04:26 ngày 20/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Giá vàng sau Tết có thể lên 70 triệu đồng một lượng

15:03 26/01/2023

(THPL) - Sau một tuần không giao dịch, vàng miếng SJC được dự báo tăng 1-1,2 triệu đồng, còn vàng nhẫn tăng 400.000-500.000 đồng để bù lại chênh lệch so với giá thế giới.

Trong phiên giao dịch trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) nâng giá bán vàng miếng lên 67,9 triệu đồng mỗi lượng và mua vào 66,9 triệu đồng - cao nhất trong vòng nửa năm qua. Giá vàng nhẫn loại 1-5 chỉ được bán ra 55,6 triệu đồng và mua vào 54,6 triệu đồng một lượng.

Trên thị trường thế giới, theo dữ liệu của Kitco, vàng giao ngay hiện ở mức 1.945 USD một ounce, cao hơn khoảng 32 USD so với mức mà SJC và các hệ thống kinh doanh vàng lấy làm căn cứ điều chỉnh giá trong phiên giao dịch cuối trước đợt nghỉ Tết. Giá thế giới đang tăng nhanh trước những dự báo của giới phân tích về dữ liệu tăng trưởng quý IV/2022 của Mỹ được công bố vào hôm nay và khả năng giảm bước tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại cuộc họp chính sách cuối tháng này.

Trước diễn biến trên, các chuyên gia và tiểu thương dự báo giá vàng SJC lẫn nhẫn trơn sẽ nhảy vọt khi giao dịch trở lại sau Tết.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ, cho rằng để bù lại khoảng chênh lệch với thế giới, các hệ thống kim hoàn sẽ nâng mỗi lượng vàng miếng thêm khoảng 1-1,2 triệu đồng lên 69 triệu đồng trong ngày mồng 6 Tết. Nếu giá thế giới nối dài chuỗi đi lên, nhiều khả năng vàng miếng sẽ được đẩy lên 70 triệu - vùng giá cao nhất kể từ giữa tháng 5/2022.

Đối với vàng nhẫn, giá thường điều chỉnh ít hơn nên có thể nhích khoảng 400.000-500.000 đồng để cán mốc 56 triệu đồng.

"Vàng thế giới tuần qua biến động rất mạnh, có lúc lên gần 1.950 USD một ounce và lập đỉnh 9 tháng nên kịch bản giá SJC dậy sóng sau Tết gần như không thể tránh khỏi", ông Hải nói.

Vàng miếng SJC giao dịch tại một cửa hàng ở quận Bình Thạnh, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Ngoài đi lên theo đà thế giới, ông Hải cho rằng cũng có nhiều yếu tố nội tại tác động đến thị trường kim loại quý trong nước. Yếu tố ngắn hạn là ngày vía Thần Tài (mùng 10 âm lịch) sắp đến sẽ kích thích nhu cầu mua vàng của người dân, đặc biệt là nhóm trung lưu và dưới trung lưu mua các loại nhẫn trơn 0,5-1 chỉ để cầu may.

Còn lại yếu tố trung và dài hạn là người dân chọn vàng như một kênh trú ẩn an toàn (bên cạnh tiền gửi tiết kiệm) khi hiệu suất của các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, tài sản kỹ thuật số trong năm 2022 kém và triển vọng năm nay chưa tươi sáng. Yếu tố này cũng được Ngân hàng Standard Chartered đề cập trong báo cáo Wealth Expectancy, với 57% người Việt Nam cho biết sẽ rót tiền vào vàng trong năm nay để đối phó với lạm phát, vượt xa tỷ lệ nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu và trái phiếu.

Đồng quan điểm với ông Hải, chủ một tiệm vàng ở quận 8 (TP HCM) cho rằng vía Thần Tài và tâm lý quay lại các kênh giữ tiền truyền thống sẽ làm tăng nhịp độ điều chỉnh giá lên trong những ngày sau Tết.

Vị này cho hay sức mua vàng nhẫn trong ba ngày đầu năm chưa lớn nhưng đã cải thiện đáng kể so với giai đoạn giáp Tết. Các tiệm hoạt động xuyên Tết đang bán mỗi lượng nhẫn trơn 54,9 triệu đồng và mua vào 53,9 triệu đồng, thấp hơn giá niêm yết trước Tết của SJC khoảng 700.000 đồng.

"Vàng nhẫn chắc chắn tăng ngay sau Tết", vị này khẳng định.

Tuy nhiên, ông cho rằng để các tiệm quy mô nhỏ tăng gần 1 triệu đồng và thiết lập vùng giá 56 triệu đồng cho vàng nhẫn, tương đương 57 triệu đồng tại hệ thống SJC, không phải điều đơn giản. Kịch bản này chỉ xảy ra khi có một trong hai điều kiện là giá thế giới biến động bất thường trong thời gian ngắn hoặc có bên mua đầu cơ đột biến để chờ chốt lời ngày vía Thần Tài.

T.H

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu