05:52 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp Việt cần khai thác thị trường và mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng tốt

11:33 14/07/2023

(THPL) - Nửa đầu năm 2023, tình hình sản xuất, xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm có quy mô lớn của Việt Nam đều sụt giảm đã tác động lớn đến các doanh nghiệp ở trong nước. Và để mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giữ vững đà tăng trưởng, các doanh nghiệp Việt cần khai thác các thị trường và mặt hàng có mức tăng trưởng tốt.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm ước đạt 316,65 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu khoảng 152,2 tỷ USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước.

Rau quả là một trong những mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh, đóng góp vào thành công chung của xuất khẩu thời gian qua. Trong tháng 6, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 723 triệu USD, tăng 10,2% so với tháng trước và tăng tới 182,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả ước đạt 2,7 tỷ USD, tăng 64,2% so với cùng kỳ năm 2022. Hiện nay, rau quả là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất trong lĩnh vực nông sản. Nguyên nhân giúp xuất khẩu rau quả tăng trưởng mạnh là nhờ Trung Quốc tăng mua sau khi chính sách “Zero COVID” được thực thi. Đây là năm đầu tiên sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các mặt hàng như thanh long, sầu riêng, xoài, mít được Trung Quốc đẩy mạnh thu mua.

Mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn thứ 2 trong nhóm hàng nông sản là cà phê với giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, gạo cũng là một mặt hàng có tốc độ tăng cao. Trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo ước đạt 2,3 tỷ USD, đứng thứ 3 về giá trị xuất khẩu trong nhóm hàng nông sản, tăng 22,2% về lượng và tăng 34,7% về giá trị. Đứng vị trí thứ 4 về giá trị xuất khẩu trong nhóm hàng nông sản là hạt điều với giá trị xuất khẩu ước đạt 1,6 tỷ USD, tăng 10,5 về lượng và tăng 7,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Các mặt hàng rau quả, cà phê, gạo và hạt điều tăng cao là trụ cột để xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm sản 6 tháng đầu năm 2023 tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước, trở thành nhóm mặt hàng duy nhất tăng trưởng dương trong số 4 nhóm hàng xuất khẩu.

Doanh nghiệp Việt cần chú trọng khai thác thị trường và mặt hàng có mức tăng trưởng tốt. Ảnh minh hoạ

Với bức tranh kinh tế trên, các chuyên gia cho rằng, để mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp nên khai thác các thị trường và mặt hàng có mức tăng trưởng tốt. Chẳng hạn như tại thị trường châu Á, nhiều quốc gia đang có nhu cầu lớn với hàng hóa, nông sản Việt Nam. Điển hình như thị trường Iran hiện có nhu cầu lớn về nhập khẩu nông sản. Trung bình, mỗi năm người dân Iran có nhu cầu dùng 120-130kg trái cây. Trong khi tổng dân số của nước này là 86 triệu người, nếu biết cách thâm nhập thì đây một thị trường tiềm năng cho các mặt hàng trái cây Việt Nam.

Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ Trưởng Vụ thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) cho rằng, thị trường châu Á, châu Phi hiện đang chiếm tới 68% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với khoảng 500 tỷ USD. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa có nhiều kế hoạch dài hơi cho những thị trường rất tiềm năng này.

Mặc dù khó khăn nhưng vẫn có nhiều thị trường ngách mà doanh nghiệp chưa khai thác hết. Điển hình như thị trường Trung Quốc, chúng ta giáp Quảng Tây, Vân Nam nhưng thời gian qua Việt Nam mới chỉ tập trung vào Quảng Tây với kim ngạch khoảng 30 tỷ USD. Trong khi đó, Vân Nam (quy mô dân số tương đương Quảng Tây song kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt khoảng 3 tỷ USD). Hay như thị trường châu Phi nhập khẩu khoảng hơn 600 tỉ USD/năm nhưng chúng ta mới chiếm có 0,8% thị phần… “Như vậy, từ thị trường xa đến những thị trường gần, ngay cả những thị trường mà chúng ta tưởng là rất gần gũi thì cũng còn nhiều dư địa và những thị trường ngách mà chúng ta chưa khai thác hết”, ông Đỗ Quốc Hưng nói.

Nhận định xuất khẩu đã có đà phục hồi, tăng trưởng trở lại song vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước, Bộ Công Thương cho biết, sẽ đẩy mạnh 8 giải pháp để thúc xuất khẩu trong 6 tháng còn lại của năm.

Trong đó, ông Trần Duy Đông - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh việc phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp: “Chúng tôi sẽ tập trung vào việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về xuất nhập khẩu, kiến nghị những chính sách tài khóa thêm về tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng nguồn cung, tiết giảm chi phí và tạo ra nhiều sản phẩm cạnh tranh hơn. Thứ hai, Bộ Công Thương và Cục Xuất nhập khẩu sẽ chủ trì triển khai đồng bộ các chương trình trong chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đến năm 2030 và chiến lược phát triển một số mặt hàng chủ lực của ta”.

Một số giải pháp cũng được Bộ Công Thương nhấn mạnh, như tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, tập trung vào xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam uy tín, trong đó có hoạt động công bố các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Việt Nam; Tận dụng hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định thương mại, trong đó tập trung vào việc sớm hoàn tất các thủ tục để tiến hành ký kết Hiệp định FTA với Israel; đẩy nhanh đàm phán ký kết hiệp định thương mại với các thị trường còn là tiềm năng (UAE, Mercosur…). Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu và tăng cường tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, tự chứng nhận xuất xứ cho các Sở Công Thương, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu.

Tuấn Kiệt (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu