21:03 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Giá dầu vượt ngưỡng 100 USD/thùng trước tình hình căng thẳng Nga - Ukraine

21:26 24/02/2022

(THPL) - Trưa ngày 24/2, giá dầu Brent đã vượt ngưỡng 100 USD/thùng, mức kỉ lục kể từ năm 2014. Nguyên nhân được cho là do thông tin Nga phát động một chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và các báo cáo về các vụ nổ ở Kiev.

Giá dầu đã tăng 5% sau tin tức về hoạt động quân sự của Nga. Đã có lúc giá dầu Brent giao sau có thời điểm vượt mức 102 USD mỗi thùng trước khi giảm nhẹ về mức 101 USD. Trong khi đó, giá dầu WTI cũng tăng gần 5%, lên mức gần 97 USD mỗi thùng.

Giá khí đốt tự nhiên tăng 4,7%. Vàng giao ngay, theo truyền thống được coi là tài sản trú ẩn an toàn cũng tăng 1,82% và giao dịch ở mức 1.942,26 USD/lượng. Như vậy, vàng đã đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2021. Đồng USD và yên cũng tăng, trong khi đồng rouble giảm giá 1%.

Thị trường chứng khoán Á đồng loạt giảm điểm. Kết thúc phiên sáng 24/2, Nikkei 225 giảm hơn 1% và đang giảm hơn 2% trong phiên chiều. Chỉ số Hang Seng đóng cửa phiên sáng với mức giảm 3% và đà lao dốc tiếp tục duy trì trong phiên chiều. Chỉ số chính các thị trường khác tại Hàn Quốc, Australia cũng đồng loạt giảm từ 2-3%.

Ảnh minh họa.

Theo các nhà phân tích, giá dầu tăng sốc sau tin tức về hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine. Hôm qua, Ukraine đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Sáng sớm hôm nay (24/2), trong một bài phát biểu trước công chúng, Tổng thống Nga Putin tuyên bố Nga sẽ thực hiện một "chiến dịch quân sự đặc biệt" nhằm "phi quân sự hóa và xóa bỏ chủ nghĩa phát xít ở Ukraine".

Chuyên trang tài chính Bloomberg ghi nhận, giá cả của mọi thứ, từ dầu mỏ, ngũ cốc đến kim loại đã tăng lên do lo ngại rằng dòng chảy hàng hóa sẽ bị gián đoạn do cuộc khủng hoảng Ukraine. Điều đó báo trước những thách thức mới cho sự phục hồi toàn cầu vốn đã phải vật lộn với áp lực giá cả tăng cao và chính sách tiền tệ thắt chặt.

Chiến lược gia thị trường cấp cao tại BNY Mellon Investment Management - Lale Akoner - cho rằng dự báo biến động sẽ thực sự kéo dài trong vài tháng tới. Bà Lale Akoner nhận xét rủi ro địa chính trị đang bùng phát vào một "thời điểm rất không thích hợp" vì thị trường đang vật lộn với các biện pháp kích thích phục hồi sau suy thoái.

Các thị trường tài sản đã chứng kiến sự biến động tăng mạnh khi cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc, với Chỉ số Biến động Cboe, được gọi là thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall, tăng hơn 55% trong 9 ngày qua.

Trước đó, kết phiên giao dịch hôm qua, S&P 500 giảm 1,8% xuống còn hơn 4.225 điểm. Dow Jones mất gần 465 điểm còn 33.130 điểm. Trong khi đó, Nasdaq sụt 2,6% về 13.037 điểm. Cả hai chỉ số Dow Jones và Nasdaq đều đã giảm phiên thứ năm liên tiếp, trong khi S&P 500 ghi nhận chuỗi giảm bốn ngày qua.

Lãi suất kỳ hạn 10 năm của trái phiếu Mỹ cũng giảm mạnh xuống 1,8681% so với mức đóng cửa 1,977% của Mỹ ngày 23/2. Lợi suất kỳ hạn 2 năm cũng giảm xuống 1,5% so với mức đóng cửa 1,6%.

Theo giới phân tích quốc tế, nếu tình hình Ukraine tiếp tục trở nên căng thẳng hơn sẽ kích hoạt làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán. Giới đầu tư sẽ đổ xô vào các tài sản an toàn như vàng. Giá dầu cũng sẽ tăng vọt, thậm chí lên mức 150 USD/thùng.

Xung đột vũ trang không chỉ gây rủi ro đến các cơ sở vật chất của ngành khai thác, lọc hóa dầu mà còn khiến nguồn cung bị thắt chặt hơn nếu Nga đáp trả các lệnh trừng phạt bằng cách "khóa van" dầu.

Châu Âu nơi nhập 25% dầu mỏ và 40% khí đốt của Nga sẽ ảnh hưởng nặng nề nếu Kremlin cắt nguồn cung 3 triệu thùng dầu/ngày cho khu vực này.

Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất dầu khí quốc tế, việc giá dầu tiếp tục tăng cao cũng sẽ giáng đòn mạnh vào tăng trưởng kinh tế ở nhiều nước châu Á, nơi chiếm khoảng 35% lượng tiêu thụ dầu trên toàn cầu nhưng chỉ cung cấp khoảng 8% sản lượng.

Lưu Kỳ (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu