11:36 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Diễn đàn Liên Chính phủ về Giao thông vận tải bền vững môi trường khu vực Châu Á lần thứ 12

14:00 28/10/2019

(THPL) - Từ ngày 28 - 30/10/2019 tại Hà Nội, Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Bộ Môi trường Nhật Bản, Trung tâm phát triển vùng Liên hợp quốc đồng tổ chức “Diễn đàn Liên Chính phủ về Giao thông vận tải bền vững môi trường khu vực Châu Á lần thứ 12 - EST12” (sau đây gọi tắt là Diễn đàn EST12).

Diễn đàn EST12 sẽ có khoảng 335 đại biểu (trong đó có 213 đại biểu quốc tế đến từ 25 quốc gia Châu Á và 122 đại biểu trong nước), gồm quan chức Chính phủ từ các nước thành viên EST, đại diện các đại sứ quán, các đại biểu từ các tổ chức quốc tế, khối tư nhân, các học giả nghiên cứu, chuyên gia của Liên hợp quốc. 

Tại Diễn đàn EST 12 lần này sẽ có 15 sự kiện chính và chương trình đi khảo sát kỹ thuật về thành phố thông minh tại tỉnh Quảng Ninh vào ngày 31/10/2019.

Việt nam đăng cai Diễn đàn Liên Chính phủ về Giao thông vận tải bền vững môi trường khu vực Châu Á lần thứ 12. (Ảnh minh họa)

Việc Việt Nam đăng cai tổ chức Diễn đàn EST12 năm 2019 với chủ đề “Tiến tới thành phố thông minh và có khả năng thích ứng thông qua hệ thống giao thông vận tải thông minh và cacbon thấp” thể hiện vai trò, trách nhiệm là thành viên của Liên hợp quốc trong nỗ lực chung phát triển giao thông vận tải bền vững về môi trường và cũng là cơ hội để Việt Nam khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế trong hợp tác giao thông vận tải ... Bên cạnh đó, Diễn đàn này cũng là cơ hội để truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về mục tiêu phát triển bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường và giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Tham dự phiên khai mạc Diễn đàn EST12 tại Hà Nội, có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Môi trường Trần Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng và Lãnh đạo các Bộ, ngành, dia phuong. Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng gợi ý các đại biểu tập trung thảo luận về các giải pháp thúc đẩy phát triển thành phố thông minh, hệ thống giao thông thông minh, nhằm giảm phát thải khí nhà kính, giảm phát thải chất gây ô nhiễm, bảo vệ môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị, đảm bảo xây dựng hệ thống giao thông an toàn và thuận tiện. Các nội dung chính của Diễn đàn EST12 gồm:

Thảo luận các chính sách về giao thông vận tải bền vững với môi trường; tích hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và phát triển đô thị; phát triển dịch vụ vận tải và kết cấu hạ tầng giao thông bền vững; ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến; các giải pháp về thể chế, cơ chế tài chính mới và mối quan hệ đối tác trong việc xây dựng các thành phố và cộng đồng an toàn, thông minh, thích ứng và phát triển bền vững.

Giảm ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị thông qua việc xác định và thảo luận các cơ hội và thách thức phát triển hệ thống giao thông vận tải phát thải các-bon thấp, giảm phát thải khí nhà kính, giảm phát thải chất gây ô nhiễm như: phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; chuyển đổi sử dụng nhiên liệu sạch, năng lượng sạch cho xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy; nâng cao mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới; phát triển hạ tầng giao thông cho người đi xe đạp, người đi bộ tại các đô thị ...

Nâng cấp các dịch vụ vận tải và kết cấu hạ tầng giao thông, tạo thêm các lựa chọn về an toàn giao thông đường bộ và an toàn giao thông đô thị; tối ưu hóa mạng lưới đường bộ và quản lý các điểm dừng đỗ tại đô thị; phát triển thành phố và cộng đồng theo hướng giao thông an toàn và thuận tiện.

Thảo luận cách thức để các quốc gia Châu Á có thể đóng góp vào Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đặc biệt là Mục tiêu phát triển bền vững 11 (SDGs 11) thông qua việc thực hiện các giải pháp công nghệ tiên tiến như Trí tuệ Nhân tạo (AI), Mạng Internet vạn vật (IoT), Công nghệ thông tin truyền thông, Hệ thống giao thông thông minh (ITS), Hệ thống định vị toàn cầu (GPS), dữ liệu lớn (big data), các ứng dụng dịch tự động, các mạng lưới cảm biến và vận tải các-bon thấp.

Điều phối thảo luận giữa Chính phủ, khối tư nhân và các đối tác tài trợ để khai thác các cơ hội đầu tư tiềm năng phát triển giao thông vận tải bền vững.

Rà soát, đánh giá tiến độ triển khai các chương trình, sáng kiến, đề xuất và thành tựu của các quốc gia, các bài học thực tiễn trong Tuyên bố Băng Cốc (2010-2020).

Thảo luận về chiến lược tiếp tục triển khai Tuyên bố Băng Cốc 2020 cho đến năm 2030 song hành với việc thay đổi diện mạo giao thông đô thị tại châu Á và phù hợp với Chương trình Phát triển bền vững/ Mục tiêu Phát triển bền vững 2030.

Thanh Tân

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu