĩnh vực thuế - hải quan, Hà Nội là đơn vị đầu tiên hoàn thành chỉ tiêu nộp hồ sơ kê khai qua mạng do Tổng cục Thuế giao, vượt chỉ tiêu cả về tỷ lệ và thời hạn. Cục Hải quan Hà Nội đã triển khai các thủ tục hải quan điện tử tại tất cả chi cục, với tỷ lệ tờ khai chiếm 99,5% so với tổng số tờ khai phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu...

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, một điểm mới đáng ghi nhận trong tiến trình cải cách hành chính ở Thủ đô, đó là đội ngũ lãnh đạo từ thành phố tới cơ sở đã tăng cường đối thoại, tập trung giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc, tạo sự đồng thuận giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân; kỷ luật, kỷ cương hành chính được siết chặt.

Nhằm minh bạch hóa hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và tổ chức thực hiện thủ tục hành chính, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, thành phố Hà Nội quy định định kỳ sáu tháng/lần, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã phải tổ chức đối thoại với nhân dân về thủ tục hành chính. Điều này đã được cụ thể hóa bằng Kế hoạch 181/KH-UBND tháng 9/2015 của UBND thành phố. Đến nay, việc tổ chức đối thoại định kỳ dần đi vào nền nếp. Qua đó, nhiều vấn đề người dân quan tâm, bức xúc đã kịp thời truyền tải tới các cơ quan chức năng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, xây dựng chính quyền thân thiện.

Nâng cao chất lượng thực thi công vụ

Hiện chỉ số xếp hạng cải cách hành chính của Hà Nội đứng thứ 3 trong cả nước, chỉ số năng lực cạnh tranh cải thiện qua từng năm, nhưng vẫn còn không ít doanh nghiệp, tổ chức chưa hài lòng về thái độ phục vụ, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức. Trước thực tế này, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 16 đã chọn cải cách hành chính là một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ 2015-2020, nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, bảo đảm liên thông, đồng bộ, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, Thành phố coi cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ sống còn trong giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu cao nhất là chuyển từ nền hành chính "xin - cho" sang nền hành chính “phục vụ”. Thành phố phấn đấu là địa phương đi đầu trong xây dựng chính quyền điện tử, đến năm 2020 lọt vào tốp 10 địa phương có chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh đứng đầu cả nước.

Quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trên tinh thần 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt”, công tác cải cách hành chính trên địa bàn Hà Nội đã có những bước chuyển tích cực.

Tuy nhiên, để trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về cải cách hành chính, thời gian tới, Thành phố cần tiếp tục nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đơn giản các thủ tục hành chính, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp; kiện toàn, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ; xây dựng chính quyền điện tử gắn với việc bảo đảm xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiệu quả, tiết kiệm.

Theo Thanglong.chinhphu.vn

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu