13:58 ngày 26/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Chính phủ yêu cầu bồi thường sự cố môi trường biển miền Trung đợt I phải xong trước Tết

10:16 27/12/2016

(THPL) - Theo chỉ đạo mới nhất từ Chính phủ, việc bồi thường cho nhân dân các tỉnh miền Trung bị thiệt hại từ sự cố môi trường biển phải xong đợt I trước Tết.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về các giải pháp ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường.

Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương liên quan quán triệt đến mọi cán bộ, công chức, người dân, các đơn vị, tổ chức liên quan, khẳng định Quyết định số 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã cơ bản bao quát được các đối tượng bị thiệt hại trực tiếp do sự cố môi trường biển.

Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế tập trung khắc phục các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ đợt I cho các đối tượng, chậm nhất trước Tết âm lịch để người dân bước đầu ổn định đời sống. Khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở kinh nghiệm triển khai đợt I, khẩn trương triển khai chi trả đợt II đảm bảo người dân nhận được tiền bồi thường, hỗ trợ để ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xác định thiệt hại để bồi thường, hỗ trợ khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế, căn cứ các nhiệm vụ được giao tại Đề án, các Bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ này, nhất là các chính sách về an sinh xã hội, các nhiệm vụ về quan trắc môi trường.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định phê duyệt Đề án để sớm đưa các nội dung Quyết định vào thực hiện có hiệu quả.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình. (Ảnh: TL)

Khẩn trương xây dựng bổ sung định mức

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính và Ủy ban nhân dân 4 tỉnh khẩn trương sớm xây dựng bổ sung định mức cho các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Quyết định số 1880/QĐ-TTg, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tuyên truyền rộng rãi về việc môi trường biển đã an toàn như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 373/TB-VPCP ngày 16/11/2016; đồng thời phối hợp với Bộ Y tế và các địa phương, cơ quan liên quan chuẩn bị công bố biển an toàn, biển sạch toàn diện khi có đủ điều kiện.

Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam triển khai ngay việc nghiên cứu và đánh giá khoa học về chất lượng hải sản tầng đáy tại vùng biển từ 20 km trở vào của 4 tỉnh miền Trung, đề xuất Thủ tướng Chính phủ thời điểm công bố khi đủ điều kiện.

Đối với đối tượng là cửa hàng ăn uống (phục vụ khách du lịch) ven biển thuộc đối tượng của Quyết định số 1880/QĐ-TTg theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại Thông báo số 380/TB-VPCP ngày 28/11/2016, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương xác định rõ các tiêu chí; chủ trì đề xuất định mức hỗ trợ, gửi các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước 15/1/2017.

Phân loại rõ theo chất lượng hải sản tồn kho

Về xử lý số lượng hàng hải sản tồn kho, đối với lượng hải sản tồn kho không đảm bảo an toàn thực phẩm (bị nhiễm độc) đã được tiêu hủy, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND 4 tỉnh khẩn trương chi trả tiền hỗ trợ cho người dân theo đơn giá, định mức, khối lượng đã được phê duyệt, hoàn thành trước ngày 25/12/2016.

Đối với lượng hải sản tồn kho đảm bảo an toàn thực phẩm (không nhiễm độc), yêu cầu UBND 4 tỉnh tiến hành phân loại rõ theo chất lượng: loại hải sản đảm bảo chất lượng, đủ điều kiện để làm thực phẩm cho người và loại hải sản không đảm bảo chất lượng, không đủ điều kiện để làm thực phẩm cho người (chỉ có thể dùng vào các mục đích khác như thức ăn chăn nuôi…hoặc tiêu hủy); thống kê, chốt số lượng của từng loại và chịu trách nhiệm về kết quả thống kê này. Đề xuất giải pháp xử lý, định mức hỗ trợ, báo cáo tổ công tác liên ngành do Bộ Công Thương làm tổ trưởng.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì thành lập tổ công tác liên ngành do 1 đồng chí lãnh đạo Bộ làm Tổ trưởng, thành viên là lãnh đạo cấp Vụ của các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường (có thể mời đại diện Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia) với nhiệm vụ là đánh giá, xác nhận kết quả phân loại của 4 tỉnh. Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ này đồng thời với các tỉnh phân loại, thống kê để bảo đảm nhiệm vụ đánh giá, xác nhận được kịp thời.

Riêng đối với số lượng phát sinh thêm, yêu cầu tỉnh Quảng Bình có giải trình, chứng minh nguồn gốc cụ thể (hóa đơn chứng từ, ngày tháng, đơn vị cung ứng…) với Tổ công tác liên ngành và phải được Bộ Y tế kiểm nghiệm. Trên cơ sở đó Tổ công tác liên ngành báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có phương án đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đối với các sản phẩm là 150 tấn sứa, sản phẩm khô… như báo cáo của tỉnh Hà Tĩnh tại cuộc họp, cũng phải chứng minh nguồn gốc như trường hợp báo cáo của tỉnh Quảng Bình. Nếu xác thực, giao Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát đối tượng tại Quyết định số 1880/QĐ-TTg và văn bản hướng dẫn liên quan, trường hợp chưa có định mức, đề nghị đề xuất bổ sung định mức, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phải chịu trách nhiệm trực tiếp về các đề nghị bổ sung này.

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình rà soát, làm rõ kinh phí hỗ trợ chênh lệch giá bán cho các chủ tàu cá khai thác xa bờ trong thời gian từ ngày 30/4/2016 đến ngày 15/5/2016, đảm bảo không trùng lặp với tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân theo Quyết định số 1880/QĐ-TTg, báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chỉ đạo tại Công văn số 9942/VPCP-KTTH ngày 17/11/2016.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông tập trung tuyên truyền để tạo sự thống nhất, đồng thuận trong dư luận, xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền về kết quả công tác triển khai bồi thường, khắc phục hậu quả sự cố môi trường, về môi trường biển đã an toàn, về kết quả xử lý hành chính, công tác giám sát hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa. Tăng cường các bài báo đấu tranh, vạch mặt các đối tượng phản động, lợi dụng tuyên truyền, kích động, lôi kéo người dân vi phạm pháp luật, chống phá chính quyền, các chính sách của Đảng, Nhà nước.

Phó Thủ tướng đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo các cơ quan tòa án, kiểm sát địa phương xử lý các khiếu nại, tố cáo của người dân theo đúng quy định của pháp luật và sẵn sàng phối hợp khi có nhiệm vụ phát sinh.

Đại Lộc

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu