00:29 ngày 20/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp với "trận chiến" chống hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ

16:08 23/12/2016

Qua thực tế phản ánh của nhiều doanh nghiệp, bên cạnh hàng giả, hàng nhái 100% mẫu mã, kiểu dáng, còn có một số biến tướng trên thị trường khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt.

Theo Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ Thương hiệu Việt Nam, trên thị trường hiện nay, thực trạng hàng giả, hàng nhái và vi phạm sở hữu nhãn hiệu đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư của Việt Nam và tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Nhiều mặt hàng tiêu thụ với số lượng lớn và có giá trị cao, thuế suất cao thường bị làm giả như dược phẩm, vật tư nông nghiệp, đồ gia dụng…

Cán bộ chi Cục quản lý thị trường tịch thu mũ bảo hiểm giả nhãn hiệu tại chợ Tân An (Đắk Lắk). Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Ông Đỗ Thanh Lam, Tổng thư ký Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ Thương hiệu Việt Nam cho biết, các cơ quan chức năng đã phát hiện, bắt giữ và thu hồi hàng chục tấn hàng giả, hàng nhái và vi phạm sở hữu nhãn hiệu với quy mô và tính chất rất nghiêm trọng. Điều đáng nói là phương thức, thủ đoạn làm giả ngày càng tinh vi và mang nhiều yếu tố nước ngoài.

Thậm chí, nhiều mặt hàng sản xuất ở nước ngoài khi nhập khẩu vào Việt Nam là chính ngạch, nhưng lại gắn mác giả… Vì thế cần những giải pháp quyết liệt để xử lý, tránh ảnh hưởng tới đời sống người dân, tới môi trường kinh doanh.

Qua thực tế phản ánh của nhiều doanh nghiệp, bên cạnh hàng giả, hàng nhái 100% mẫu mã, kiểu dáng, còn có một số biến tướng trên thị trường khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt.

Nhiều sản phẩm bị làm giả, làm nhái như áo sơ mi Việt Tiến, máy bơm nước Pentax, các loại mỹ phẩm, quần áo mang thương hiệu nổi tiếng thế giới, thiết bị lọc nước Kangaroo, nước khoáng Lavie, dầu gấc Vinaga… được dán 100% tem nhãn hoặc có hình thức mẫu mã gần giống và đều khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt.

Xác nhận điều này, ông Nguyễn Công Suất, Giám đốc Công ty Chế biến dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam cho biết, bằng cách thêm bớt chính tả trên nhãn hiệu sản phẩm, dầu gấc Vinaga cũng từng bị làm giả, làm nhái rất nhiều.

Việc làm giả, làm nhái sản phẩm gây nhiều hệ lụy và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người. Tuy nhiên, việc chống hàng giả, hàng nhái hiện nay cực kỳ khó khăn. Các doanh nghiệp cũng đang “vật lộn” để giữ thương hiệu chính thống của mình trên thị trường.

Việc nhầm lẫn, không xác định được thương hiệu sản phẩm là điều hết sức nguy hiểm. Ông Đỗ Thanh Lam, Tổng thư ký Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ Thương hiệu Việt Nam cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều ở quy mô vừa và nhỏ, nhận thức về bảo hộ nhãn hiệu cũng rất hạn chế. Thêm nữa, họ phải lo tạo việc làm cho người lao động, nên thường bỏ qua vấn đề này.

"Trong thời gian qua, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và kể cả các cơ quan chức năng về vấn đề ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và vi phạm sở hữu nhãn hiệu…cũng làm chưa nhiều và chưa đầy đủ. Do vậy, nếu vấn đề nhận thức không được tiến hành tốt thì cho dù, áp dụng giải pháp gì cũng khó khả thi" - ông Lam nhấn mạnh.

Đại diện Cục Sở hữu Trí tuệ, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm phát triển tài sản trí tuệ cho hay, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hàng năm có 500.000 doanh nghiệp được cấp phép đăng ký kinh doanh ở cấp bộ, chưa kể các hộ kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 200.000 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu được cấp ra. Con số này cho thấy mức độ nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tham gia bảo hộ nhãn hiệu còn nhiều vấn đề đáng suy nghĩ.

Để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động hơn trong công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái, ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng, cả hệ thống chính trị cần cùng vào cuộc để nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ, chống nạn hàng giả, hàng nhái.

Chính phủ cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo hướng dễ hiểu, dễ áp dụng, minh bạch. Đặc biệt, các chế tài xử phạt vi phạm cần giúp doanh nghiệp dễ thực thi và áp dụng trong việc xây dựng thương hiệu.

Bên cạnh đó, các ngành, các cấp nên tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật để doanh nghiệp, người dân hiểu và cùng thực hiện. Nhà nước cũng cần tổ chức đào tạo và đào tạo lại các cơ quan, lực lượng chức năng về nghiệp vụ thực thi chống hàng giả.

Đồng thời, tăng cường phối hợp với doanh nghiệp và người dân trong lĩnh vực này. Về lâu dài, cần xây dựng tòa án xử những vụ, việc liên quan đến vi phạm sở hữu trí tuệ.

Về phía doanh nghiệp phải biết tự bảo vệ mình, phải coi thương hiệu, nhãn hiệu là tài sản của chính mình. Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai Chương trình phát triển quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp, giai đoạn từ 2016-2020; trong đó, có nhiều nội dung hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực chống hàng giả, hàng nhái và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ…

Cuối cùng, không ai khác mà chính người tiêu dùng sẽ quyết định tất cả, phải lựa chọn hàng hóa ở nơi chắc chắn đảm bảo chất lượng. Nếu làm được như vậy mới nâng cao được quyền sở hữu trí tuệ và hảng giả chắc chắn sẽ không còn đất sống - ông Nguyễn Thanh Bình cho biết.

Theo Thạch Huê/BNEWS/TTXVN

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu