08:41 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Gặp nghệ nhân Quách Văn Hiểu – Người giữ tinh hoa cho nghề đậu bạc

| 10:26 01/01/2017

(THPL) – Nghề đậu bạc làng Định Công từng nức tiếng vượt khỏi ranh giới quốc gia, thế nhưng ngày nay, làng nghề này đang ngày càng mai một khi lớp trẻ không còn mặn mà với nghề cổ truyền. Nghệ nhân Quách Văn Hiểu là một trong số ít những người còn lưu giữ những tinh hoa của nghề.

Nói đến 4 nghề tinh hoa nhất kinh thành Thăng Long xưa, người ta thường lưu truyền câu nói “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã”. Trong đó, nghề kim hoàn ở Định Công có lịch sử lâu đời nhất (hơn 1.000 năm) nhưng lại là nghề ít được biết đến và đang ngày càng mai một.

Có nhiều làng làm nghề kim hoàn nhưng nghề kim hoàn của Ðịnh Công có nét riêng độc đáo. Nếu như làng kim hoàn Ðồng Xâm (Thái Bình), Ðại Bái (Bắc Ninh) chủ yếu lấy kỹ thuật chạm trổ các hình vẽ, hoa văn, hoạ tiết trên mặt đồ trang sức, mỹ nghệ, thì người làng Ðịnh Công lại sử dụng kỹ thuật “đậu”. Ðó là kéo vàng, bạc thành những sợi có kích thước khác nhau, có thể to như đầu đũa hoặc mảnh như sợi tóc. Chỉ vàng, chỉ bạc sau khi kéo xong được xoắn vào nhau như bện thừng rồi mới làm thành các hoa văn, hoạ tiết hoặc uốn thành các mẫu rồng, phượng, hoa lá..., gắn thành sản phẩm.

Kỹ thuật “đậu” cũng làm ra những hạt vàng, hạt bạc nhỏ li ti rồi dùng vẩy hàn gắn kết lại với nhau thành sản phẩm. Trong những kỹ thuật làm kim hoàn thì kỹ thuật làm “đậu” được giới trong nghề đánh giá cao và đòi hỏi công phu nhất. Sở dĩ như vậy, bởi làm theo phương pháp này không chỉ đòi hỏi sự khéo léo mà còn phải rất kiên trì, tỉ mẩn. Có lẽ thợ kim hoàn Ðịnh Công với tay nghề cao đã nổi tiếng khắp gần xa cũng bởi kỹ thuật làm “đậu” khi chế tác vàng bạc này.

Người “giữ lửa” cho làng nghề đậu bạc truyền thống

Nghệ nhân Quách Văn Hiểu là người hiện đang hàng ngày hương khói cho ngôi đền thờ tổ và duy trì những tinh hoa của nghề đậu bạc làng Định Công.

Từ năm lên 8 tuổi, cậu học trò Quách Văn Hiểu cùng với 4 người em của mình đã được cha mẹ truyền lại những ngón “độc chiêu” của thợ đậu bạc Định Công. Từ khâu nấu bạc, kéo chỉ bạc, nấu hàn the, làm trơ đến làm những hình thù con bướm cái hoa hay những sợi dây chuyền xà tích bạc, rồi không biết từ bao giờ nghề đậu bạc ngấm vào máu thịt.

Nghệ nhân Quách Văn Hiểu đang chế tác sản phẩm. Ảnh: VnTravellive.

Nghệ nhân Quách Văn Hiểu say sưa kể về nghề: “Từ một khối bạc, anh thợ đậu phải nung chảy trên ngọn lửa đèn xì đến cả ngàn độ, sau đó bạc nguội được nung đỏ rồi cho vào những chiếc khuôn kéo sợi gọi là thão.

Qua công đoạn này những khối bạc nóng chảy được gò thành những sợi bạc mảnh còn hơn cả dây đàn ghita. Những sợi bạc này đựơc phân thành những loại chỉ khác nhau gồm chỉ xe (2 sợi), chỉ trơn, chỉ cánh và chỉ nghiễn nhỏ nhất. Loại chỉ nghiễn này bây giờ thợ đậu bạc không còn dùng nữa”.

Bây giờ có máy cán bạc hỗ trợ, người thợ đậu bạc cũng đỡ phần vất vả hơn. Tuy vậy, trong xưởng bạn của nghệ nhân Quách Văn Hiểu, những chiếc thão cổ truyền vẫn được sử dụng, bởi theo anh máy cán bạc không thể cho những cỡ chỉ như ý muốn.

Nghệ nhân Quách Văn Hiểu cầm trên tay sản phẩm chế tác của mình. Ảnh: Lao động.

Từ năm 1993, sau khi nghỉ việc ở công ty vàng bạc đá quý, anh thợ bậc 7 Quách Văn Hiểu mới có thời gian chuyên tâm cho nghề đậu bạc hơn.

Ông nhận và thực hiện những đơn hàng với yêu cầu khắt khe của khách, trong đó có những sản phẩm khác như lẵng hoa, cốc chén và những đồ mỹ nghệ cỡ lớn hơn những sản phẩm nữ trang truyền thống. Từ sản phẩm theo đơn đặt hàng, ông đã nảy ra được ý tưởng táo bạo, kết hợp những kinh nghiệm học được với những sản phẩm theo thị hiếu khách hàng.




Các sản phẩm chế tác tỉ mỉ, tinh xảo của nghệ nhân Quách Văn Hiểu. Ảnh: Vntravellive.

Những sự mạnh dạn đó đã mang lại cho nghệ nhân Quách Văn Hiểu 2 huy chương vàng trong 2 cuộc triển lãm mỹ thuật ứng dụng với tác phẩm Tú cầu hoa đậu (2004) và Hộp quạt Xuân hương (2009). Ngoài ra, chiếc làn bạc của anh cũng được chọn làm sản phẩm đại diện của Việt Nam trong những cuộc triển lãm cấp khu vực Đông Nam Á.

Làng nghề đậu bạc ngày càng mai một

Ðã có một thời thợ kim hoàn làng Ðịnh Công làm không hết việc. Nhưng khi chuyển sang kinh tế thị trường, lửa nghề Ðịnh Công chao đảo. Sản phẩm làm ra tiêu thụ chật vật, tiền công thấp không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống. Vì vậy lớp thanh niên không còn mấy người ham thích nghề cha ông để lại, mà chuyển làm những công việc có thu nhập cao hơn. Rồi cơn lốc đô thị hoá thổi đến, người làng đua nhau bán đất, chuyển từ nghề kim hoàn sang kinh doanh quần áo, những dụng cụ làm nghề đã có hàng trăm năm được xếp xó.

Nghệ nhân Quách Văn Hiểu cho biết: “Ngày ấy, nguyên liệu khan hiếm, không có bạc, thợ bạc phải chuyển sang đậu đồng tốn công, giá sản phẩm lại thấp nên người ta bỏ nghề nhiều lắm. Cho đến bây giờ những người Định Công còn giữ được nghề, nhất là lớp trẻ không còn mấy ai”.

Từ năm 14 tuổi quách Văn Hiểu đã là một thợ cả, cầm tay chỉ việc cho anh em học thợ trong làng. Nay ông lại đang làm cái việc tìm và tuyển lựa những thanh niên còn yêu thích nghề đậu của cha ông truyền lại. Nhiều người thợ do chính nghệ nhân Hiểu đào tạo đang làm việc tại cơ sở sản xuất của gia đình và gian hàng của làng nghề đậu bạc Định Công tại Khu du lịch Thiên đường Bảo Sơn. Tại cơ sở kim hoàn của gia đình cũng luôn chào đón những thanh niên yêu nghề theo học miễn phí.

Những người thợ đậu bạc được nghệ nhân Quách Văn Hiểu truyền nghề. Ảnh: TTVH.

Tuy nhiên những người Định Công theo học nghề đậu bạc tìm mỏi mắt vẫn chẳng thấy đâu, người học nghề chủ yếu đến từ Thái Bình, Hưng Yên, Thanh Hóa.. Điều đang làm “đau đầu” nghệ nhân Hiểu là rồi đây, sau thế hệ của anh, và con trai cả Quách Tuấn Tú thì ở cái nôi khởi phát của nghề đậu bạc này ai sẽ kế nghiệp nghề kim hoàn ông cha?

Bài toán làm sao để tạo ra một thị trường hấp dẫn cho các sản phẩm đậu bạc, cùng việc phát triển đội ngũ thợ kim hoàn kế cận xem ra vẫn còn cần lời giải. Trong khi đó, nghề đậu bạc nức tiếng kinh thành Thăng Long xưa đang dần biến mất.

Trần Thế Vinh 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu