09:47 ngày 07/11/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp viên nén gỗ cần tận dụng cơ hội xuất khẩu

19:30 19/09/2022

(THPL) - Nhu cầu về mặt hàng viên nén trên thế giới đang tăng, đặc biệt tại thị trường EU. Ngành viên nén của Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn trong việc mở rộng sản xuất và xuất khẩu.

Mới đây Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2021 lượng viên nén xuất khẩu từ Việt Nam đạt 3,5 triệu tấn với kim ngạch hơn 413 triệu USD. Trong 6 tháng đầu 2022 lượng xuất khẩu đạt gần 2,4 triệu tấn với kim ngạch 354 triệu USD. Nếu tốc độ tăng trưởng được duy trì như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu trong cả năm 2022 có thể đạt trên dưới 700 triệu USD. Trong tương lai, viên nén có tiềm năng sẽ lọt vào nhóm các mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Theo báo Công thương, ông Tô Xuân Phúc - chuyên gia phân tích chính sách Tổ chức Forest Trends đánh giá, lượng và giá trị xuất khẩu viên nén của Việt Nam chỉ thực sự tăng ổn định từ tháng 10/2021. Các tháng nửa đầu năm 2022 (trừ tháng 2/2022 trùng với Tết Nguyên đán tại châu Á) ghi nhận sự tăng vọt cả về lượng và giá trị xuất khẩu.

Riêng trong tháng 4/2022, kim ngạch xuất khẩu viên nén của Việt Nam đã đạt hơn 530 ngàn tấn, trị giá hơn 80 triệu USD, tương đương hơn 15% lượng xuất khẩu của năm 2021. Các tháng khác đều có lượng xuất khẩu bình quân trên 300.000 tấn. Đáng chú ý, hiện giá xuất khẩu viên nén cũng đã tăng rất mạnh, vọt lên bình quân gần 150 USD/tấn, tương đương tăng hơn 27% so với mức giá bình quân năm 2021.

Lượng và giá viên nén xuất khẩu tăng mạnh trong thời gian vừa qua chủ yếu là do nhu cầu sử dụng viên nén tại các nước EU tăng đột biến. Nguyên nhân là do các nước EU quay lưng lại với nguồn khí đốt từ Nga khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, trước đó viên nén được nhập khẩu để phục vụ nhu cầu sưởi ấm.

Viên nén nhập khẩu đang được sử dụng để thay thế cho nguồn cung khí đốt đã mất đi này. Cầu và giá viên nén tại thị trường EU tăng cao, tạo ra sức hút từ các nguồn cung lớn đặc biệt là từ Mỹ - quốc gia xuất khẩu viên nén lớn nhất trên thế giới. 

Doanh nghiệp viên nén gỗ cần tận dụng cơ hội xuất khẩu. Ảnh minh hoạ

Tạp chí VnEconomy đưa tin, mặc dù Việt Nam không phải là quốc gia cung cấp viên nén lớn cho các nước EU, nhưng cầu và giá viên nén tại thị trường quốc tế tăng cao tạo cơ hội cho ngành viên nén Việt Nam mở rộng sản xuất và xuất khẩu.

Mùa đông sắp đến, EU đang tăng nhập khẩu viên nén để người dân làm nguyên liệu đốt lò sưởi chống cái lạnh mùa đông. Là quốc gia xuất khẩu viên nén lớn thứ hai trên thế giới, ngành viên nén của Việt Nam sẽ tiếp tục có lợi thế từ sự thay đổi cung – cầu trên thế giới về mặt hàng này.

Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc và Nhật Bản đang tiếp tục thực hiện chuyển đổi từ nguồn điện than sang điện sạch, bao gồm cả điện sinh khối, do vậy nhu cầu sử dụng viên nén tại các quốc gia này sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng đang có những động thái chuyển một phần nguồn điện và hệ thống sưởi chạy bằng than đá sang viên nén, khiến cầu viên nén tại Trung Quốc sẽ tăng mạnh.

Liên quan đến tình hình xuất khẩu viên nén, theo đánh giá của các chuyên gia, gần 100% lượng viên nén của Việt Nam được xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong năm 2022, dự kiến Nhật sẽ tiếp tục gia tăng lượng nhập khẩu viên nén từ Việt Nam lên mức xấp xỉ với Hàn Quốc.

Xu hướng tiêu thụ viên nén tại các thị trường lớn trên thế giới cho thấy trong tương lai các thị trường này sẽ đòi hỏi nguồn viên nén sử dụng gỗ nguyên liệu đầu vào có chứng chỉ bền vững. Ông Tô Xuân Phúc khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nắm bắt thông tin thị trường và chuẩn bị cho việc đáp ứng các đòi hỏi này của thị trường trong tương lai.

Hiện Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích việc mở rộng các diện tích rừng trồng và các diện tích đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp có sử dụng gỗ rừng trồng làm nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào, bao gồm cả các doanh nghiệp viên nén, trong việc hình thành liên doanh liên kết tạo nguồn gỗ nguyên liệu.

Tuấn Minh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu