06:32 ngày 01/11/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Chuyên gia cảnh báo nhiều người trẻ nguy kịch do mắc cúm B

07:40 16/05/2024

(THPL) - Chuyên gia cảnh báo, khi bị mắc cúm B có diễn biến nặng, người bệnh cần đến khám ngay tại các cơ sở y tế điều trị chuyên sâu và theo dõi biến chứng, nguy cơ bội nhiễm.

Ngày 15/5, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin, các bác sĩ của Bệnh viện đang điều trị cho 3 bệnh nhân mắc cúm B trong tình trạng nặng. Cả 3 bệnh nhân đều ở lứa tuổi trẻ và có tiền sử khỏe mạnh. Hai trong số ba bệnh nhân đó đã được chỉ định can thiệp ECMO (phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể). 

Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân 19 tháng tuổi nhập khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sốt cao liên tục (39 đến 40 độ C). Trước khi nhập khoa, bệnh nhân đã điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn, được làm xét nghiệm có kết quả cúm B (+). Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân vẫn sốt cao liên tục, ho, mệt nhiều, ăn kém, nôn, đi ngoài phân lỏng có dấu hiệu của suy hô hấp được chuyển tuyến lên khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Bệnh nhân được chẩn đoán: Viêm phổi nặng, cúm B, nhiễm khuẩn huyết.

Sau khi nhập viện, bệnh nhân vẫn sốt cao liên tục, mệt tăng dần, phải thở oxy. Sau 1 ngày bệnh nhân chuyển sang thở HFNC (oxy dòng cao). Bệnh nhân được làm xét nghiệm và cấy máu ra vi khuẩn tụ cầu.

Các chuyên gia cảnh báo nhiều người trẻ nguy kịch do mắc cúm B. Ảnh: báo Đầu tư

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nam, 40 tuổi ở Thanh Hóa nhập khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 8/5/2024. Cách vào viện 5 ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, hắt hơi, sổ mũi, ăn uống kém. Khi thấy khó thở đau tức ngực sau xương ức, khó thở tăng dần, ho khạc đờm xanh bệnh nhân nhập viện được test Cúm B (+) .

Khi chụp cắt lớp có hình ảnh tổn thương phổi bên phải, được chẩn đoán: Viêm phổi nặng - Cúm B. Bệnh nhân được thở O2 mask và chuyển đến Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở và tức ngực nhiều, sau đó được đặt ống thở máy. Hiện tại bệnh nhân đã được đặt ECMO.

Trường hợp thứ ba là nữ, 30 tuổi ở Hải Hậu, Nam Định. Bệnh nhân xuất hiện sốt cao 39-40 độ C, kèm theo đau tức ngực và khó thở tăng dần. Bệnh nhân được đưa vào cơ sở y tế gần nhà khám và kê đơn điều trị ngoại trú 2 ngày. Tuy nhiên tình trạng không cải thiện mà xuất hiện suy hô hấp nặng. Bệnh nhân lại nhập viện để điều trị, được làm xét nghiệm có kết quả Cúm B (+).

Bệnh nhân được chẩn đoán: Viêm phổi - Suy hô hấp - Cúm B. Sau 2 ngày điều trị tình trạng khó thở tăng dần bệnh nhân đã được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tại đây, bệnh nhân được đặt ống thở máy nhưng đáp ứng kém, bệnh nhân được chỉ định can thiệp ECMO.

Trước thông tin 3 ca bệnh tiến triển nặng do cúm B, Bác sĩ Trần Văn Bắc - Phó Trưởng khoa Cấp Cứu (Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho hay khi bị mắc cúm B có diễn biến nặng, người bệnh cần đến khám ngay tại các cơ sở y tế điều trị chuyên sâu và theo dõi biến chứng và nguy cơ bội nhiễm…

Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, do virus cúm gây ra. Các triệu chứng phổ biến bao gồm đau đầu, sốt, ho, đau họng, đau nhức cơ khớp và nói chung là cảm giác khó chịu. Bệnh cúm thường nặng hơn cảm lạnh đơn thuần mặc dù bệnh cũng có thể nhẹ.

Mức độ nghiêm trọng của bệnh từ các triệu chứng nhẹ đến viêm phổi nặng, viêm não và nhiễm trùng toàn thân, có thể đe dọa tính mạng. Những biểu hiện nghiêm trọng này có thể là do bản thân virus cúm hoặc các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn/virus khác xảy ra sau nhiễm cúm làm suy yếu khả năng phòng vệ của cơ thể.

Bệnh nặng hơn thường gặp ở người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và những người mắc các bệnh mạn tính như bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim. Tuy nhiên, nhiễm trùng nặng cũng có thể xảy ra ở bất kỳ nhóm tuổi nào có thể trạng sức khỏe tốt.

Để phòng bệnh cúm, TS.BS Trần Thị Hải Ninh, Trưởng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khuyến cáo, cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh cúm là tiêm phòng cúm hàng năm. Vaccine ngừa cúm có khả năng bảo vệ tốt, làm giảm nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ tiến triển nặng.

Cũng liên quan đến bệnh cúm, Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec cho hay, bệnh cúm mùa do virus cúm (thường là 4 chủng từ H1N1, H3N2 và 2 chủng nhóm B) gây ra và lan truyền trong cộng đồng với khả năng biến đổi kháng nguyên liên tục (chúng ta sẽ thường xuyên tiếp xúc với virus cúm mới), nhưng theo quy luật nhất định về di truyền.

Mỗi năm, chủng virus cúm lưu hành khác nhau, nên chúng ta cần tiêm nhắc vaccine cúm mùa hàng năm (1 lần trong năm). Đây là phương pháp phòng bệnh tốt nhất.

Từ lâu, WHO đã thiết lập các trạm quan trắc virus cúm mùa trên khắp thế giới (có cả ở Việt Nam) để phân lập, xác định virus cúm mùa lưu hành ở các khu vực (các vùng địa lý, khí hậu, Bắc bán cầu và Nam bán cầu). Từ đó dự đoán, xác định chủng virus cúm sẽ xuất hiện vào mùa đông - xuân khu vực Bắc bán cầu (từ tháng 10 đến hết tháng 4 năm sau) và vào mùa Đông - Xuân khu vực Nam bán cầu (từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm).

Từ việc xác định được khả năng chủng virus cúm nào sẽ hoành hành ở đâu (Bắc và Nam bán cầu), WHO đưa ra các hướng dẫn về chủng virus cúm để sản xuất vaccine phòng cúm mùa cho các nhà sản xuất vaccine tuân theo và cung cấp cho thị trường theo thời gian tốt nhất (Bắc bán cầu vào tầm tháng 8-9, còn Nam bán cầu vào tháng 4-5 hàng năm).

Đó là lý do tại sao chúng ta cần tiêm vaccine cúm mùa mỗi năm 1 lần và vào thời điểm trước khi mùa bệnh cúm bắt đầu, cũng như cần tiêm đúng vaccine theo mùa đã được khuyến cáo.

Minh Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu