02:38 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi): Chặn rửa tiền qua tiền ảo, tài sản ảo

Mai Anh (t/h) | 11:21 08/09/2022

(THPL) - Tiếp tục chương trình hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, chiều 7/9, các đại biểu tập trung thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Theo dự thảo Luật, cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch liên quan đến rửa tiền được xác định từ việc xem xét, thu thập và phân tích thông tin khi khách hàng, giao dịch có một hoặc nhiều dấu hiệu đáng ngờ. Trong dự thảo Luật, từ Điều 27 - Điều 33 đã quy định rõ các dấu hiệu đáng ngờ.

Cụ thể theo dự thảo Luật, các dấu hiệu đáng ngờ cơ bản như: Cung cấp thông tin nhận biết khách hàng không chính xác, không đầy đủ, không nhất quán; các giao dịch được thực hiện theo lệnh hoặc theo uỷ quyền của tổ chức, cá nhân có trong danh sách cảnh báo; Các tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch với số tiền lớn không phù hợp với thu nhập, hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân này; Các giao dịch được thực hiện theo lệnh hoặc theo uỷ quyền của tổ chức, cá nhân có trong danh sách cảnh báo…

Theo báo Lao động, Dự thảo cũng quy định cụ thể trong những dấu hiệu đáng ngờ trong từng lĩnh vực. Như với lĩnh vực ngân hàng, có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên tài khoản; các giao dịch chuyển tiền có giá trị nhỏ từ nhiều tài khoản khác nhau về một tài khoản hoặc ngược lại trong một thời gian ngắn; tài khoản của khách hàng không giao dịch trên một năm, giao dịch trở lại mà không có lý do hợp lý…

Hay như trong lĩnh vực chứng khoán, việc giao dịch mua, bán chứng khoán có dấu hiệu bất thường trong một ngày; Khách hàng đầu tư bất thường vào nhiều loại chứng khoán không có lợi trong khoảng thời gian ngắn… được xem là các dấu hiệu đáng ngờ.

Đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Internet

Liên quan đến nội dung này, trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế cho rằng quy định các dấu hiệu đáng ngờ phần lớn như trong dự thảo Luật vẫn là những dấu hiệu định tính, chưa thật sự rõ ràng và rất khó để xác định dấu hiệu đáng ngờ, như: “tỷ lệ chiết khấu với giá trị cao so với bình thường”; “Khách hàng thuyết phục đối tượng báo cáo không báo cáo giao dịch cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền”…

Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu lượng hóa các chỉ tiêu, tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung quy định tại các Điều này để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện.

Theo báo Tiền phong, góp ý về dự thảo Luật, đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) cho biết, hiện nay Nhà nước chưa công nhận tiền ảo, tuy nhiên, Việt Nam đang là một trong những thị trường chơi tiền ảo rất lớn, là một trong mười nước có số người tham gia đông. Theo ông Phước, đây là lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền rất lớn với lợi thế dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu đã trở thành kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng rửa tiền.

Đại biểu nêu rõ, thời gian gần đây liên tiếp có những đường dây đánh bạc, rửa tiền quy mô lớn đều sử dụng tiền ảo. Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn đang nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, chưa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng, tiền ảo và tài sản ảo vẫn lọt lưới do các quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền chưa quy định về vấn đề này.

"Việc bổ sung đối tượng tài sản ảo, tiền ảo vào dự thảo Luật là hết sức cần thiết, không chỉ đáp ứng các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về phòng, chống rửa tiền trên thế giới mà còn nhằm đảm bảo an ninh tài chính trong nước, không để công nghệ tài chính bị lợi dụng để rửa tiền tham nhũng, khủng bố", đại biểu Dương Văn Phước nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cũng cho rằng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) lần này cần bao quát đầy đủ các lĩnh vực nhạy cảm, nhất là đối với các tổ chức cung cấp bộ tài sản ảo, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay, cho vay dựa trên nền tảng của công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tội phạm.

Mai Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu