18:02 ngày 30/10/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Công ty chứng khoán ngân hàng thương mại CP Ngoại thương Việt Nam thực hiện công tác an sinh xã hội vững nền tảng, chắc tương lai, vươn tầm doanh nghiệp

09:27 29/10/2024

(THPL) - An sinh xã hội là một trong những nội dung được đề cập toàn diện, xuyên suốt trong hệ thống quan điểm, chính sách của Đảng ta. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục xác định đây là một lĩnh vực quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước góp phần vào sự tiến bộ và công bằng xã hội, đưa đất nước phát triển bền vững. Thực hiện công tác an sinh xã hội là trọng trách của hệ thống chính trị và toàn xã hội. Bài viết tập trung lãm rõ vai trò của việc thực hiện công tác an sinh xã hội, những thành tựu trong thực hiện công tác an sinh xã hội ở Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS), đồng thời đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện công tác an sinh xã hội ở VCBS hướng tới mục tiêu “Vững nền tảng, chắc tương lai, vươn tầm doanh nghiệp”.

1. Mở đầu

Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh vai trò của việc chăm lo cho đời sống của nhân dân để “đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành…”. Đó là tâm niệm của Người cùng với khát khao hòa bình độc lập cho dân tộc và cũng chính là kim chỉ nam trong hoạt động tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hiện nay, công tác an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Việc bảo đảm an sinh xã hội không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ mà còn là biểu hiện của sự quan tâm đến đời sống nhân dân, cần phải có sự đổi mới, sáng tạo trong quản lý và thực hiện các chính sách xã hội để nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bớt khoảng cách giàu nghèo, hướng tới đạt được công bằng xã hội.

         Tại nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đề ra các mục tiêu cụ thể về an sinh xã hội như: Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế: đạt 90% dân số; Giảm tỷ lệ hộ nghèo: duy trì tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5%/năm, theo chuẩn nghèo đa chiều; Đầu tư cho hệ thống chăm sóc sức khỏe: tăng cường cơ sở vật chất và chất lượng dịch vụ y tế, đảm bảo người dân có thể tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản.

Các mục tiêu cụ thể về giáo dục, y tế và chăm lo đời sống trẻ em cũng được cụ thể hóa bằng các số liệu tại Nghị quyết Đại hội Đảng XIII như:

Giáo dục: phấn đấu tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 98%, và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 95%. Cải thiện chất lượng giáo dục, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học ở các cấp học.

Y tế: tăng cường cơ sở vật chất y tế, đạt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 90% dân số. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh, giảm tỷ lệ tử vong trẻ em và mẹ trong quá trình sinh nở.

Chăm lo đời sống trẻ em: đảm bảo 100% trẻ em được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản và giáo dục. Giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống dưới 7% và tăng cường các chương trình bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Những số liệu này phản ánh cam kết của Đảng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo đảm quyền lợi cho trẻ em, nâng cao đời sống và chăm sóc xã hội một cách toàn diện.

         2. Nội dung

2.1. Vai trò của việc thực hiện công tác an sinh xã hội

Tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân các vùng khó khăn, an dân, củng cố niềm tin của dân với Đảng cũng chính là là một trong những giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời đại hiện nay. 

Trong giáo dục cán bộ và đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắn nhủ: “Ðảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Trong tư tưởng của Bác, Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp và dân tộc, có sứ mệnh “giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. “Ðảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Ðảng ta không có lợi ích gì khác” .

Thực hiện sự lãnh đạo của Ðảng, mỗi tổ chức Đảng từ cấp trên cho đến các cấp dưới đều xác định công tác an sinh xã hội là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của các tổ chức cơ sở Đảng, cần có kế hoạch và mục tiêu rõ ràng để đạt được kết quả cao nhất. Kinh tế, xã hội Việt Nam ở thời điểm hiện tại đã phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn đó, một số vấn đề tồn tại cũng đã bộc lộ. Sự phân hoá nông thôn và thành thị, giữa nhiều vùng, nhiều khu vực dân cư chưa có sự phát triển đồng đều, đặc biệt là ở đồng bào các dân tộc như miền núi phía Bắc, Tây Nguyên,...Cuộc sống của người dân những vùng này còn rất thiếu thốn, kinh tế giao thương chưa phát triển, cơ sở hạ tầng vật chất yếu kém. Người dân chưa có điều kiện tiếp cận với các điều kiện về y tế, giáo dục cơ bản. Văn hoá xã hội sau đổi mới đã có rất nhiều tiến bộ, cải tiến, nhưng ở nhiều vùng sâu vùng xa còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu,...Những tồn tại này đã tạo nên sự “lỏng lẻo” trong niềm tin của người dân với Đảng, Chính phủ. Những thế lực thù địch trong và ngoài nước đã lợi dụng kẽ hở đó để mua chuộc, chia rẽ, kích động người dân kém hiểu biết chống phá lại Đảng, Nhà nước, gây mất đoàn kết trong nhân dân. Những tồn tại đó cũng sẽ gây ra sự thiếu tin tưởng về sự lãnh đạo của Đảng của một số bộ phận đảng viên, dễ dẫn đến sự diễn biến, chuyển hoá tư tưởng của Đảng viên, tư tưởng so sánh với những nước thực hiện công tác an sinh phúc lợi xã hội tốt. 

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác an sinh xã hội trong việc bảo vệ và củng cố nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo quan điểm của ông, công tác an sinh xã hội không chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà còn là yếu tố thiết yếu để duy trì sự ổn định xã hội và phát triển bền vững của đất nước. An sinh xã hội giúp giảm thiểu sự bất bình đẳng và khắc phục những vấn đề xã hội, từ đó tạo ra sự đồng thuận trong cộng đồng. Điều này làm tăng tính chính trị và xã hội của Đảng, tạo sự ổn định cần thiết cho việc thực hiện các chính sách và mục tiêu của Đảng. Công tác an sinh xã hội giúp bảo vệ và củng cố nền tảng tư tưởng của Đảng bằng cách thể hiện sự quan tâm và chăm sóc đối với đời sống của nhân dân. Khi người dân thấy Đảng quan tâm và thực hiện các chính sách vì lợi ích chung, họ sẽ tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng và nền tảng tư tưởng của Đảng sẽ được củng cố. Một hệ thống an sinh xã hội hiệu quả giúp người dân cảm thấy yên tâm hơn về tương lai của họ, từ đó làm tăng niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Điều này không chỉ góp phần vào sự ổn định xã hội mà còn làm cho các mục tiêu chính trị của Đảng trở nên dễ dàng đạt được hơn.

Nắm vững quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng đã không ngừng hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội; đổi mới chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung, hiệu quả nhằm bảo đảm an sinh xã hội và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là các dịch vụ xã hội cơ bản thiết yếu; thực hiện tốt chính sách đối với người có công; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp...; phát triển đa dạng các hình thức từ thiện, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống nhân dân; động viên khích lệ trẻ em vùng núi, vùng dân tộc khó khăn đến trường để tiếp tục ươm mầm con chữ tới các bản làng xa xôi của đất nước;…

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm xuống còn khoảng 2,65%. Trong đó, các huyện nghèo đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn khoảng 4,7%. Về chất lượng dịch vụ y tế, tỷ lệ bác sĩ trên 10.000 dân đạt khoảng 11,4 người, tỷ lệ người dân có bảo hiểm y tế đạt khoảng 93,7%. Tỷ lệ trẻ em đến trường ở các cấp học đạt cao, với tỷ lệ trẻ em ở độ tuổi tiểu học đến trường là 99,4% và ở trung học cơ sở là 98,2%.

2.2. Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam thực hiện công tác an sinh xã hội

         Không nằm ngoài sự lãnh đạo chỉ đạo của Đảng, Đảng ủy Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (VCB) thường xuyên tổ chức và tham gia vào các hoạt động từ thiện và hỗ trợ cộng đồng mà đối tượng hướng tới là người nghèo, trẻ em mồ côi, và người khuyết tật. VCB đã xây dựng Chương trình “Vietcombank vì cộng đồng”, đây là một trong những chương trình lớn của VCB nhằm hỗ trợ an sinh xã hội. Chương trình bao gồm nhiều hoạt động như xây dựng trường học, bệnh viện, cấp học bổng cho học sinh nghèo và tổ chức các hoạt động hỗ trợ y tế. VCB luôn chú trọng đến việc phát triển bền vững, trong đó công tác an sinh xã hội là một phần hết sức quan trọng. Đồng thời việc hỗ trợ cộng đồng của VCB cũng chính là hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội bền vững. Ngoài việc hỗ trợ cộng đồng, VCB cũng luôn chú trọng đến phúc lợi của cán bộ nhân viên như chăm sóc sức khỏe nhân viên, đào tạo nghề… và các dịch vụ hỗ trợ khách hàng của VCB. Những hoạt động an sinh xã hội này không chỉ góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng mà còn thể hiện cam kết của VCB đối với trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững.

Là thành viên trong đại gia đình Vietcombank, VCBS trong suốt những năm qua luôn nỗ lực trong công tác an sinh xã hội, thực hiện tốt các chỉ tiêu nghị quyết của VCB cũng như của Đảng ủy VCBS đã đề ra. Với tâm niệm thực hiện công tác an sinh xã hội là để thực hiện vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội, Ban lãnh đạo VCBS cùng toàn thể cán bộ nhân viên công ty trong những năm qua đã tích cực hưởng ứng trong hoạt động vì cộng đồng do ngân hàng mẹ phát động và luôn coi đó là trách nhiệm trong việc thực hiện các giải pháp để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ niềm tin với Đảng, Chính phủ của người dân. Đặc biệt, thực hiện sự vận động, chỉ đạo của Đảng ủy trong việc triển khai các hoạt động an sinh xã hội, VCBS đã nỗ lực trong việc triển khai các chương trình tài trợ an sinh xã hội nhằm đảm bảo đúng, trúng, hiệu quả trực tiếp đến đời sống của người dân. Để từ đó, người dân có thêm lòng tin với Đảng cũng như với doanh nghiệp. 

 Đồng chí Lê Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty trao tặng công trình Tiếp sức người bệnh tại Bệnh viện 108.

Trong giai đoạn từ năm 2020 đến nửa đầu năm 2024: Công tác an sinh xã hội tại VCBS đã đạt được một số thành tích đáng ghi nhận, với giá trị đóng góp hàng tỷ đồng VCBS đã chung tay xây dựng cơ sở hạ tầng như trường học, bệnh viện và hỗ trợ các dự án phát triển cộng đồng. VCBS đã cấp hàng trăm suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, giúp cải thiện điều kiện học tập và khuyến khích giáo dục (trao học bổng cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại Huyện Bình Chánh với tên gọi "Cùng con đi tiếp cuộc đời" với số tiền 100 triệu đồng; Đóng góp kinh phí xây dựng phòng học 3 gian và kinh phí mua trang thiết bị cho các lớp học tại Trường Mầm non bản Piềng, xã Thái Bình, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn, kinh phí hỗ trợ là 220 triệu đồng; Chung sức xây trường học cho trẻ em vùng sâu tại xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, tổng giá trị 400 triệu đồng; Xây dựng trường bán trú cho trẻ em dân tộc xã Nậm Ban, Huyện Mèo Vạc, Tỉnh Hà Giang với giá trị ủng hộ 123.triệu đồng và trao tặng đồ dùng học tập, áo ấm cho trẻ em Trường Nậm Ban). VCBS đã trao tặng các cơ sở y tế và cung cấp thiết bị y tế cho các bệnh viện, đồng thời tổ chức các chương trình tài trợ y tế dành cho người nghèo (Triển khai Dự án mô hình “Tiếp sức người bệnh” tại Bệnh viện TWQĐ 108, tài trợ chi phí làm tủ thuốc, vận dụng, góc thư giãn cho bệnh nhân ung thư tại 03 tầng của bệnh viện, tổng giá trị 420 triệu đồng; triển khai mua thẻ BHYT cho người nghèo với giá trị ủng hộ 205 triệu đồng...)

VCBS tích cực hỗ trợ trong các tình huống thiên tai, dịch bệnh, với các khoản tài trợ và hàng hóa thiết yếu cho những vùng bị ảnh hưởng (Tài trợ khắc phục hậu quả thiên tai thông qua dự án xây cầu qua suối Tà Nghè, thôn Nà Mô, xã Địa Linh, Huyện Ba Bể, Tỉnh Bắc Cạn với giá trị ủng hộ 475 triệu đồng. Chương trình “Đồng hành cùng Sài Gòn cung cấp bữa ăn miễn phí” trao tặng hơn 5.000 suất ăn cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, các bác sĩ, nhân viên y tế tại các bệnh viện điều trị covid với giá trị quyên góp 124 triệu đồng; Trao tặng cho Tỉnh Bắc Giang 50 giường bệnh và 15.000 khẩu trang y tế với tổng giá trị là 150 triệu đồng Ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt với tổng số tiền hỗ trợ 264 triệu đồng). VCBS đã thực hiện các sáng kiến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, thể hiện qua các hoạt động xanh và sáng kiến về giảm thiểu tác động môi trường.(VCBS tự hào là đơn vị đầu tiên tư vấn thành công đợt phát hành trái phiếu xanh cho phát triển bền vững của EVNFinance; tham gia ủng hộ chương trình trồng cây VCB - vì một VN xanh). Ngoài ra, VCBS còn tham gia các chương trình an sinh lớn như “Triệu túi an sinh”, “Chung tay vì  người nghèo” với chương trình Xuân biên giới yêu thương, trao quà tết cho người dân xã Bù Gia Mập tỉnh Bình Phước,… Những thành quả này phần nào đã góp phần làm  giảm bớt khó khăn cho người dân, củng cố và gia tăng niềm tin của người dân với Đảng và Chính phủ. Mỗi cán bộ, đảng viên của VCBS luôn háo hức và tự hào khi được góp một phần nhỏ sức lực của mình, đồng hành cùng doanh nghiệp để hỗ trợ những hoàn cảnh yếu thế trong xã hội. Bản thân mỗi cán bộ nhân viên tại VCBS luôn nhận thức sâu sắc về trách nhiệm xã hội và tầm quan trọng của việc chia sẻ, từ đó nâng cao tinh thần phục vụ cộng đồng.

 Đoàn viên VCBS trao quà Tết cho người dân xã Bù Gia Mập tại Chương trình “Xuân biên giới yêu thương”.

Thành quả của hoạt động an sinh xã hội tại VCBS mang lại cho cộng đồng là những ngôi trường học khang trang cho trẻ em vùng sâu vùng xa; cơ sở y tế đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân nghèo; hàng vạn ngôi nhà cho người dân nghèo khó khăn an cư lạc nghiệp, người dân được hỗ trợ kịp thời khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh; hàng vạn món quà tết ấm lòng người dân nghèo dịp tết đến xuân về; những dự án tài chính nông thôn tạo nguồn sinh kế lâu dài cho người dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế,... 

 Đồng chí Trần Việt Hưng - Ủy viên BCH Đảng bộ VCBS, Chủ tịch Công đoàn trao tặng kinh phí xây dựng công trình “xóa nhà tạm, nhà dột nát”  tại Lào Cai.

Qua những thành quả trong công tác an sinh xã hội của doanh nghiệp đóng góp cho cộng đồng, bản thân mỗi cán bộ nhân viên cũng như người dân phần nào có thêm tình yêu và củng cố vững chắc hơn niềm tin vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng để từng bước, từng bước đưa Đảng ta trở thành một Đảng vững mạnh, không thế lực nào có thể suy chuyển được.

2.3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện công tác an sinh xã hội ở Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Vững nền tảng, chắc tương lai, vươn tầm doanh nghiệp

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện công tác an sinh xã hội tại VCBS còn có một số tồn tại, hạn chế như: cán bộ thực hiện công tác an sinh xã hội đều là những cán bộ kiêm nhiệm nên còn thiếu kiến thức về an sinh xã hội và chưa toàn tâm toàn ý được cho công tác an sinh xã hội do phải ưu tiên công tác chuyên môn; các chương trình an sinh chưa thực sự sáng tạo, phong phú, chưa đáp ứng được nhiều nhu cầu của cộng đồng. Ngoài ra trong quá trình thực hiện, đơn vị cũng chưa hợp tác được với các đơn vị chuyên nghiệp để cùng đồng hành tổ chức.

Để khắc phục những hạn chế đó, Ban lãnh đạo VCBS đã đưa ra một số giải pháp như sau: 

Một là, tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực: Tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về an sinh xã hội cho cán bộ làm công tác an sinh xã hội, bao gồm các kỹ năng quản lý, phân tích nhu cầu cộng đồng, thiết kế chương trình và đánh giá hiệu quả. Cung cấp tài liệu và tài nguyên học tập như sách, báo cáo nghiên cứu, và hướng dẫn thực hành để giúp cán bộ cập nhật kiến thức mới nhất trong lĩnh vực này.

Hai là, tăng cường đổi mới và sáng tạo trong chương trình an sinh xã hội: Nghiên cứu và áp dụng các mô hình an sinh xã hội tiên tiến từ các quốc gia hoặc khu vực khác có kinh nghiệm thành công, và điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh địa phương, tập tục địa phương của Việt Nam. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc thiết kế và thực hiện các chương trình an sinh xã hội để đảm bảo chúng đáp ứng đúng nhu cầu thực tế và có tính khả thi cao.

Ba là, cải thiện quản lý và phân bổ thời gian: Xem xét và điều chỉnh khối lượng công việc của cán bộ để đảm bảo họ có đủ thời gian và năng lượng để tập trung vào công tác an sinh xã hội. Tạo điều kiện để cán bộ có thể chuyên sâu hơn vào công tác an sinh xã hội bằng cách phân công rõ ràng các nhiệm vụ và trách nhiệm.

Bốn là, tăng cường hợp tác và kết nối với các đơn vị chuyên nghiệp: Thiết lập các mối quan hệ đối tác với các tổ chức và cơ quan chuyên môn như các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp xã hội, và các tổ chức quốc tế để tận dụng kinh nghiệm và nguồn lực. Xây dựng các mạng lưới và diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng và giải pháp, và phối hợp thực hiện các chương trình an sinh xã hội.

Năm là, tăng cường vận động và tuyên truyền: Tuyên truyền về tầm quan trọng của công tác an sinh xã hội để nâng cao nhận thức và tạo sự ủng hộ từ cán bộ, người lao động trong toàn công ty đồng thời khuyến khích sự tham gia và hỗ trợ của cộng đồng thông qua các hoạt động truyền thông và sự kiện cộng đồng.

3. Kết luận

An sinh xã hội, chính là an yên lòng dân. Có như vậy xã hội mới phát triển bền chắc. Làm tốt công tác an sinh xã hội, chính là làm tốt việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, và qua đó cùng góp sức giúp  đất nước cũng như Doanh nghiệp ngày một vươn tầm, lớn mạnh. VCBS với phương châm “thực hiện an sinh xã hội là thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với đất nước”, VCBS sẽ nỗ lực làm tốt  hơn nữa công tác an sinh xã hội trong thời gian tới lan tỏa những giá trị tốt đẹp, chung sức cùng toàn Đảng lớn mạnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

2. Đảng cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

3. Website: molisa.gov.vn

4. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (2021)

5. Báo cáo tổng kết và các văn kiện kèm theo Đại hội XIII

6. Đảng ủy VCB (2022), Báo cáo tổng kết công tác Đảng và hoạt động kinh doanh năm 2022; phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2023.

7. Đảng ủy VCB (2023), Báo cáo tổng kết công tác Đảng và hoạt động kinh doanh năm 2022; phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2024.

8. Đảng ủy VCBS (2022), Báo cáo tổng kết công tác Đảng và hoạt động kinh doanh năm 2022; phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2023.

9. Đảng ủy VCBS (2023), Báo cáo tổng kết công tác Đảng và hoạt động kinh doanh năm 2022; phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2024.

10. Ban Chấp hành Công đoàn VCBS (2022), Báo cáo tình hình thực hiện chính sách đối với NLĐ và hoạt động công đoàn năm 2022.

11. Ban Chấp hành Công đoàn VCBS (2023), Báo cáo tình hình thực hiện chính sách đối với NLĐ và hoạt động công đoàn năm 2023.

Vũ Thị Thúy Hằng - Lê Thị Thanh Nhàn

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu