23:35 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp cà phê chủ động canh tác, thích ứng tiêu chuẩn của châu Âu

Tuấn Linh (t/h) | 19:14 28/10/2024

(THPL) - Là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới nhưng nguồn cung của Việt Nam lại chủ yếu dựa vào các hộ canh tác nhỏ. Do đó, yêu cầu truy xuất nguồn gốc theo Quy định chống phá rừng của châu Âu đang đặt ra thách thức chưa từng có đối với nước ta.

Liên quan đến quy định chống phá rừng, mới đây Ủy ban châu Âu đã đề xuất lùi thời hạn một năm với việc áp dụng luật cấm nhập khẩu nông sản - liên quan đến phá rừng vào EU. Tuy nhiên các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn đang không khỏi lo lắng. 

Đại diện Công ty Simexco Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã chuẩn bị các quy trình truy xuất nguồn gốc vùng trồng nhưng đến giờ vẫn vừa làm vừa nghe ngóng. Phía EU yêu cầu đơn vị xuất khẩu phải tự chứng minh được cà phê có xuất xứ không gây phá rừng nhưng không đưa ra hướng dẫn cụ thể, trong khi chế tài xử phạt lại rất nặng nếu vi phạm.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Quang - Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex tại Buôn Ma Thuột chia sẻ: "Quy định của EU là tất cả các vườn trồng cà phê đều phải có điểm định vị và những vùng có diện tích trên 4 ha phải vẽ ranh giới của thửa đất. Hiện tại, mô hình sản xuất của chúng ta là nông hộ nhỏ lẻ, các hộ dân có nhiều mảnh, vì vậy nên khối lượng công việc rất lớn, dẫn đến chi phí của các doanh nghiệp cũng rất lớn để thực hiện việc này".

Doanh nghiệp cà phê chủ động canh tác, thích ứng tiêu chuẩn của châu Âu. Ảnh minh hoạ

Trước những băn khoăn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: "Phía EU cũng đang có nhiều bối rối của riêng họ, chưa ra phương pháp rõ là dùng loại bản đồ định vị nào, dùng phương pháp nào để áp dụng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục hỏi, đàm phán với Liên minh châu Âu liên tục để có thể có thông tin cho các doanh nghiệp, các địa phương".

Trong lúc chờ đợi thông tin hướng dẫn rõ ràng từ Liên minh châu Âu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai bộ 85 câu hỏi và đáp gửi cho các địa phương và doanh nghiệp để có sự chủ động về khai báo trước khi hàng đưa vào Liên minh châu Âu. Các nhóm thông tin cũng được thường xuyên cập nhật với các câu hỏi của doanh nghiệp gửi đến cơ quan chuyên môn của Liên minh châu Âu nhằm giải đáp thắc mắc về vấn đề này.

Dù là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới nhưng nguồn cung của Việt Nam lại chủ yếu dựa vào các hộ canh tác nhỏ. Chính vì vậy, trong khi chờ đợi hướng dẫn từ Liên minh châu Âu, tại các vùng trồng liên kết, việc sản xuất cà phê bền vững tiếp tục được triển khai, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe từ châu Âu và sẵn sàng cho việc xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk nhận định: "Đã ban hành kế hoạch giao nhiệm vụ cho các sở ngành các cấp và 7 huyện trọng điểm phát triển cà phê để triển khai các thủ tục yêu cầu điều kiện thiết lập các bản đồ, hồ sơ để minh chứng vùng sản xuất không liên quan đến mất rừng và suy thoái rừng theo yêu cầu của Liên minh châu Âu".

Đắk Lắk là vùng trồng cà phê lớn nhất cả nước, với diện tích khoảng 210.000 ha. Để đáp ứng quy định mới, thời gian qua, những mô hình sản xuất cà phê bền vững ở các địa phương trong vùng thí điểm được tổ chức lại sản xuất trên những diện tích đã có, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tránh làm ảnh hưởng việc thực thi các quy định EUDR.

Trong những nước xuất khẩu cà phê trên thế giới, có thể nói, Việt Nam đang là nước đi đầu về thực hiện Quy định chống phá rừng và suy thoái rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), cho biết, Việt Nam là nước đầu tiên và rất tích cực triển khai thực hiện EUDR. Đặc biệt, Chính phủ, Bộ NN&PTNT rất quan tâm và hỗ trợ việc thực hiện EUDR ở các ngành hàng liên quan tới quy định này, trong đó có ngành cà phê.

Trong thời gian qua, VICOFA đã bám sát và phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT và các tổ chức quốc tế, triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của EUDR theo khung hành động mà Bộ NN&PTNT đã ban hành. Nội dung các tài liệu liên quan đến EUDR đã được văn phòng Hiệp hội cập nhật bản dịch tiếng Việt gửi cho các hội viên và đăng tải trên website của VICOFA. Hiệp hội cũng đưa đại diện các hội viên vào nhóm hỏi đáp về EUDR do Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ NN&PTNT lập ra; tham gia các cuộc họp kỹ thuật xây dựng nội dung sổ tay hướng dẫn thực hiện EUDR do Bộ NN&PTNT chủ trì.

Tuấn Linh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu