14:58 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Dự án 63 Nguyễn Huy Tưởng: Trụ sở rời nội đô, đất vàng sẽ thuộc về ai?

MAI LINH | 08:40 03/09/2020

(THPL) - Khu đất tại 63 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội được đánh giá là đất vàng tại Hà Nội. Trước đây, nhà nước cho Công ty cổ phần Bưu điện (POT) thuê làm trụ sở kinh doanh. Nhưng hiện nay đang có một “kế hoạch” chuyển đổi sang dự án bất động sản và điểm nhấn đáng chú ý là việc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Sông Hồng (Sông Hồng ICT) đeo đuổi gần chục năm song vẫn chưa được cấp phép.

Trước đó, ngày 24/04/2012, Công ty cổ phần Bưu điện (POT) đã ký hợp đồng số hợp tác số 156/HĐ ĐT/Postef-Songhong ICT với Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Sông Hồng.

Theo giới thiệu trên website http://songhongict.vn/  của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Sông Hồng thì: Dự án Nhà ở tổ hợp đa chức năng 63 Nguyễn Huy Tưởng là văn phòng/trung tâm thương mại, chung cư/căn hộ cao tầng. Tổng diện tích khu đất là 13,022m2; Diện tích đất công trình hỗn hợp cao tầng 5,013 m2; Diện tích đất công trình hỗn hợp cao 33 tầng; Diện tích đất công trình nhà ở liền kề là 4.613,2 m2; Số căn hộ liền kề là 43 căn; Tổng mức đầu tư là 2.000 tỷ đồng.

Với tầm nhìn quy hoạch quận Thanh Xuân trở thành đô thị hạt nhân, trung tâm chính trị, văn hóa, y tế, giáo dục chất lượng cao của thành phố và được đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng và tiện ích công cộng, dự án 63 Nguyễn Huy Tưởng xứng đáng được xem là nơi an cư lý tưởng và là lựa chọn hàng đầu của nhưng nhà đầu tư thông minh.

Được giới thiệu khá rầm rộ trên không gian mạng tuy nhiên tiến độ xin thủ tục pháp lý của dự án trên vẫn là một dấu hỏi lớn khi gần 10 năm qua vẫn chưa xong.

Theo báo cáo tài chính quý 2 của Công ty cổ phần Bưu điện (POT), dự án 63 Nguyễn Huy Tưởng vẫn đang trong quá trình chuyển đổi và xin giấy phép. Cụ thể, POT vẫn đang tiếp tục triển khai các dự án di dời trụ sở làm việc và cơ sở sản xuất của Công ty khỏi 61 Trần Phú và 63 Nguyễn Huy Tưởng để thực hiện các hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Cung theo báo cáo tài chính quý 2 của Công ty cổ phần Bưu điện (POT), Công ty này đã đổ vào dự án 63 Nguyễn Huy Tưởng vỏn vẹn 207 triệu đồng và không có thay đổi từ đầu năm đến khi lập báo cáo.

Trước đó Thương hiệu và Pháp luật đã thông tin về dự án của Công ty cổ phần Bưu điện (POT) là khu đất đất kim cương 61 Trần Phú, giữa thập niên trước, POT từng dự định xây dựng khu đất này trở thành trung tâm công nghệ cao và trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Tuy nhiên chỉ ít năm sau, trong cơn sốt chuyển đổi nhà máy, xí nghiệp thành đất thương mại, POT đã quyết định mang khu đất 61 Trần Phú đi góp vốn triển khai dự án bất động sản. Đối tác được POT chọn là Liên danh CTCP Him Lam - Liên Việt Holdings. Theo đó, ngày 28/12/2011, hai bên đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư số 40/2011/HĐHTĐT/POT-LVH-HL. Theo đó, vốn góp của dự án là 1.039,2 tỷ đồng, tổng mức đầu tư là 3.200 tỷ đồng. POT góp bằng quyền sử dụng đất – tương đương 530 tỷ đồng (51%), Liên danh CTCP Him Lam - Liên Việt Holdings góp 509,2 tỷ đồng còn lại.

Tuy nhiên cũng giống như dự án 63 Nguyễn Huy Tưởng, dự án 61 Trần Phú của Công ty cổ phần Bưu điện (POT) cũng chưa hoàn tất thủ tục sau gần 10 năm ký các hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Về việc các Công ty cũ có trụ sở đất vàng ở Hà Nội khi di dời ra khỏi nội đô đa phần được hô biến thành những dự án Chung cư cao tầng, đã đặt ra nhiều câu hỏi về lợi ích thực sự thuộc về ai? Và sức ép của những dự án dạng này lên đô thị, môi trường sống trách nhiệm của cơ quan quản lý đến đâu?

Về vấn đề này Luật sư Vũ Văn Biên, Công ty Luật TNHH An Phước phân tích: “Thực hiện Luật Thủ đô, Hà Nội đã xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp khỏi nội thành. Một trong các mục tiêu của việc di dời là giảm áp lực về dân số trong khu vực nội thành Hà Nội. Sau khi di dời khỏi trung tâm Hà Nội, nhiều nhà máy cũ để lại những khu đất vàng rộng hàng chục ha. Các doanh nghiệp bất động sản đã thâu tóm các khu đất, biến thành các chung cư cao tầng. Đây là thực trạng đáng báo động trong thời gian qua khi không gian xanh biến mất, các tòa chung cư mọc lên áp lực lớn về hạ tầng về dân số và cả môi trường sống”.

Ngoài ra, còn phải đặt câu hỏi liệu những dự án được xây dựng từ nền đất của các doanh nghiệp cũ có tuân thủ quy hoạch vùng, quy hoạch chung của Thành phố? “Việc người dân mua nhà tại các dự án nói trên cần hết sức lưu ý về mặt pháp lý vì đây thông thường là đất thuê. Nếu dự án 63 Nguyễn Huy Tưởng nói trên là đất thuê 50 năm nhưng gần 10 năm qua không xong thủ tục, như vậy dự án còn khoảng 40 năm. Nếu trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Sở TN&MT TP Hà Nội không ra hạn hợp đồng thuê đất người dân sẽ chỉ được cấp sổ hồng trong khoảng thời gian còn lại từ của dự án”, Luật sư Biên lưu ý người dân trước khi mua nhà.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng chung cư mọc lên khi nhà máy rời nội đô Luật sư Vũ Văn Biên cho rằng: Nhà nước cần có hướng dẫn bằng văn bản và có danh sách cụ thể về những dự án đất vàng kiểu này, nếu đấu giá thì sẽ là một khoản thu ngân sách lớn. Và phải có cơ chế kiểm soát không để tình trạng này tràn lan tạo sức ép lớn về dân số, môi trường, và cả an sinh xã hội lên trung tâm Hà Nội đang quá tải.

MAI LINH

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu