06:37 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Hà Nội có hơn 53 nghìn trường hợp F0 đang điều trị, cách ly

Phương Anh (tổng hợp) | 15:34 13/01/2022

(THPL) - Hiện toàn thành phố Hà Nội có 53.315 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly. Số ca tử vong do COVID-19 từ ngày 29/4 đến nay là 294 người.

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong 53.315 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly, thì tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương có 133 bệnh nhân, BV Đại học Y Hà Nội có 218 bệnh nhân, tại các BV của Hà Nội có 3.157 bệnh nhân, tại các cơ sở thu dung điều trị của Thành phố là 1.335 bệnh nhân, tại các cơ sở thu dung của các quận, huyện có 5.820 bệnh nhân và theo dõi, cách ly tại nhà 42.652 bệnh nhân.

Báo Chính phủ cho hay, số ca tử vong trong ngày 12/1 là 13 trường hợp, tổng số người tử vong do COVID-19 từ ngày 29/4 đến nay là 294 người. Theo số liệu từ Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cập nhật đến chiều 12/1, Hà Nội có 2.091 bệnh nhân ở mức độ trung bình, 505 bệnh nhân có diễn biến bệnh ở cấp độ nặng, nguy kịch.

Trong số các bệnh nhân nặng, nguy kịch có 443 trường hợp phải thở oxy mask, gọng kính; 18 trường hợp phải thở oxy dòng cao HFNC, 10 trường hợp thở máy không xâm lấn; 34 trường hợp thở máy xâm lấn. Đa số các bệnh nhân nặng, nguy kịch đều là người già, có nhiều bệnh nền, nằm liệt giường nên thời gian qua chưa tiếp cận được với vaccine COVID-19.

Hà Nội có hơn 53 nghìn trường hợp F0 đang điều trị, cách ly. Ảnh minh họa

Liên quan đến bệnh nhân nặng, theo báo Dân Việt, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, đã chuyển đổi công năng 100% sang điều người bệnh COVID-19 với quy mô 500 giường. "Hiện cả 500 giường thường xuyên kín bệnh nhân nặng và nguy kịch. Thời gian gần đây, bệnh viện đã quá tải. Trước đây, thứ 7, chủ nhật nhân viên được nghỉ ngơi nhưng giờ vẫn làm việc không nghỉ", ông Cấp thông tin.

Về phương án Hà Nội có nên siết chặt các hoạt động khi số ca mắc liên tục tăng nhanh, ông Cấp cho rằng "ngành y tế giống như lá chắn, chừng nào còn che chắn được an toàn cho nhân dân thì nhân dân được quyền lao động sản xuất, sống cuộc sống bình thường".

"Bao giờ vượt quá khả năng bảo vệ của ngành thì lúc đó chúng ta phải thay đổi, siết chặt các quy định về cách ly, có thể sẽ phải ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Chúng tôi mong muốn mọi người duy trì cuộc sống bình thường mới để mức độ không ảnh hưởng quá đến khả năng bảo vệ của ngành y tế. Lúc bấy giờ mọi người mới có cuộc sống bình thường, công việc, hoạt động đời sống như bình thường", ông Cấp chia sẻ.

Hiện tại các hoạt động phòng chống dịch bệnh COVID-19 như giám sát nhập cảnh, xét nghiệm, tiêm chủng, tổ chức điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung và hỗ trợ người bệnh điều trị tại nhà vẫn đang được ngành y tế thực hiện và phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.

Phương Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu