09:01 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Gia tăng tình trạng buôn bán phân bón giả, kém chất lượng

Tuấn Minh (t/h) | 09:39 24/08/2022

(THPL) - Việc gian lận trong sản xuất, kinh doanh phân bón ngày càng diễn biến phức tạp. Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường tiềm ẩn nhiều hệ lụy, gây thiệt hại cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và bà con nông dân.

Tại Kiên Giang, trong tháng 7/2022, lực lượng QLTT kiểm tra 85 vụ, phát hiện 15 vụ vi phạm, xử lý 29 vụ vi phạm hành chính; thu nộp ngân sách gần 1,1 tỷ đồng; trong đó, nổi bật là tình trạng buôn bán hàng giả, đặc biệt là các mặt hàng phân bón và vật tư nông nghiệp.

Theo Cục Quản lý thị trường Kiên Giang, trong số các vụ việc vi phạm về buôn bán phân bón giả có 2 vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại công ty TNHH MTV C.H.G có địa chỉ tại huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang và hộ kinh doanh B.P có địa chỉ tại huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang.

Cả hai vụ việc đều đã trình Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo TTXVN đưa tin, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả thời gian gần đây trở nên phức tạp là vì giá phân bón tăng mạnh do nguồn cung giảm đột ngột, khiến một số đối tượng xấu lợi dụng tình hình để sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc nhằm thu lợi bất chính.

Gia tăng tình trạng buôn bán phân bón giả, kém chất lượng. Ảnh: Internet

Nhằm tăng cường hơn nữa việc đấu tranh, xử lý hành vi kinh doanh phân bón giả, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn, giám sát thu thập thông tin, theo dõi các biến động và kiểm tra trọng điểm mặt hàng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật theo tinh thần Công văn số 129/TCQLTT-CNV ngày 26/1/2022 của Tổng cục Quản lý thị trường.

Đồng thời, cảnh báo đến người tiêu dùng, nhà sản xuất điều chỉnh lựa chọn hàng hóa khi mua, sắm và đặc biệt quan tâm đến chất lượng khi đưa hàng hóa lưu thông trên thị trường. Người dân nên chọn mua phân bón tại những cơ sở uy tín, mặt hàng có thương hiệu, bao bì rõ ràng.

Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, chỉ tính riêng ngành nông nghiệp mỗi năm thiệt hại 2,5 tỉ USD vì nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Đứng trước lợi nhuận lớn, các cơ sở sản xuất phân bón kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ xuất hiện tràn lan, cùng với hàng trăm đại lý phân phối tiếp tay cho phân bón giả đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người nông dân.

Theo ước tính của Hiệp hội Phân bón VN, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn phân bón và hơn 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật các loại, với gần 21.000 sản phẩm phân bón; 400 hoạt chất đơn, hàng nghìn hoạt chất hỗn hợp và khoảng 4.000 tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng.

Tuy nhiên, việc phân biệt phân bón thật hay giả là rất khó bởi chỉ khi sử dụng phân bón sau vài tháng, người nông dân mới có thể biết hàng giả, hàng thật thông qua năng suất của cây trồng. Điều này khiến người tiêu dùng rất khó lựa chọn cũng như phân biệt đâu là hàng thật đâu là hàng giả.

Liên quan đến tình trạng phân bón giả, báo Kinh tế & Đô thị đưa tin, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho hay: Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng trong đó quy định các hành vi sản xuất buôn bán hàng giả bị xử phạt hành chính. Mức xử phạt cao nhất là phạt tiền lên đến 200 triệu đồng.

Ngoài ra, cá nhân tổ chức có hành vi sản xuất buôn bán hàng giả là phân bón còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi” theo Điều 195 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội này gồm: Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30 triệu đồng, hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 196 và 200 của Bộ luật Hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên; thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên.

Tuấn Minh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu