13:39 ngày 26/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Dự thảo Nghị định 67/2013/NĐ-CP: Bất cập trong việc cấp tem thuốc lá có thu tiền

10:00 13/01/2017

(THPL) - Vừa qua, Bộ Tài Chính có đề xuất trong Dự thảo Nghị định 67/2013/NĐ – CP sửa đổi, theo đó, yêu cầu cấp tem thuốc lá có thu tiền và giao Bộ Tài chính quyết định giá bán tem. Tuy nhiên, không chỉ có việc cấp tem thuốc lá có thu tiền, mà còn nhiều nội dung khác trong Dự thảo đang có những bất cập cần xem xét lại.

Nhiều điều, khoản cần xem xét lại

Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, Nghị định 67/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (LPCTHTL) đã giúp các doanh nghiệp tự chủ và có ý thức hơn trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong kinh doanh. Nhưng Hiệp hội cũng chỉ ra những bất cập trong Dự thảo, ví dụ tại khoản 3, 4, Điều 3, Dự thảo quy định: “sợi thuốc lá” và “thuốc lá sợi” đều là sản phẩm. Việc quy định như vậy đã gây ra sự hiểu lầm là cả 2 sản phẩm này đều được bán cho người tiêu dùng để sử dụng trực tiếp và đều bị áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhưng thực tế không phải vậy, bởi “sợi thuốc lá” chỉ là nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm thuốc lá thay vì là sản phẩm thuốc lá hoàn thiện. Điều này cần sửa “sợi thuốc lá” thành “nguyên liệu thuốc lá” và như vậy sẽ không bị áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt (Theo LPCTHTL “Nguyên liệu thuốc lá là lá thuốc lá dưới dạng rời, tấm đã sơ chế tách cọng, sợi thuốc lá, cọng thuốc lá và nguyên liệu thay thế khác dùng để sản xuất thuốc lá.”).

Tại Điều 20 của Dự thảo quy định: “Đến năm 2017 sản lượng các sản phẩm thuốc lá do doanh nghiệp sản xuất được quy đổi ra thuốc lá điếu (loại 20 điếu/bao) phải đạt từ 100 triệu bao/năm trở lên (gồm sản lượng sản xuất tiêu thụ trong nước và xuất khẩu), trường hợp không đạt được sản lượng trên sẽ phải chuyển đổi ngành nghề sản xuất, kinh doanh hoặc sáp nhập với doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá khác”. 

Trước việc phải tuân thủ theo LPCTHTL, Thuế Tiêu thụ đặc biệt tăng cao, thuốc lá nhập lậu gia tăng, làm suy giảm khả năng tiêu thụ thuốc lá điếu của các đơn vị sản xuất thuốc lá trong nước. Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất thuốc lá điếu thuộc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam cũng vừa mới thực hiện Đề án tái cơ cấu theo Quyết định 166/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phải cấu trúc lại toàn bộ hoạt động đơn vị. Và như vậy, vừa mới chân ướt, chân ráo ổn định được hoạt động thì năm 2017 lại phải cấu trúc tiếp, lại xáo trộn tất cả. Những khó khăn đó làm cho doanh nghiệp sản xuất thuốc lá không đủ thời gian để củng cố nguồn lực, củng cố sức mạnh, dẫn đến khó thực hiện được tiêu chuẩn 100 triệu bao/năm vào năm 2017. Vậy nên chăng cần lùi thời hạn phù hợp là đến năm 2020 và cần bổ sung sản lượng sản phẩm “gia công” cũng được tính trong mức 100 triệu bao.

Đối với việc thực hiện phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, đề nghị sửa đổi thành “Thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả, thuốc lá không đảm bảo chất lượng theo quy định đều bị tịch thu để tiêu hủy” thay vì chỉ quy định “thuốc lá giả, thuốc lá không đảm bảo chất lượng theo quy định đều bị tịch thu để tiêu hủy. Thuốc lá lậu bị tịch thu và xử lý theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.”.  Việc đề nghị thiêu hủy thuốc lá nhập lậu như trên vừa phù hợp với quy định cam kết quốc tế của Việt Nam, lại vừa phù hợp Khoản 5, Điều 26 LPCTHTL (yêu cầu Chính phủ phải quy định hướng dẫn xử lý thuốc lá lậu mà không được ủy quyền lại, vì vậy, việc tiêu hủy thuốc lá nhập lậu cần được quy định ngay tại Nghị định này). Ngoài ra, việc thiêu hủy cũng ngăn chặn được tình trạng quay trở lại Việt Nam của thuốc lá lậu được tái xuất. Bổ sung Điều 36 “Quản lý nhập khẩu nguyên liệu thuốc lá, giấy cuốn điếu thuốc lá”, theo đó cần bổ sung thêm quy định doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá mới được phép nhập khẩu nguyên liệu thuốc lá, để chế biến nguyên liệu thuốc lá xuất khẩu hoặc gia công chế biến nguyên liệu thuốc lá xuất khẩu. Việc này tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất sản phẩm thuốc lá có thể chủ động chế biến, gia công nguyên liệu để xuất khẩu nhằm tăng thu ngoại tệ, tạo thêm công ăn việc làm và tận dụng máy móc hiện có.

Cấp tem thu tiền có đúng luật?

Mục đích chính của việc cấp tem thuốc lá là để quản lý nhà nước, quản lý hoạt động thu thuế. Theo Điều 3.2 Luật này “ Lệ phí là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong Danh mục lệ phí ban hành kèm theo Luật này.”. Tuy nhiên, tiền cấp tem thuốc lá không thuộc bất kỳ hạng mục nào trong danh mục phí, lệ phí (được phép thu) ban hành kèm theo Luật này. Tại Điều Khoản 1 Điều 16 Luật này đã nghiêm cấm:“Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức, cá nhân tự đặt và thu các loại phí, lệ phí”. Như vậy, đề xuất của Bộ Tài chính vừa dán tem, vừa ban hành giá tem là “vừa đá bóng, vừa thổi còi” mà chẳng có căn cứ pháp lý nào, thậm chí đây cũng không phải là dịch vụ công, không phải do doanh nghiệp đề nghị.

Cần xem xét lại tính pháp lý của việc thu tiền cấp tem thuốc lá

 

Bộ Tài chính cũng đưa ra nhiều lý do đề nghị thu tiền cấp tem thuốc lá như để công bằng và đồng bộ giữa các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; tem thuốc lá đã trở thành thương hiệu của ngành sản xuất thuốc lá và có tác dụng quảng cáo cho ngành sản xuất, kinh doanh thuốc lá Việt Nam. Do cơ chế cấp tem thuốc lá không thu tiền nên ngành sản xuất, kinh doanh thuốc lá Việt Nam đang được hưởng lợi vì được quảng cáo miễn phí và không tốn chi phí xây dựng thương hiệu tem thuốc lá. Thêm nữa, việc dán tem thuốc lá nhằm giúp người tiêu dùng phân biệt thuốc lá lậu và thuốc lá hợp pháp. Nhưng thực tế, trên 50% diện tích vỏ bao thuốc lá hợp pháp đã in hình cảnh báo tác hại sức khỏe từ thuốc lá, còn thuốc lá lậu thì không in hình cảnh báo sức khỏe. Và đó mới là dấu hiệu dễ nhận biết nhất chứ không phải là từ cái tem...

Hiện nay và trong thời gian tới, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc lá trong nước phải “cõng” nhiều khoản chi cũng như chịu rất nhiều sức ép từ xã hội, từ sự cạnh tranh trên thương trường với thuốc lá nhập lậu. Việc tuân thủ pháp luật về kinh doanh thuốc lá là rất quan trọng và cần thiết, song việc xây dựng các điều, khoản của Nghị định phải phù hợp với tình hình thực tế sản xuất trong nước, đúng với các quy định chung của pháp luật, nếu không sẽ có tác dụng ngược và tạo môi trường thuận lợi cho thuốc lá nhập lậu chiếm lĩnh thị trường./.  

Ngọc Duyên 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu