23:58 ngày 20/07/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Chuyên gia kỳ vọng xuất khẩu gạo sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm 2024

11:02 10/07/2024

(THPL) - Trong nửa đầu năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã ghi nhận những thành tựu ấn tượng, với sản lượng và giá trị đều đạt mức kỷ lục. Điều này góp phần mở ra kỳ vọng lớn cho ngành gạo trong những tháng còn lại của năm 2024.

Thống kê của Tổng cục Hải quan, giá xuất khẩu gạo trung bình của Việt Nam sang Brunei lên tới 959 USD/tấn trong 5 tháng đầu năm 2024. Giá xuất khẩu gạo sang nhiều thị trường khác cũng tăng cao như giá xuất khẩu gạo trung bình sang Mỹ đạt 868 USD/tấn, Hà Lan đạt 857 USD/tấn, Ukraine đạt 847 USD/tấn, Iraq đạt 836 USD/tấn, Thổ Nhĩ Kỳ đạt 831 USD/tấn...

Giá gạo xuất khẩu tăng cao đã góp phần quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Theo báo cáo của Bộ Công thương, Việt Nam xuất khẩu 650.000 tấn gạo với kim ngạch 416 triệu USD trong tháng 6/2024, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung nửa đầu năm 2024, xuất khẩu gạo đạt 4,6 triệu tấn với 2,9 tỷ USD, tăng 10,4% về lượng song tăng đến 32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Chuyên gia kỳ vọng xuất khẩu gạo sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm 2024. Ảnh minh hoạ

Với những kết quả ấn tượng trong nửa đầu năm, các doanh nghiệp và chuyên gia đều kỳ vọng xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc trong nửa cuối năm 2024. Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, gạo là mặt hàng đứng thứ năm về kim ngạch xuất khẩu trong ngành nông nghiệp và đang ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao. Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam hiện nay là Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore, trong đó Philippines chiếm hơn 38% tổng lượng gạo xuất khẩu.

Những nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc khẳng định vị thế số 1 của Việt Nam trên thị trường gạo toàn cầu. Với những chính sách hỗ trợ thiết thực từ Chính phủ cùng việc triển khai các giải pháp đồng bộ, ngành gạo Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục ghi nhận những bước tiến vượt bậc trong thời gian tới.

Bên cạnh những tín hiệu khả quan, xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn đối mặt với một số thách thức. Trong đó, hạn chế lớn là việc thiếu liên kết giữa các hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng gạo. Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, khuyến cáo: “Các doanh nghiệp cần liên kết các hợp tác xã, hộ dân tập trung vào nhóm lúa gạo chất lượng cao nhằm bảo đảm việc xuất khẩu thuận lợi. Thời điểm này là cơ hội lớn cho lúa gạo Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường thế giới”.

Năm 2024, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng lúa đạt 7,1 triệu ha, sản lượng lúa trên 43 triệu tấn; đảm bảo xuất khẩu từ 8 triệu tấn gạo trở lên.

Hiện nông dân và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lúa gạo đang được hỗ trợ đắc lực từ Đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 mà Chính phủ đã ban hành.

Từ đầu năm, Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các địa phương và bộ, ngành liên quan theo dõi, chủ động phương án ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và các hiện tượng thời tiết rét đậm, rét hại có thể gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất nông nghiệp, trong đó có gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch lúa.

Về phía Bộ Công Thương, để đồng hành cùng ngành lúa gạo Việt Nam nói chung, doanh nghiệp xuất khẩu gạo nói riêng, Bộ cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo trong tình hình mới.

Tuấn Linh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu