07:22 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Đắk Lắk: Dân không đồng ý với mức đền bù rẻ mạt, doanh nghiệp tự ý "cưỡng chế" mặt bằng

| 14:59 10/07/2017

(THPL) - Đó là vụ việc diễn ra tại xã Cư Mốt, huyện Eah’leo, tỉnh Đắk Lắk. Doanh nghiệp có hành vi tự ý san ủi mặt bằng trên đất của dân để làm dự án khi chưa thỏa thuận xong giá cả đền bù là Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Eawy.

Theo tìm hiểu của PV Thương hiệu và Pháp luật, khi doanh nghiệp Eawy được UBND tỉnh Đắk Lắk cho phép đứng ra thuê hơn 10,5ha của người dân tại tiểu khu 49 để thực hiện Dự án đầu tư phát triển ca cao, hàng chục hộ dân ở đây đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi phải “dâng” lên mảnh đất làm kinh tế của gia đình cho doanh nghiệp này.

Nói như vậy là vì doanh nghiệp này không biết đã áp dụng bảng giá đền bù theo quy định nào để đưa ra mức giá không thể rẻ mạt hơn. Chỉ vài chục triệu đồng, doanh nghiệp này đã có một thửa đất diện tích lớn. Còn nếu người dân không đồng ý, doanh nghiệp Eawy với lời “dọa” cũng có thể lấy đất làm dự án mà không phải đền bù. 

Công ty Eawy tự ý đưa máy móc vào san ủi mặt bằng khi chưa đạt được sự thoả thuận với chủ đất. 

Với tâm lý e sợ, có đền bù còn hơn mất trắng, người dân ở đây phải chấp nhận. Tuy nhiên, cũng có một số hộ phản đối mức giá mà doanh nghiệp này đưa ra. Khi giữa doanh nghiệp và người dân chưa tìm được tiếng nói chung, Công ty Eawy đã tự ý cho xe ủi vào san lấp mặt bằng. khiến chủ đất vô cùng bức xúc.

Doanh nghiệp tự ý san ủi "cưỡng chế" luôn mặt bằng.

Bà Hồ Thị Quyến - một hộ dân bị Công ty Eawy cho xe vào san ủi đất khi chưa thỏa thuận được giá cả đền bù cho biết thửa đất rộng 1,4 hecta này được gia đình bà mua năm 1994, có hợp đồng chứng nhận chuyển dịch tài sản do ông Lê Đức Quang, Phó Chủ tịch huyện Eah’leo (thời điểm 1994) ký. Thửa đất sử dụng hơn 20 năm qua không phát sinh tranh chấp, sử dụng vào mục đích nông nghiệp trồng cây hàng năm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với nhà nước. Giữa năm 2016, Công ty Eawy phát thông báo đến gia đình bà về việc thu hồi đất để trồng cacao. Tuy nhiên mức bồi thường đưa ra quá thấp. Chỉ hơn 20 triệu đồng cho 1,4 hecta. 

Dù đất mua bán có giấy tờ đầy đủ, nhưng Công ty Eawy vẫn cho đó là đất xâm canh.

"Tôi không đồng ý và tiếp tục thỏa thuận với doanh nghiệp. Từ đó đến nay, Công ty Eawy liên tục nâng mức giá bồi thường cho thửa đất của tôi. Từ 20 triệu đồng lên đến gần 200 triệu đồng. Nhưng xét ra, mức giá này quá thấp so với giá thị trường hiện nay. Trong khi giữa hai bên chưa đi đến thống nhất thì ngày 3/7 vừa qua, doanh nghiệp này tự ý đưa xe vào san ủi mặt bằng”, bà Quyến nói. 

Giấy tờ mua bán đất của gia đình bà Quyến được chính quyền địa phương xác nhận đầy đủ.

Khi sự việc xảy ra, gia đình bà Quyến đã có mặt và yêu cầu ông Phạm Tấn Việt – Giám đốc Công ty Eawy phải trình bày rõ sự việc cũng như làm biên bản có sự chứng kiến của người dân.

Có thể nói, hành động tự ý san ủi, “cưỡng chế” đất của Công ty Eawy là trái với pháp luật. Bởi ngay từ khi thông báo triển khai thu hồi đất thực hiện dự án, người dân có đất nằm trong diện thu hồi ở đây chưa được cơ quan chức năng nào thông báo. Hơn nữa, nếu như đây là dự án tư nhân, doanh nghiệp phải đứng ra thỏa thuận với người dân mức giá mà cả 2 bên đều đồng thuận. Ở đây, dù vấp phải sự phản đối, doanh nghiệp này vẫn làm ngơ và đưa phương tiện vào “cưỡng chế” đất trái với quy định.

Đề nghị các cơ quan chức năng của huyện Eah’leo nhanh chóng vào cuộc tìm hiểu vụ việc, xem xét giải quyết vấn đề, không thể để tình trạng doanh nghiệp tự ý dùng biện pháp “cưỡng chế” nhằm đạt được mục đích như trên. 

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc. 

Nhóm PVPL

 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

triệu tấn tài

dù là đất lâm nghiệp nhưng nguoi ta da canh tac hon 10 may nam , kinh te nta phu thuoc vao do , 20 tr /1ha thi ai ma sang nhuong duoc

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu