08:23 ngày 23/06/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Chi phí đầu vào tăng khiến doanh nghiệp sản xuất xi măng gặp khó

07:17 14/05/2024

(THPL) - Thời gian gần đây, chi phí đầu vào sản xuất của ngành xi măng liên tục tăng do giá nhiên liệu, năng lượng tăng phi mã, nhất là giá than. Đặc biệt, chi phí vận tải tăng mạnh, ảnh hưởng lớn đến giá thành và giá bán sản phẩm của các doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA): “Sản lượng xi măng trong nước liên tục tăng từ năm 2010 đến năm 2021. Đỉnh điểm, năm 2021, tổng lượng xi măng, clinker tiêu thụ được trên 108 triệu tấn. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, tiêu thụ đã giảm mạnh”.

Cả năm 2023, tiêu thụ xi măng chỉ đạt khoảng 87,8 triệu tấn, trong đó, xuất khẩu 31,2 triệu tấn; tiêu thụ nội địa đạt 56,6 triệu tấn, bằng 84% năm 2022.

“Tốc độ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội còn chậm, nên sức hấp thụ vật liệu xây dựng nội địa, trong đó có xi măng, còn thấp. Hơn 10 năm qua, lượng tiêu thụ xi măng nội địa tăng rất chậm, tăng trưởng tiêu thụ xi măng trong nước 12 năm qua chỉ đạt 2,3%/năm. Đặc biệt, năm 2022 và 2023, mức tiêu thụ tăng trưởng âm”, VNCA phân tích.

Vẫn theo VNCA, giai đoạn này, ngành xi măng phải chịu áp lực lớn, khi khả năng hấp thụ xi măng của nền kinh tế trong nước kém. Bên cạnh đó, giá điện, than và các nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất đều tăng, có thời điểm giá than tăng gấp 3 lần, giá bán lẻ điện bình quân tăng 7,5% trong năm 2023...

Tiêu thụ sản phẩm xi măng giảm sâu, doanh nghiệp sản xuất gặp khó. Ảnh minh hoạ

Tính đến năm 2024, cả nước có 61 nhà máy sản xuất xi măng, tổng công suất khoảng 117 triệu tấn/năm, nhưng năng lực sản xuất thực tế có thể đạt hơn 130 triệu tấn/năm. Sản lượng xi măng của Việt Nam đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Bên cạnh đó, còn một số dự án nhà máy xi măng đang xây dựng, chờ hoàn thành đưa vào vận hành. Các dự án này tiếp tục bổ sung công suất đáng kể cho ngành xi măng.

Từ những số liệu trên có thể thấy, sản lượng xi măng trong nước sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng cung vượt cầu. Thị trường nội địa dự kiến tiêu thụ khoảng 60 - 62 triệu tấn nên kênh xuất khẩu vẫn được các doanh nghiệp đẩy mạnh nhằm giải quyết được sản lượng khoảng 30 triệu tấn.

Nhằm giúp ngành xi măng vượt qua bài toán cung cầu hiện nay, lãnh đạo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) nêu giải pháp, các Bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng theo kế hoạch được phê duyệt, từ đó tạo đầu ra cho các mặt hàng vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng.

Đồng thời, cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; đẩy nhanh triển khai thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trên cả nước. Khi các hoạt động xây dựng nhà ở, công trình khởi sắc sẽ gia tăng nhu cầu về các nguyên vật liệu xây dựng.

Về phía các doanh nghiệp sản xuất xi măng cũng đang tìm nhiều giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ nội địa. Đặc biệt, trong tháng 5, dự báo sản lượng xi măng tiêu thụ nội địa sẽ tăng do trong mùa xây dựng. Đây là tín hiệu khởi sắc, kỳ vọng tạo sức bật trong sản xuất, tiêu thụ xi măng.

Ngoài ra, để khơi thông cho kênh xuất khẩu, VNCA kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua việc bỏ thuế xuất khẩu với clinker. Trong ngắn hạn, nếu chưa bãi bỏ, đề xuất giữ nguyên thuế xuất khẩu với clinker hai năm tới là 5% và được khấu trừ VAT.

Để khắc phục căn bản chênh lệch cung - cầu xi măng, cần có giải pháp mang tầm nhìn dài hạn. VNCA cho hay, sản xuất xi măng gắn liền với tài nguyên khoáng sản; trong đó có đá vôi, là nguồn tài nguyên không tái tạo. Do vậy, việc xây dựng các nhà máy xi măng đi kèm với xác định các mỏ khoáng sản và quy hoạch các loại khoáng sản, tài nguyên liên quan.

Tuấn Kiệt (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu