23:43 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Dịch Covid-19 - ''cú hích'' cho chuyển đổi số

21:48 22/10/2020

(THPL) - Tiếp tục chương trình hội nghị Bộ trưởng các nước thành viên của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), phiên họp thứ ba theo hình thức trực tuyến bắt đầu từ 18h đến 21h ngày 22-10.

Đại diện cho Việt Nam, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Huy Dũng đã phát biểu về cơ hội của chuyển đổi số quốc gia trước, trong và sau đại dịch Covid-19. Ông Nguyễn Huy Dũng khẳng định, tác động của dịch Covid-19 có tính chất bước ngoặt trong quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Thông thường việc áp dụng công nghệ mới đòi hỏi phải thay đổi thói quen và cách thức thực hiện công việc và điều này thường theo quy tắc 21/90 - nghĩa là mất 21 ngày để một thứ mới trở thành thói quen và 90 ngày để biến nó thành một sự thay đổi vĩnh viễn.

Tuy nhiên, Covid-19 đã buộc hầu hết mọi người phải thay đổi nhiều thứ trong hơn 21 ngày, tạo ra thói quen mới để làm việc, học tập và giải trí. Những thói quen mới này, chẳng hạn như làm việc và học tập ở nhà, đang thúc đẩy các công nghệ mới nhanh hơn so với những gì chúng ta có. Về những kết quả mà Chính phủ và người dân Việt Nam đã, đang triển khai hàng loạt biện pháp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, Cục trưởng Cục Tin học hóa cho biết, tháng 6-2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 xây dựng một "Việt Nam số" với ba trụ cột phát triển là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Đặc biệt, trong thời gian này, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã cho ra mắt nhiều ứng dụng và nền tảng số để đối phó với đại dịch, đáp ứng nhu cầu của người dân bước sang giai đoạn bình thường mới.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tham dự Hội nghị bàn tròn Bộ trưởng ITU Digital World 2020 (phiên thứ ba).

Trong đó, Việt Nam là một trong những nước tiên phong áp dụng phần mềm Bluezone bảo vệ cộng đồng và hiện đã đạt 23 triệu lượt tải, giúp truy vết gần 2.000 trường hợp nghi là F1, F2 tiếp xúc gần với người bị Covid-19. Cũng trong giai đoạn bình thường mới, Chính phủ và các doanh nghiệp đã phát triển một cách hiệu quả các nền tảng làm việc từ xa, giáo dục trực tuyến, y tế từ xa, mua sắm trực tuyến, sự kiện ảo...

"Một thế giới thịnh vượng, an toàn và bền vững là mục tiêu hàng đầu của tất cả mọi người và việc sử dụng hợp lý các nền tảng kỹ thuật số sẽ giúp thực hiện mục tiêu đó", ông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, dịch Covid-19 là thách thức lớn của thế kỷ, khiến nhiều người thiệt mạng, kinh tế đình trệ và chính phủ các nước đang tìm cách giải quyết. Nhưng mỗi thách thức đều đi liền với cơ hội. Thách thức lớn đi cùng cơ hội lớn. “Để đương đầu với đại dịch chúng ta cần nỗ lực mang tính toàn cầu. ICT đã thể hiện vai trò quan trọng giúp các quốc gia đương đầu với đại dịch bằng cách kích hoạt xu thế làm việc và học tập từ xa và xu thế này có vai trò thiết yếu giúp phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội. Vì thế, ICT đã trở thành hạ tầng kinh tế, không chỉ đơn thuần là hạ tầng viễn thông. Việt Nam cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng ITU và các nước thành viên xây dựng thế giới số. Chúng ta sẽ đi cùng nhau vì chúng ta muốn đi xa”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.

Mạnh Nghiệp (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu