20:28 ngày 21/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

EVN nợ "khủng" hơn 486 nghìn tỷ đồng sẽ tạo áp lực tăng giá điện?

| 20:50 13/07/2017

(THPL) - EVN đang nợ đến 486.981 tỷ đồng nhưng cơ quan kiểm toán cho rằng tập đoàn này vẫn “còn có khoản nợ tiềm tàng khác”.

Theo kết quả kiểm toán do Công ty Deloitte thực hiện, kết thúc năm tài chính 2016, tổng tài sản của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) là trên 692.216 tỷ đồng, tăng trên 51.000 tỷ đồng so với đầu năm.

Tuy nhiên, số nợ phải trả lên tới trên 486.981 tỷ, tăng trên 32.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn là 121.192 tỷ, nợ dài hạn lên đến khoảng 365.788 tỷ đồng (tăng trên 31.000 tỷ đồng so cùng kỳ năm trước), báo Tuổi trẻ đưa tin.

Theo đơn vị kiểm toán, EVN còn khoản nợ tiềm tàng khác. Ảnh minh họa

Đáng chú ý là kết luận của kiểm toán Delotte nhấn mạnh rằng: Tại ngày 31/12/2016, tập đoàn còn có khoản nợ tiềm tàng khác.

Chưa có bất kỳ sự điều chỉnh nào trên báo cáo tài chính hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2016 liên quan đến các khoản công nợ tiềm tàng này, do giá trị của các nghĩa vụ nợ này không được xác định một cách đáng tin cậy.

Điều đó có nghĩa là nếu được tính vào cả khoản nợ này thì số tiền nợ của EVN phải lớn hơn so với con số đã công bố ở trên.

Hiện áp lực tăng giá điện trong năm 2017 đang đè nặng bởi theo EVN, các chi phí đầu vào đang tăng, đặc biệt là giá than, cộng với khoản lỗ chênh lệch tỉ giá còn “treo” lại chưa được hạch toán vào giá thành.

Hồi tháng 4 năm nay, EVN cho biết, việc biến động chi phí đầu vào (giá than, dầu...) đang làm tập đoàn tăng chi phí sản xuất kinh doanh thêm 7.200 tỷ đồng trong năm nay.

Theo EVN, tập đoàn này đã đặt ra một loạt các giải pháp giảm chi phí sản xuất để giảm gần 3.000 tỷ đồng so với kế hoạch đầu năm.

Như vậy, vẫn còn một khoản 4.200 tỷ đồng biến động chi phí đầu vào đang treo trên đầu giá điện, cùng với khoản chênh lệch tỷ giá chưa phân bổ hết của những năm vừa qua.

Với khoản nợ "khủng" nói trên, cùng với thông tin về chi phí đội thêm của EVN, "kịch bản" tăng giá điện có thể được đặt ra.

EVN đã tiết giảm được gần 3.000 tỷ đồng, nhưng để thuận lợi trong đầu tư, Tập đoàn này kiến nghị Thủ tướng xem xét phê duyệt cơ chế đặc thù để quản lý, thực hiện các dự án điện cấp bách.

Tập đoàn này cũng đã kiến nghị Chính phủ chấp thuận cho tập đoàn này và các đơn vị thành viên không phải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mà được lập ngay Báo cáo nghiên cứu khả thi để quyết định đầu tư đối với các dự án điện nhóm A đã nằm trong Quy hoạch phát triển điện lực. 

Hoàng Quỳnh (T/h)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu